Kịp thời chi trả hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thanh Nga 11/07/2022 18:11

(Baonghean.vn) -  Thực hiện Nghị quyết 68 ngày 1/7/2021 và Nghị quyết 126 ngày 8/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã của Nghệ An đã kết thúc tiếp nhận hồ sơ kể từ ngày 31/1/2022 và hoàn thành việc phê duyệt danh sách các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ. UBND tỉnh cũng đã hoàn tất việc xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ 41 đợt.

Khắc phục khó khăn để hoàn thành tiến độ

TP. Vinh là đơn vị có số đối tượng thụ hưởng lớn, tới gần 52.000 lượt đối tượng ở cả 12 nhóm được quy định. Tuy đến thời điểm 31/1/2022, các nhóm đối tượng đã kết thúc việc nộp hồ sơ, nhưng trên thực tế đến 31/12/2021 các đơn vị phường, xã và Thành đội đã ngừng tiếp nhận hồ sơ và chi trả đến tận tay người được thụ hưởng.

Ủy ban MTTQ tỉnh và TP. Vinh trao quà hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho lao động tự do tại vườn hoa Cửa Bắc (TP. Vinh). Ảnh tư liệu: P.V

Theo ông Thái Thanh Hà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP. Vinh, trong quá trình chi trả cho đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng, cũng có nhiều thắc mắc, kiến nghị về việc bổ sung hoặc tiến độ chi trả. Song qua các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, thành phố, địa phương đã giải thích về việc quy định rõ các đối tượng được thụ hưởng chính sách chỉ lấy ở mức tương đối phù hợp với mặt bằng chung ở tất cả các địa bàn theo Quyết định 22 ngày 9/8/2021 của UBND tỉnh về Quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch.

Cũng phải nói thêm, 9 nhóm đối tượng quy định tại Quyết định 22 của tỉnh được thụ hưởng, nhưng rất nhiều phường, xã có kiến nghị mở rộng hỗ trợ cho những đối tượng đặc thù như thợ sơn, thợ mộc, thợ cơ khí.

Họ cho rằng, những nhóm đối tượng này cũng tham gia lao động ngoài trời thành từng tổ nhóm và bị mất việc trong thời điểm dịch dã hoành hành; hoặc phải nghỉ việc vì quy định cấm tụ tập theo các Chỉ thị 15, 16, nên cũng cần tính toán để mở rộng, tránh thiệt thòi cho nhân dân.

Tuy nhiên, các cơ quan hữu quan chỉ làm theo đúng các nhóm đối tượng đã quy định chứ không thể mở rộng vì lượng kinh phí quá lớn và thực tế đã làm theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68, hỗ trợ cho những đối tượng thực sự khó khăn trong đại dịch.

Lao động tự do đã được nhận hỗ trợ theo Quyết định 22 của UBND tỉnh. Ảnh tư liệu

Đến nay, TP. Vinh đã chi trả đầy đủ cho các đối tượng được rà soát và kê khai, bao gồm: Hỗ trợ 11.964 người lao động làm việc tại doanh nghiệp với số tiền hơn 25,7 tỷ đồng; 7.444 đối tượng F1, F0, với số tiền hơn 7,5 tỷ.

Cùng với đó là hỗ trợ 30.012 lao động tự do với số tiền hơn 45 tỷ đồng; 2.642 hộ kinh doanh với số tiền gần 8 tỷ đồng. Theo báo cáo của Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố, hiện nay tiền đã được cấp về UBND các phường, xã và đã trả hết cho tất cả các đối tượng.

Lao động tự do xin tư vấn việc làm tại phiên giao dịch việc làm của tỉnh. Ảnh: Đình Tuyên

Tương tự, huyện Yên Thành có hơn 23.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thụ hưởng chính sách của Chính phủ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126.Đến nay, tất cả đã được nhận các khoản hỗ trợ theo đúng quy định.

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Dù trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc rà soát và thẩm định hồ sơ, nhưng nhìn chung với sự công tâm, giảm thiểu các thủ tục hành chính và quan trọng nhất là xử lý các kiến nghị thắc mắc của người dân một cách hài hòa, nên đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân cũng như doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn".

Tư vấn hỗ trợ việc làm cho lao động tự do. Ảnh tư liệu

Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn tất xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ 41 đợt theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126. Tổng số đã phê duyệt 304.511 lượt đối tượng (trong đó, 259.930 đối tượng thụ hưởng trực tiếp, hỗ trợ bổ sung cho phụ nữ mang thai và trẻ em là 44.385, 108 người cao tuổi và 88 người khuyết tật) với tổng kinh phí 401.067,321 triệu đồng.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Quá trình tiếp nhận hồ sơ thẩm định rà soát và chi trả được thực hiện khá chặt chẽ, tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những kiến nghị, thắc mắc ở nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và cả ở cán bộ cấp huyện, thành, thị".

Theo đó, đa số là kiến nghị việc khó tiếp cận các danh mục hỗ trợ đào tạo nghề, danh mục vốn vay; hoặc danh mục lao động tự do vẫn còn những bất cập. Và tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đã giải thích rõ các đối tượng, nhóm đối tượng được quy định tại Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126. Có thể thấy, chính sách dù không bao trùm được hết mọi thành phần trong xã hội nhưng đã tiệm cận được hết những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề, góp phần làm rõ ý nghĩa “một miếng khi đói” trong đại dịch mà Chính phủ muốn chuyển tải.

Động lực tái tạo việc làm mới

Lao động tự do tìm việc tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Đình Tuyên

Trong năm qua, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ 6.607 hộ kinh doanh với kinh phí 19.821 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể đã có thể trụ vững thời kỳ dịch dã.

Đến thăm hộ kinh doanh Tôn thép Việt-Nhật trên đường Nguyễn Sinh Sắc (TP. Vinh), ông chủ công ty nhỏ này cho biết: “Công ty có 5 công nhân với vốn điều lệ hơn 4 tỷ đồng nhưng vào giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi gặp khó khăn đủ bề. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước đối với công nhân ngừng việc trong công xưởng của tôi với mức 1,5 triệu đồng/người nên cũng đỡ đi phần nào chi phí lương thưởng".

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An trao quà hỗ trợ cho công nhân khu nhà trọ bị phong tỏa do dịch Covid-19. Ảnh tư liệu: ĐVCC

Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp chia sẻ, công ty còn được hỗ trợ nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất thấp nên có thêm nguồn kinh phí đầu tư, đó là nguồn động viên to lớn trong thời điểm khó khăn, giúp công ty hoạt động trở lại với lượng công nhân thời vụ lên đến 10 người và tổng doanh thu ở mức tương đối ổn định.

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp phải đóng cửa và gặp nhiều khó khăn trong đại dịch thì theo Nghị quyết 68, Nghệ An còn hỗ trợ 14.652 lượt đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ 38.720 lao động ngừng việc với kinh phí hơn 38,5 tỷ đồng.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Mỗi người được hỗ trợ từ 1,5 - 3,5 triệu đồng, là khoản tiền không nhỏ đối với người lao động trong thời điểm dịch dã. Có người thậm chí từ nguồn hỗ trợ này lại có cơ hội tìm việc làm mới khi cảm thấy không còn phù hợp với chỗ làm cũ. Việc giải quyết kịp thời các nguồn hỗ trợ cũng là cách để tái tạo việc làm mới cho lao động, giúp họ tin tưởng vào chế độ đãi ngộ của đơn vị, địa phương, đồng thời thể hiện tinh thần nhân văn của Chính phủ trong thời điểm toàn dân gặp khó do đại dịch”.

Còn theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH), đến nay toàn tỉnh đã giải quyết việc làm được cho hơn 43.084 lao động; trong đó, giải quyết việc làm cho lao động phổ thông 24.132 vị trí.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Đa số lao động phổ thông có xu hướng chuyển dịch về các phía Bắc thuộc các vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng... và các khu công nghiệp Nghi Sơn, Fomosa...).

Mới nhất

x
Kịp thời chi trả hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO