Kỳ 2: 'Xây cầu' từ sự thấu hiểu
Vị thế của tổ chức công đoàn không chỉ được chứng minh trong giải quyết các cuộc đình công, lãn công. Tại Nghệ An, bằng chiến lược tiếp cận bài bản, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm và nỗ lực “nâng tầm” người lao động, tổ chức Công đoàn đang khẳng định mình là một đối tác không thể thiếu, góp phần kiến tạo một môi trường đầu tư bền vững.

Kỳ 2:
Những người đồng hành đáng tin
Vị thế của tổ chức công đoàn không chỉ được chứng minh trong giải quyết các cuộc đình công, lãn công. Tại Nghệ An, bằng chiến lược tiếp cận bài bản, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm trọng tâm và nỗ lực “nâng tầm” người lao động, tổ chức Công đoàn đang khẳng định mình là một đối tác không thể thiếu, góp phần kiến tạo một môi trường đầu tư bền vững.
Thay đổi góc nhìn của doanh nghiệp
Với hầu hết các doanh nghiệp FDI, việc thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thường chỉ mang tính hình thức, bắt buộc, bởi mối quan tâm lớn nhất của họ chính là tình hình kinh doanh, sản xuất. Nhưng với sự tận tâm, chân thành của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhận thức này đã thay đổi.
Khi mới tiếp cận, việc bị doanh nghiệp FDI từ chối gặp mặt dù đã có lịch hẹn là “chuyện thường ngày” đối với cán bộ công đoàn đi tiếp xúc, vận động thành lập tổ chức cơ sở. Trước thực tế đó, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam - đơn vị từng quản lý nhiều doanh nghiệp FDI nhất tỉnh Nghệ An đã xây dựng một chiến lược tiếp cận bài bản, lấy sự kiên trì và triết lý “mang lại lợi ích cho doanh nghiệp” làm kim chỉ nam. Sự bền bỉ này được thể hiện qua những câu chuyện thực tế, khi có những doanh nghiệp cán bộ công đoàn phải kiên trì đi lại đến 5 lần mới có thể gặp mặt.
Ngay từ đầu, họ tranh thủ sự đồng hành của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, đồng thời phân công cán bộ chuyên trách theo dõi sát từng địa bàn. "Thay vì đòi hỏi, chúng tôi chủ động tìm hiểu vướng mắc của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ, tạo dựng quan hệ thân tình với bộ phận nhân sự và cung cấp tư vấn pháp lý kịp thời. Dù phía sau các doanh nghiệp đều có đội ngũ chuyên gia, luật sư riêng nhưng không phải lúc nào họ cũng hiểu về các quy định pháp luật của Việt Nam. Nhất là trong giai đoạn đầu thành lập, bộ phận nhân sự, hành chính non trẻ sẽ gặp nhiều khúc mắc. Giai đoạn phát triển, công đoàn có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động… Chính phương pháp tiếp cận “cho đi trước” này đã từng bước xây dựng uy tín của đội ngũ cán bộ công đoàn. Khi doanh nghiệp nhận ra Công đoàn là một đối tác tin cậy giúp ổn định sản xuất, phát triển doanh nghiệp họ sẵn sàng hợp tác, thay đổi hoàn toàn góc nhìn ban đầu” – ông Vương An Nguyên, cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam nói.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Lê Văn Lai - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đô Lương chia sẻ: Khi mới vào, FDI thực hiện chế độ lao động khá tốt nhưng đơn thuần, làm ở mức tối thiểu. Những nội dung liên quan đến đời sống tinh thần, sân chơi, lễ, Tết doanh nghiệp không quan tâm, kết cả tết cổ truyền của Việt Nam. Thậm chí họ không chia sẻ, không tạo điều kiện cho công nhân… Họ sẽ không nghe công đoàn nói đâu, họ chỉ xem những gì công đoàn làm. Vì vậy, cán bộ công đoàn phải hoạt động thật chuyên nghiệp, tổ chức bài bản, mang lại giá trị thật, lúc đó mới có được sự tin tưởng, ghi nhận của doanh nghiệp. Đây là cách chúng tôi có được niềm tin của lãnh đạo Công ty TNHH Kido Vinh (100% vốn Hàn Quốc) và nhận được sự ủng hộ của họ trong mọi hoạt động.
Nhận thức rõ điều này, không chỉ tại Đô Lương, nhiều hoạt động công đoàn tại các đơn vị có nhiều doanh nghiệp FDI như Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu, Liên đoàn Lao động TP. Vinh, Liên đoàn Lao động thị xã Thái Hòa, Liên đoàn Lao động huyện Nghi Lộc… đều được ghi nhận về sự công phu, chuyên nghiệp và thiết thực, tạo được tiếng vang và duy trì thường niên.
.png)
Bà Anna Jung - Giám đốc Công ty TNHH Wooin Vina chia sẻ: “Tôi ủng hộ công đoàn vì tôi hiểu rằng tổ chức Công đoàn luôn quan tâm đến người lao động, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, cùng công ty tháo gỡ kịp thời những khó khăn bức xúc, tránh được những hiểu lầm không đáng có. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể ổn định và phát triển bền vững”. Sự coi trọng đối với tổ chức công đoàn còn được bà Anna Jung thể hiện ở cơ sở vật chất. Tại Công ty TNHH Wooin Vina, công đoàn công ty có một phòng làm việc riêng, khang trang, rộng rãi, dù tất cả các thành viên trong ban chấp hành công đoàn đều làm việc kiêm nhiệm.
Cùng quan điểm với bà Anna Jung, ông Tất Đa Nhất - Giám đốc cấp cao Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An nói: Chúng tôi có được sự đồng hành của những cán bộ công đoàn kể từ những ngày đầu thành lập công ty, cách đây 5 năm. Giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, những cán bộ công đoàn đã không ngại vất vả, vận động công nhân thực hiện "3 tại chỗ", nhờ đó, chúng tôi không ngừng sản xuất một ngày nào. Năm 2020, chúng tôi có xuất phát điểm là một công ty với 1 ngàn công nhân, nay đã là 7 công ty với 25 ngàn công nhân. Thành công đó có sự đóng góp to lớn của những cán bộ công đoàn Khu kinh tế Đông Nam.

Xác định chất lượng cán bộ là yếu tố then chốt để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luôn được Công đoàn tỉnh Nghệ An xem là nhiệm vụ trọng tâm. Sự chủ động, sáng tạo được thể hiện rõ khi Nghệ An là một trong những đơn vị tiên phong của cả nước trong việc quán triệt Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, thông qua hình thức thi trực tuyến mới mẻ, thay vì tuyên truyền truyền thống. Các kỹ năng "xương sống" như thương lượng, đối thoại, tuyên truyền và giải quyết đình công được bồi dưỡng thường xuyên. Đặc biệt, trước thực tế của dòng vốn FDI, một bước đi mang tính chiến lược gần đây là việc Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lớp tiếng Trung miễn phí cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đây không chỉ là một lớp học ngoại ngữ, mà còn là công cụ để nâng tầm ảnh hưởng, giúp cán bộ công đoàn tự tin, chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, khẳng định vị thế của tổ chức trong giai đoạn hội nhập.
Nâng tầm người lao động
Trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI, lực lượng lao động dồi dào luôn là một lợi thế của Nghệ An. Tuy nhiên, để thực sự trở thành miền đất hấp dẫn cho những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, bài toán về chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một thách thức lớn. Công đoàn Nghệ An đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc nâng tầm cho người lao động.

Dưới lăng kính của một nhà quản trị nhân sự, bức tranh này mang nhiều gam màu đối lập. “Công nhân Nghệ An có những điểm đặc thù của người dân miền Trung là cần cù, chịu khó, có tinh thần học hỏi và tiếp thu nhanh” - ông Tạ Kim Cường, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An, thẳng thắn nhìn nhận, “Tuy nhiên, chất lượng lao động nhìn chung còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông xuất phát từ nông nghiệp. Vì vậy, năng lực và phong cách làm việc theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn hạn chế”.
Hiểu rõ hạn chế này, tổ chức Công đoàn Nghệ An đã triển khai một chiến lược hai gọng kìm đầy khéo léo: vừa nâng tầm người lao động từ bên trong, vừa thay đổi lăng kính của nhà quản lý từ bên ngoài.

Không chỉ chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, Công đoàn đã chủ động trở thành một “trường học lớn” của công nhân. Thay vì các buổi tuyên truyền một chiều, những năm gần đây, công tác tập huấn kiến thức pháp luật lao động, kỹ năng mềm và tác phong công nghiệp được đổi mới hoàn toàn. Các lớp học được thiết kế theo hướng tương tác hai chiều, lấy kiến thức từ thực tiễn để tạo sức hút và hiệu quả thực chất.
Song song đó, một loạt các diễn đàn, sân chơi chất lượng được tổ chức nhằm giúp người lao động được tỏa sáng, thể hiện và tôn vinh. Các chương trình như Ngày hội Công nhân, các cuộc thi văn nghệ, thể thao, các phong trào lao động sáng tạo, hay giải thưởng “Công nhân Nghệ An làm theo lời Bác”… không chỉ là hoạt động bề nổi. Đó là những không gian để người công nhân được kết nối, được ghi nhận, từ đó bồi đắp sự tự tin, lòng tự trọng và khát vọng hoàn thiện bản thân. Họ dần trút bỏ tâm lý của người làm nông, khoác lên mình sự chuyên nghiệp và niềm tự hào của giai cấp công nhân hiện đại.


Để những nỗ lực nâng cao chất lượng thực sự có giá trị, điều quan trọng không kém là phải làm cho các nhà quản lý FDI nhận ra sự thay đổi đó. Cán bộ Công đoàn Nghệ An đã nỗ lực “kéo” các giám đốc, quản lý người nước ngoài tham gia sâu hơn vào đời sống của công nhân. Họ không chỉ được mời đến các sự kiện phúc lợi như Tết Sum vầy hay Tháng Công nhân, mà còn được khuyến khích tham dự các cuộc thi tay nghề, các phong trào, các sân chơi mở.... Đó là cơ hội để họ được thấy một “góc khác” của nhân viên mình: một công nhân trẻ trung, năng động trên sân khấu văn nghệ; một người thợ đầy nhiệt huyết trong cuộc thi tay nghề; một tập thể đầy trách nhiệm cộng đồng trong các hoạt động thiện nguyện…
Khi được trực tiếp chứng kiến sức mạnh, tài năng và sự tiến bộ của đội ngũ, nhận thức của nhà quản lý dần thay đổi. Họ hiểu rằng công nhân không phải là một chi phí sản xuất, mà là “tài sản vốn quý” cần được gìn giữ, nâng niu và phát huy.

Sự tác động hai chiều này đã tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực. Khi người lao động cảm nhận được sự tôn trọng và chăm lo, họ sẽ đáp lại bằng sự nỗ lực. Khi doanh nghiệp thấy được sự cống hiến và giá trị mà người lao động mang lại, họ sẽ có cơ sở để tiếp tục quan tâm, chăm sóc tốt hơn.
Bà Đào Ánh Nguyệt, cán bộ công đoàn Công ty TNHH MLB Yên Thành (100% vốn Nhật Bản) khẳng định: “Chúng tôi luôn trao đổi những đoàn viên và công nhân của mình rằng, doanh nghiệp đã vì mình như vậy, mình hãy ghi nhận. Hãy chứng minh rằng, sau mỗi sự chăm lo, chúng ta đều sẽ đáp lại bằng sự nỗ lực, chăm chỉ, cống hiến hơn trong công việc. Có như vậy doanh nghiệp mới tin rằng người lao động xứng đáng được chăm lo tốt hơn và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ”.
.png)
Đó chính là con đường bền vững nhất để xây dựng một mối quan hệ lao động hài hòa, nơi lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động song hành, cùng nhau phát triển./.