Xã hội

Kỳ 1: Những "cầu nối" đối thoại

Thanh Thủy - Diệp Thanh 30/06/2025 07:42

Với hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực dồi dào, Nghệ An đã vươn lên thành "cứ điểm" thu hút FDI của cả nước. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh tăng trưởng ấn tượng đó là những "sóng ngầm" về tranh chấp lao động, những cuộc đình công có thể bùng phát bất cứ lúc nào từ va chạm văn hóa hay bất đồng ngôn ngữ. Giữa lằn ranh xung đột đó, những cán bộ công đoàn trở thành người 'dập lửa', bằng sự thấu hiểu và bản lĩnh để hóa giải căng thẳng, giữ vững môi trường đầu tư ổn định.

an ninh công nhân

Kỳ 1:
Những "cầu nối" đối thoại

Với hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực dồi dào, Nghệ An đã vươn lên thành điểm nhấn trong thu hút FDI của cả nước. Tuy nhiên, đi cùng những tăng trưởng ấn tượng, không thể tránh khỏi một số bất ổn trong tranh chấp lao động, va chạm văn hóa hay bất đồng ngôn ngữ. Giữa lằn ranh xung đột đó, những cán bộ công đoàn trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động - bằng sự thấu hiểu và bản lĩnh để hóa giải căng thẳng, giữ vững môi trường đầu tư ổn định.

“Sóng ngầm” trong quan hệ lao động

Trong thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng thu hút vốn FDI nhờ sự ổn định chính trị và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Trên nền tảng đó, Nghệ An đã vươn lên mạnh mẽ, hấp dẫn các tập đoàn lớn như VSIP, Luxshare, Goertek, WHA… nhờ những đột phá về hạ tầng giao thông kết nối (cao tốc Bắc - Nam, cảng nước sâu Cửa Lò...), nguồn nhân lực dồi dào và sự cam kết quyết liệt của chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo dựng niềm tin chiến lược cho doanh nghiệp. Sự hiện diện của khối doanh nghiệp FDI đã tạo nên sức bật mạnh mẽ cho kinh tế địa phương, tạo cơ hội việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập ổn định, trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GRDP và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ngừng việc tập thể tại Khu công nghiệp Nam Cấm - Công ty Zonsen ngày 21/3/2025. Ảnh: CTV
Ngừng việc tập thể tại Khu công nghiệp Nam Cấm - Công ty Zonsen ngày 21/3/2025. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng vẫn tiềm ẩn những thách thức không nhỏ, có thể ví như những “sóng ngầm” đe dọa sự phát triển bền vững. Đó là nguy cơ xung đột lợi ích và va chạm văn hóa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, xuất phát từ khác biệt trong ngôn ngữ, thói quen và cách áp dụng pháp luật lao động. Những bất đồng này nếu không được đối thoại và giải quyết kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát tranh chấp, đình công, làm gián đoạn chuỗi sản xuất và xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Cùng với đó là áp lực ngày một lớn lên hạ tầng xã hội (nhà ở, y tế, giáo dục). Về lâu dài, nếu các mâu thuẫn tích tụ, chúng có thể tác động tiêu cực đến an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường ổn định chính trị - xã hội, vốn là lợi thế cạnh tranh cốt lõi thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Hơn 20 năm gắn bó với tổ chức công đoàn, từng trực tham gia nắm bắt, giải quyết nhiều sự việc đình công trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - cán bộ công đoàn chuyên trách Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: Bắc Vinh là khu công nghiệp đầu tiên trên địa bàn thành phố Vinh. Những năm đầu đi vào hoạt động, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã từng xảy ra căng thẳng quan hệ lao động. Biểu hiện rõ nhất là những cuộc đình công trái quy định tại Công ty TNHH Matrix Vinh với sự tham gia của hơn 2.000 - 3.000 lao động, kéo dài nhiều ngày liền.

an ninh cong nhan (4)
Những cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Điện tử BSE có nhiều yếu tố liên quan đến khác biệt văn hóa. Ảnh: CSCC

Ngoài các lý do liên quan đến quyền lợi còn có những lý do liên quan đến văn hóa, ứng xử, bất đồng ngôn ngữ… Không tìm được tiếng nói chung, không bên nào nhượng bộ bên nào dẫn đến mâu thuẫn cao. Giai đoạn này, lãnh đạo các doanh nghiệp FDI vẫn có một sự dè chừng nhất định với đội ngũ cán bộ công đoàn, vì cho rằng chúng tôi đứng về phía người lao động một cách phiến diện. Một số lao động lại nghi ngờ chúng tôi sẽ về phe doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân.

Thiếu sự đối thoại, không hiểu nhau, không cảm thông cho nhau là căn nguyên chung của nhiều mâu thuẫn quan hệ lao động khác trên địa bàn tỉnh. Tại Khu công nghiệp Nam Cấm, Công ty TNHH Điện tử BSE cũng là một doanh nghiệp thường xuyên xảy ra các cuộc ngừng việc tập thể quy mô lớn.

an ninh công nhân (1)
Một buổi đối thoại giữa doanh nghiệp, cán bộ công đoàn với công nhân. Ảnh: CSCC

Chia sẻ về một trong những lý do dẫn đến ngừng việc gần nhất, bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam nói: “Sự việc bắt nguồn từ quyết định của công ty khi chuyển một số lao động lớn tuổi, cống hiến nhiều năm sang bộ phận vệ sinh ngoài trời, nắng nóng và vất vả. Điều này bắt nguồn từ góc nhìn quản trị thuần túy lợi nhuận của doanh nghiệp FDI, đối lập với các giá trị nền tảng của người Việt như coi trọng tình nghĩa, biết ơn sự cống hiến lâu dài. Điều này khiến người lao động cho rằng doanh nghiệp bạc đãi công nhân. Trước đó, doanh nghiệp này từng bị cho là thiếu thấu đáo khi trừ lương của những công nhân nghỉ phép vì có tang gia. Sự va chạm này cho thấy một khoảng trống lớn trong việc thấu hiểu các giá trị đạo đức và truyền thống nền tảng của người Việt”.

Trong những cuộc đình công quy mô trên 5.000 người của Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu), một trong lý do khiến người lao động bức xúc là vì thái độ của quản lý người Trung Quốc. Công nhân không hiểu tiếng nên khi quản lý hướng dẫn, nhắc nhở thông qua tổ trưởng, họ không tiếp thu trọn vẹn dẫn đến lặp lại lỗi sai. Khi người quản lý bày tỏ thái độ với giọng nói gay gắt, công nhân cảm thấy bị xúc phạm, coi thường. Thêm vào đó, công nhân không được giải thích rõ về chế độ phụ cấp ở các vị trí khác nhau nên luôn so đo, bất bình. Và hậu quả là công nhân nghỉ làm trong 1 tuần dẫn đến doanh nghiệp tổn thất số tiền đến nhiều chục tỷ đồng.

2.png
Một cuộc ngừng việc tập thể với sự tham gia của hơn 5.000 lao động Công ty TNHH VietGlory. Ảnh: Diệp Thanh

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: “Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, tình hình kinh doanh, sản xuất sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Điều này vô tình khiến họ quên đi những yếu tố quan trọng không kém là quan hệ lao động và yếu tố con người, vốn được vận hành bởi các quy tắc văn hóa và xã hội rất riêng của Việt Nam. Nếu áp dụng một cách máy móc các mô hình quản trị từ chính quốc mà không có sự điều chỉnh phù hợp thì sẽ giống như mang một chiếc áo may sẵn và mong rằng người lao động của chúng ta sẽ mặc vừa. Chính sự “không vừa” là yếu tố gây ra những va chạm, những bức xúc âm ỉ. Và đình công, lãn công xảy ra, cả doanh nghiệp, người lao động và địa phương đều thiệt hại”.

"Xây cầu" bằng sự thấu hiểu

Khi đình công xảy ra, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm, đó cũng là lúc bản lĩnh và vai trò của người cán bộ công đoàn được thể hiện rõ nhất. Họ phải trực tiếp có mặt tại “điểm nóng”, đứng giữa hai phía để lắng nghe, đối thoại, tìm kiếm giải pháp và hóa giải căng thẳng.

Cán bộ Công đoàn KKT Đông Nam đối thoại, nắm bắt tâm tư người lao động trong một cuộc đình công. Ảnh: CSCC
Cán bộ Công đoàn KKT Đông Nam đối thoại, nắm bắt tâm tư người lao động trong một cuộc đình công. Ảnh: CSCC

Trong những cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Matrix Vinh, đối diện với sự thờ ơ của doanh nghiệp và sự nghi ngờ của người lao động, những cán bộ công đoàn đã dùng sự kiên trì và chân thành để hóa giải. Họ hòa mình vào đời sống của công nhân nhiều ngày liền, cùng ăn, cùng trò chuyện để gỡ từng nút thắt tâm tư, tìm và thuyết phục những "thủ lĩnh" không chính thức. Họ kiên trì tiếp xúc với doanh nghiệp và thuyết phục bằng những kiến thức vững vàng về pháp luật lao động, phân tích được - mất, thiệt - hơn… nếu để căng thẳng leo thang. Gần 10 năm nay kể từ cuộc đình công gần nhất, tình hình quan hệ lao động tại doanh nghiệp này ổn định, hài hòa.

Cán bộ công đoàn Khu kinh tế Đông Nam hóa giải những bức xúc của người lao động Công ty TNHH Điện tử BSE. Clip: CSCC

Trong sự việc về mâu thuẫn văn hóa tại Công ty TNHH Điện tử BSE, sau khi trấn an người lao động, những cán bộ công đoàn đã phân tích căn nguyên vấn đề cho doanh nghiệp hiểu. “Phía sau những doanh nghiệp FDI luôn có đội ngũ chuyên gia, luật sư đầy kinh nghiệm nên cán bộ công đoàn phải bản lĩnh. Để đứng giữa "tâm bão" đình công, người cán bộ công đoàn phải có một cái đầu lạnh để phân tích luật pháp, “phiên dịch” văn hóa và một trái tim đủ nóng để thuyết phục, thương lượng” - bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam nói. Cũng từ kinh nghiệm của mình, bà Hương cho rằng, khi đối diện với hàng ngàn công nhân, sự thân thiện và ngôn ngữ giản dị lại có sức mạnh hơn cả, một câu nói đùa đúng lúc có thể khiến cả đám đông đang bức xúc phải bật cười, và căng thẳng giảm đi.

Bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Không có cuộc đình công nào giống cuộc đình công nào và thực tế muôn hình vạn trạng. Để đứng vững giữa những căng thẳng, yếu tố tiên quyết là sự linh hoạt và phải làm cho người lao động tin tưởng. Với kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn, những năm gần đây, có nhiều mâu thuẫn được ngăn chặn từ sớm nhờ nắm bắt được thông tin qua các kênh thân tình, kịp thời đến từng phân xưởng, từng khu nhà trọ để tuyên truyền. Nhưng cũng có lúc chúng tôi buộc phải lùi lại, để họ tự cảm nhận được thiệt hại khi cố tình gây khó dễ. Sau cùng, cả doanh nghiệp và người lao động đều phải thấy được hậu quả thì vấn đề mới được giải quyết rốt ráo”.

Cán bộ công đoàn huyện Diễn Châu nắm bắt tình hình công nhân, lao động trong một cuộc đình công. Ảnh tư liệu: CSCC
Cán bộ công đoàn huyện Diễn Châu nắm bắt tình hình công nhân, lao động trong một cuộc đình công tại Công ty TNHH VietGlory. Ảnh tư liệu

Sau nhiều năm bất ổn, mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và công nhân lại Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu) như bước sang trang mới. Cách đây 3 năm, từ khóa “Viet Glory” gắn liền với hình ảnh hàng ngàn công nhân đồng phục áo hồng đứng trước cổng công ty đình công. Còn bây giờ, công ty đã mở rộng quy mô gấp đôi, đơn hàng ngày một nhiều, quan hệ giữa đội ngũ quản lý và công nhân thân thiện, lãnh đạo công ty rất tạo điều kiện cho các cấp công đoàn tổ chức hoạt động cho công nhân. Chị Nguyễn Thị Thủy (người lao động Công ty TNHH VietGlory) chia sẻ: Từ sự vào cuộc của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự hướng dẫn, đồng hành của công đoàn cấp trên, môi trường lao động tại công ty ngày càng được cải thiện. Lãnh đạo và quản lý biết cách lắng nghe, tôn trọng công nhân, chế độ phúc lợi cho người lao động được đảm bảo nên chúng tôi đều yên tâm làm việc.

Không riêng gì những trường hợp tại các doanh nghiệp kể trên, ở các đơn vị như Công ty TNHH Emtech Vinh, Công ty TNHH Wooin Vina, Công ty TNHH Haivina Kim Liên, Công ty TNHH Bao bì Quốc tế Zonsen (Chi nhánh Nghệ An)… thực trạng ngừng việc tập thể đều được giải quyết nhanh chóng sau khi công đoàn vào cuộc. Từ kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn, các cuộc đình công trái quy định không chỉ được hóa giải nhanh gọn mà còn được phòng ngừa từ sớm.

an ninh cong nhan
Cán bộ công đoàn các cấp đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp FDI để giải quyết tình trạng đình công của người lao động. Ảnh: Diệp Thanh

“Cán bộ công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, mà còn phải là “bộ lọc văn hóa”, giúp doanh nghiệp hiểu rằng, đầu tư vào sự thấu hiểu văn hóa, tôn trọng con người cũng chính là đầu tư cho sự ổn định và hiệu quả sản xuất lâu dài. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó, lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động không đối đầu mà song hành, tạo ra sức mạnh cộng hưởng. Đó là con đường duy nhất để phát triển bền vững. Sau mỗi vụ việc, công đoàn tiếp tục duy trì vai trò đồng hành, đảm bảo những gì đã thỏa thuận trên bàn đàm phán được thực thi trong nhà xưởng” - ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhấn mạnh./.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Kỳ 1: Những "cầu nối" đối thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO