Giáo dục

Kỳ 1: Trường học ‘trắng’ giáo viên Tiếng Anh

Mỹ Hà, Tiến Hùng 12/04/2025 15:30

Dù là môn học bắt buộc, nhưng ở các huyện vùng cao Nghệ An, nhiều trường học đến nay vẫn chưa có một giáo viên Tiếng Anh nào. Thiếu giáo viên Tiếng Anh đang là thực trạng chung, khiến cho việc phổ cập, dạy và học Tiếng Anh ở vùng cao đứng trước nhiều khó khăn, thách thức suốt nhiều năm qua.

noilodaytienganhvungcao-k1-cover(1).png
noilodaytienganhvungcao-k1-tit.png

Mỹ Hà - Tiến Hùng • 12/04/2025

Những năm qua, chất lượng dạy và học Tiếng Anh ở các huyện vùng núi cao đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, Tiếng Anh vẫn đang là “vùng trũng”, bởi điều kiện dạy học và việc thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, hàng năm vẫn có nhiều giáo viên Tiếng Anh xin chuyển về xuôi và các huyện vùng núi cao thì vẫn đỏ mắt để tuyển giáo viên.

noilodaytienganhvungcao-k1-titphu1.png

Tháng 10 năm 2024, chỉ gần 1 tháng sau lễ khai giảng năm học mới, Trường PT DTBT Tiểu học Tri Lễ 2 (Quế Phong) nhận được thông tin cô giáo Lê Huyền - giáo viên Tiếng Anh duy nhất của trường xin chuyển về xuôi. Dù đây là điều không mong muốn nhưng thời điểm đó, Ban Giám hiệu nhà trường hiểu được đây là việc chính đáng. Bởi lẽ, cô giáo đã có nhiều năm cắm bản, đi dạy ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, chồng và con nhỏ đang ở dưới xuôi. Việc chuyển công tác xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Giáo viên và học sinh Trường PT DTBT Tiểu học Tri Lễ 2. Ảnh - NTCC
Giáo viên và học sinh Trường PT DTBT Tiểu học Tri Lễ 2. Ảnh: NTCC

Trường Tiểu học Tri Lễ 2 hiện là 1 trong 4 trường tiểu học ở huyện Quế Phong không có giáo viên Tiếng Anh. Để gỡ khó cho nhà trường, từ đầu năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tăng cường cho trường 4 giáo viên Tiếng Anh từ trường THCS về phụ trách việc dạy Tiếng Anh cho học sinh từ khối 3 - khối 5. Dù tạm thời việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, nhưng tình cảnh phải phụ thuộc vào giáo viên tăng cường khiến việc tổ chức dạy học của trường gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Lê Viết Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi gặp khó khăn trong việc bố trí thời khóa biểu. Theo quy định, mỗi tuần học sinh sẽ có 4 tiết và sẽ được chia đều xen kẽ trong các buổi học. Nhưng vì còn phụ thuộc vào thời khóa biểu Tiếng Anh ở các trường cấp II và để tiện cho giáo viên đi lại nên chúng tôi phải dồn Tiếng Anh vào 2 ngày cuối tuần là thứ Năm và thứ Sáu và học sinh phải học liên tục Tiếng Anh trong 4 tiết. Như vậy, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và việc tiếp thu của học trò, nhất là khi các cháu đang ở độ tuổi tiểu học.

Do thiếu giáo viên Tiếng Anh nên trong khi tất cả các trường khác trên địa bàn huyện Quế Phong đã dạy chương trình Tiếng Anh tăng cường theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhưng hiện Trường PT DTBT Tiểu học Tri Lễ 2 vẫn chưa thể thực hiện. Trước đó, qua tổng hợp của huyện Quế Phong, toàn huyện đang thiếu 12 giáo viên Tiếng Anh ở cả 2 cấp tiểu học và THCS, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại nhiều nhà trường. Vì thế, huyện đã kiến nghị bổ sung thêm giáo viên hoặc hỗ trợ giáo viên các trường khác dạy trực tuyến môn Tiếng Anh, khuyến khích các trung tâm ngoại ngữ tham gia dạy học tăng cường.

Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng
Quang cảnh xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Ở huyện Tương Dương, ông Nguyễn Văn Hiền – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, hàng năm phòng phải đồng thời thực hiện nhiều giải pháp như luân chuyển, biệt phái, liên trường, liên cấp để thực hiện việc dạy Tiếng Anh ở các nhà trường do tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Thống kê hiện nay, toàn huyện đang thiếu hơn 20 giáo viên Tiếng Anh ở cả 2 cấp tiểu học và THCS. Việc tuyển giáo viên Tiếng Anh đang rất khó khăn vì thiếu nguồn tuyển dụng, dù thừa chỉ tiêu. Trong năm 2025, huyện Tương Dương có 8 chỉ tiêu tuyển dụng Tiếng Anh nhưng chỉ có 3 hồ sơ đăng ký. Với thực trạng này, dù đã “cân đo đong đếm” nhưng huyện cũng chỉ cơ bản bố trí được mỗi trường 1 giáo viên Tiếng Anh. Bên cạnh đó, đang có 2 trường “trắng” giáo viên Tiếng Anh là Trường Tiểu học Tam Quang 1 và Trường PT DTBT Tiểu học Lưu Kiền.

Học liệu điện tử giúp các giáo viên chủ động hỗ trợ học sinh học Tiếng Anh. Ảnh: Mỹ Hà
Học liệu điện tử giúp các giáo viên ở huyện Tương Dương chủ động hỗ trợ học sinh học Tiếng Anh. Ảnh: Mỹ Hà

Hiện Trường Tiểu học Tam Quang 1 cũng là ngôi trường “chật vật” nhất của huyện Tương Dương khi có đến 3 giáo viên ở 3 trường học khác nhau trên địa bàn cũng tăng cường để dạy Tiếng Anh cho các khối 3, 4, 5 của nhà trường, trong đó có 2 giáo viên từ trường tiểu học và 1 giáo viên từ trường THCS.

Lịch học và lên lớp của 4 trường khác nhau nên chúng tôi phải căn đo rất kỹ càng trước khi sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên và học sinh. Bản thân nhà trường cũng mong muốn có giáo viên sở tại sẽ gắn bó lâu dài và biết được năng lực từng em để có kế hoạch dạy học thích hợp”.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 1

noilodaytienganhvungcao-k1-titphu2.png

Từ nhiều năm nay, Tiếng Anh là 1 trong 3 môn thi được Nghệ An chọn là môn thi chính thức tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong khi 2 môn Ngữ văn và Toán, chất lượng giữa các địa phương trong toàn tỉnh khá đồng đều thì chất lượng môn Tiếng Anh ở các huyện miền núi cao còn khá nhiều chênh lệch và rất thấp.

Cụ thể, theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2022 – 2023, điểm trung bình môn Tiếng Anh của các trường miền núi vùng khó khăn của Nghệ An lần lượt là 3,06 - 2,7 và 3,36. Trong đó, điểm thi vào một số trường rất thấp như Trường THPT Tương Dương 1 trong 2 năm học 2021 – 2022 và 2022 – 2023 là 2,67 và 2,93; điểm thi vào Trường THPT Tương Dương 2 là 2,67 và 2,93. Trong khi đó, điểm trung bình thi vào Trường THPT Quế Phong là 1,88 - 1,55.

Đồ họa: H.Q
.

Tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, trong khi điểm trung bình chung môn ngoại ngữ của cả tỉnh là 4,75 điểm thì điểm ngoại ngữ ở các huyện miền núi Nghệ An chỉ dao động từ 2,92 - 3,64 điểm.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, một trong những lý do khiến điểm ngoại ngữ thấp hơn các môn Ngữ văn, Toán và thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh bởi những năm trước việc học Tiếng Anh ở nhiều huyện miền núi chưa được thực hiện đồng bộ, gián đoạn do thiếu giáo viên Tiếng Anh.

Rất nhiều trường, do trước đây Tiếng Anh ở bậc tiểu học chỉ là môn tự chọn nên các em chưa được học và làm quen. Việc hổng kiến thức ở tiểu học khiến các em lên THCS gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến quá trình học, thi vào lớp 10.

Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Tuấn
Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Đào Tuấn

Nói thêm về điều này, cô giáo Trương Thị Lan - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Kỳ Sơn chia sẻ thêm: Sau mỗi mùa tuyển sinh khóa mới, tôi không biết diễn tả hoặc phàn nàn như thế nào về chất lượng Tiếng Anh của các em học sinh, điểm thi của các em rất thấp. Thậm chí, nếu không thi theo hình thức trắc nghiệm, có sự may rủi có thể sẽ có rất nhiều em điểm "0".

Thực trạng này rất dễ xảy ra, bởi lẽ nhiều năm nay, ngoài trường thị trấn học sinh còn được học Tiếng Anh khá đầy đủ. Còn lại, phần lớn các em ở vùng sâu, vùng xa, trường không có giáo viên hoặc giáo viên chắp vá nên các em không được học Tiếng Anh đầy đủ.

Cũng theo cô Trường Thị Lan, với chất lượng đầu vào rất thấp nên sau khi học sinh vào lớp 10, các giáo viên Tiếng Anh đều phải “làm lại từ đầu”, bắt đầu từ a, b, c dù theo lý thuyết các em đã được học chương trình Tiếng Anh 7 năm hoặc 10 năm.

Một thực trạng đáng buồn gần đây đó là do năng lực Tiếng Anh thấp nên sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Tiếng Anh thành môn tự chọn thay vì là môn bắt buộc tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh lớp 12 đăng ký dự thi môn Tiếng Anh rất thấp, như ở Trường THPT Kỳ Sơn năm nay chỉ có 13 em đăng ký. Khảo sát, khối học sinh lớp 10 vừa nhập học trong năm học này cũng chỉ có 5 học sinh đăng ký dự thi môn Tiếng Anh.

GIờ học ngoại ngữ của học sinh Trường PT Dân tộc bán trú THCS Thông Thụ - Quế Phong. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường PT Dân tộc bán trú THCS Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THPT Quế Phong, qua khảo sát của nhà trường, trong số 550 học sinh lớp 12 năm học này, tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi môn tự chọn là ngoại ngữ chưa đến 4%. Trong khi tỷ lệ đăng ký các môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế pháp luật là gần 50%.

Với học sinh miền núi, Tiếng Anh luôn là môn khó và không dễ có điểm so với các môn học khác. Vì thế, việc lựa chọn các môn thay thế là giải pháp an toàn và giúp các em bớt áp lực trong quá trình ôn tập”.

Thầy giáo Phạm Hồng Tư - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong

Với nhiều bất cập, năm học này, lần đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An đã tổ chức hội nghị của tất cả các hiệu trưởng các trường THCS trên toàn tỉnh. Trong hội nghị, những kết quả đã đạt được, những khó khăn, bất cập đối với bậc giáo dục THCS cũng đã được mổ xẻ, phân tích, trong đó có nhấn mạnh đến những hạn chế, yếu kém trong việc dạy Tiếng Anh ở các nhà trường.

Ảnh - Mỹ Hà (3)
Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Tam Quang 2 (Tương Dương). Ảnh: Tiến Hùng

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chúng tôi đã phân tích nhiều số liệu để có nhiều kênh khác nhau nhằm phân tích chất lượng giáo dục ở từng địa phương, từng nhà trường, như điểm thi vào lớp 10, kết quả xếp loại học tập, xếp loại rèn luyện, các điều kiện đảm bảo để dạy và học ở các nhà trường.

Thực tế cho thấy, so với nhiều huyện đồng bằng, vùng thuận lợi, việc dạy và học ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên dạy chéo, kiêm nhiệm, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

Điều này cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở các nhà trường. Đây cũng là điều mà ngành Giáo dục trăn trở và cần phải có giải pháp đồng bộ để nâng chất lượng Tiếng Anh ở các nhà trường, bắt đầu từ bậc mầm non, tiểu học...

(Còn nữa)


>> Kỳ II: Vùng cao khó, có miền xuôi

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Kỳ 1: Trường học ‘trắng’ giáo viên Tiếng Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO