Nông dân Nghệ An chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng giá trị sản xuất
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang được nhiều nông dân Nghệ An hưởng ứng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Cách đây gần 10 năm, trên diện tích 1 ha đất xa xấu, sình lầy, gia đình ông Hoàng Hữu Sơn ở xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi lợn. Thế nhưng, sản xuất không hiệu quả bởi lợn thường bị dịch bệnh. 3 năm nay, ông Sơn quy hoạch lại hệ thống ao chuồng, đất đai để nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi thêm vịt, ếch.
Ông Hoàng Hữu Sơn cho biết: Năm 2015, trên cùng đất sình lầy, gia đình tôi khai hoang phục hóa để làm trang trại. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn không phù hợp, không hiệu quả nên năm 2015, tôi cải tạo ao đầm chuyển sang nuôi cá, vịt, mang lại hiệu quả cao hơn. Việc chuyển đổi vật nuôi như vậy phù hợp đồng đất, không bị ảnh hưởng của thiên tai. Và nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, đầu ra ổn định nên lợi nhuận tăng nhiều lần so với trước đây.
Tiếp đó, ông Sơn vào miền Nam tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi ếch có thể áp dụng phát triển tại quê hương mình, nên bắt đầu triển khai nuôi. Năm 2021, gia đình xây dựng 4 bể nuôi ếch rộng 200 m2, mang giống về nuôi thử nghiệm ếch thương phẩm. Quá trình nuôi cho hiệu quả tốt; từ nguồn vốn tích lũy được cộng với vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, ông xây thêm 4 bể để nuôi ếch giống, với 500 con ếch bố mẹ. Số ếch giống được ông bán ra thị trường và làm giống nuôi cho trang trại của mình.
Mỗi năm, gia đình ông xuất bán 4 tấn ếch thương phẩm, 10 vạn ếch giống chủ yếu là các huyện miền núi Tương Dương, Quỳ Hợp, Quế Phong...
Ông Sơn chia sẻ: Mô hình nuôi ếch đang dần phổ biến ở nhiều địa phương, sức cạnh tranh thị trường ngày một tăng cao. Vì vậy, người chăn nuôi cần được tiếp cận với những kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm bài bản để đạt được hiệu quả kinh tế tốt nhất, đem lại nguồn lợi nhuận cao.
Theo giá thị trường hiện nay, ếch thịt giá 50.000 đồng/kg, 1.000 – 1.200 đồng/con ếch giống một tháng tuổi. Quy trình nuôi hiện nay là: 2 tháng nuôi 1 lứa vịt, cá 7- 10 tháng/lứa; ếch thương phẩm nuôi 3 tháng/lứa. Hiện tại, sau khi trừ chi phí sản xuất, thuê nhân công, mỗi năm cho lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.
Ông Thái Đình Tuấn - Phó Chi hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết: Gia đình ông Sơn là một trong những hộ điển hình về làm kinh tế giỏi trong xã, thường xuyên truyền kinh nghiệm và chỉ dẫn kỹ thuật cho nhiều người, giúp họ thành công trong kinh tế trang trại. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã đã khẳng định được hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Để phát triển các mô hình cây trồng vật nuôi, hội nông dân tuyên truyền, vận động bà con vay vốn sản xuất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con.
Hay trường hợp của gia đình ông Trần Đình Quyến ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, với chủ trương khuyến khích cải tạo diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy, hải sản của địa phương, ông đã cải tạo hơn 1 ha lúa sang nuôi tôm. Hiện nay mỗi vụ, ông bán được gần 3 tấn tôm thương phẩm, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Ông Quyến chia sẻ: Với chủ trương khuyến khích cải tạo diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy, hải sản của địa phương, tôi đã cải tạo nuôi tôm. Hiện nay, mỗi vụ bán được từ 2,5 - 3 tấn tôm thương phẩm. Việc kinh doanh hàng tạp hóa, chăn nuôi hươu và tôm mang về cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm, có điều kiện để nuôi các con ăn học.
Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan khiến cho tình hình hạn hán, mưa lụt khiến ra khá khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh. Mỗi vụ sản xuất, tỉnh có từ 9.000 đến 11.000 ha bị xâm nhập mặn và hạn hán. Các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt đòi hỏi nông dân cần chuyển đổi thích ứng mạnh mẽ. Các cấp hội nông dân cùng đồng hành với bà con trong việc mở các lớp tập huấn xây dựng các mô hình chuyển đổi hiệu quả; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, hỗ trợ đầu ra bền vững… Nhờ vậy mà hàng nghìn ha được chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành với bà con trong việc định hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.