Kinh tế

Kinh nghiệm sản xuất né lũ của nông dân Nghệ An

Thanh Phúc 31/07/2024 10:52

Nghệ An đang bước vào mùa mưa bão, thời điểm này, các công trình thuỷ điện xả lũ. Để thích nghi, nông dân vùng hạ lưu đã có những phương án sản xuất “né lũ”.

Sản xuất lúa hè thu ở Thanh Xuân (Thanh Chương)
Vụ hè thu ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương) chủ yếu là giống lúa ngắn ngày, thu hoạch trước tháng 9 hàng năm. Ảnh: T.P

Địa hình thấp trũng, được coi là “rốn lũ” của Thanh Chương, vào mùa mưa bão, xã Thanh Xuân thường xuyên bị ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của bà con. Do đó, trước đây, vụ hè thu ở Thanh Xuân dường như không ai làm, ruộng đồng bỏ hoang. Thế nhưng, 4 năm trở lại nay, trong tình cảnh phải “sống chung với lũ”, do đó, không thể bỏ hoang ruộng do bất lợi của thời tiết gây ra, người dân Thanh Xuân dần tìm cách thích ứng, sản xuất “né lũ”.

Anh Bùi Văn Đại - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân cho biết: “Với phương châm sản xuất hè thu càng sớm, càng tốt. Do đó, khung thời vụ của xã cũng sớm hơn so với lịch chung của huyện từ 15-20 ngày. Cụ thể, từ giữa tháng 5 đã xuống giống hè thu và thu hoạch trước tháng 9. Riêng đậu, vừng, bí xuống giống sớm hơn, thu hoạch xong vụ xuân là làm đất, gieo cấy vụ hè, không cho đất nghỉ, phải tranh chấp với thời gian để thu hái trước mùa mưa lũ”.

Hoa thiên lý ở vùng lũ Trung Phúc Cường được người dân làm thành những ụ cao, giàn thép để hạn chế cây chết do ngập úng. Ảnh: T.P
Hoa thiên lý ở vùng lũ Trung Phúc Cường được người dân làm thành những ụ cao, giàn thép để hạn chế cây chết khi ngập úng. Ảnh: T.P

Có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất hè thu, ông Nguyễn Đình Tố, xóm Phú Lập (xã Thanh Xuân) cho rằng, thông thường mưa lũ sẽ xảy ra vào giữa tháng 9 trở đi, do đó, trong sản xuất lúa hè thu, bà con phải chọn giống lúa ngắn ngày như Khang dân SL 9, DT 80… vừa có sức chống chịu bất lợi thời tiết, cứng cây, ít ngã đổ vừa cho thu hoạch sớm.

Đồng thời, phải rất căn cơ thời điểm xuống giống bởi đầu vụ thì khô hạn mà cuối vụ lại ngập úng, do đó, phải đảm bảo được khung an toàn cho cây lúa để không bị hạn hán cũng không vướng mưa lũ dồn dập. Ông Tố cho biết: “Gieo mạ đầu tháng 5, thu hoạch lúa xuân xong là làm đất để cấy. Riêng cây bí thì ươm bầu trước rồi mới đưa ra ruộng cấy để rút ngắn thời gian sinh trưởng, tránh được lụt vào giai đoạn thu hoạch”.

Các hộ dân ở Trung Sơn thu hoạch hoa màu trên bãi bồi trước khi mùa mưa lũ đến. Ảnh: Thanh Phúc
Các hộ dân ở Trung Sơn thu hoạch hoa màu trên bãi bồi trước khi mùa mưa lũ đến. Ảnh: Thanh Phúc

Cũng là địa phương thường xuyên bị ngập úng khi mùa mưa bão về, người dân xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) cũng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất né lũ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Phan Trọng Tiệp vừa thu hoạch xong đậu xanh, đậu đỏ và đang tranh thủ làm đất để gieo trồng các loại rau ngắn ngày.

Ông Tiệp cho biết: “Những năm qua, cán bộ nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, đó là trồng dưa hấu, dưa lê, đậu, vừng thu hoạch sớm, sau đó xuống giống rau ngắn ngày để kịp thu hoạch trước mùa mưa lũ. Sau mưa lũ, lượng phù sa bồi đắp, sẽ thuận lợi cho việc gieo trồng các loại rau cao cấp để phục vụ thị trường cuối năm. Trồng rau ngắn ngày, thu hoạch nhanh là giải pháp khôi phục sản xuất, nhanh chóng có vốn tái đầu tư cho mùa vụ sau mưa lũ đang được người dân chúng tôi áp dụng”.

 Mô hình ốc bươu đen, cá-lúa hoặc cá-sen đang được nhiều địa phương áp dụng với diện tích thấp trũng. Ảnh: T.P
Mô hình ốc bươu đen, cá - lúa hoặc cá - sen đang được nhiều địa phương áp dụng với diện tích thấp trũng. Ảnh: T.P

Trước đây, vườn bưởi của gia đình anh Phan Bá Hậu (xóm Liên Đức, xã Thanh Liên) bị ngập úng, héo rụng dẫn đến thất thu. Vài năm nay, được các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền về phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão và được thông báo sớm việc xả lũ của nhà máy thủy điện, anh Hậu đã chủ động trong canh tác để mang lại kinh tế cho gia đình.

Anh Hậu cho biết: “Trước đây, do không chú tâm tham gia các buổi truyền thông về phòng, chống bão lũ, cũng như thông tin về thời gian và hồi, lệnh khi các nhà máy thủy điện xả lũ… nên đến mùa là nước ngập vườn bưởi.

Bưởi da xanh của anh Hậu thời điểm này đã được thu hoạch. Ảnh: T.P
Bưởi da xanh của anh Hậu thời điểm này đã thu hoạch được trên 70% số quả. Ảnh: T.P

Qua các buổi tập huấn, tuyên truyền của cơ quan, đơn vị chức năng, cùng với kinh nghiệm của bản thân thì tôi chuyển từ trồng bưởi Diễn sang bưởi da xanh, giống bưởi này cho thu hoạch sớm hơn; đồng thời, ép bưởi ra hoa sớm trước 1 tháng để thu hoạch tránh lũ. Hiện nay, 250 gốc bưởi thì đã có 70% đã chín nên thu hoạch, bán tỉa trước, tránh mưa bão, rụng quả, ngập úng, hư hao nhiều, thất thu”.

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, ngoài các mô hình sản xuất né lũ dựa trên kinh nghiệm, hiện nay, các địa phương cũng đã triển khai các mô hình để “sống chung với lũ” như chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô sinh khối; mô hình phục hồi đất bị bồi lấp do mưa lũ sang trồng đậu xanh; chuyển đổi diện tích ngập úng, thấp trũng sang nuôi trồng ốc bươu, sen-cá…

 Người dân xã Trung Phúc Cường diễn tập ứng phó với bão lũ. Ảnh: T.P
Người dân xã Trung Phúc Cường diễn tập ứng phó với bão lũ. Ảnh: T.P

Có thể thấy, việc tuyên truyền về kinh nghiệm phòng tránh thiên tai, tổ chức sản xuất thích nghi với ngập úng cho bà con vùng hạ lưu là hết sức cần thiết. Nhờ đó, người dân sinh sống ở vùng hạ lưu chủ động các phương án ứng phó, không ảnh hưởng đến sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Mới nhất
x
Kinh nghiệm sản xuất né lũ của nông dân Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO