Giáo dục

Kỳ II: Vùng cao khó, có miền xuôi

Mỹ Hà, Tiến Hùng 12/04/2025 15:31

5 năm trước, ngành Giáo dục Nghệ An là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” và sau này tiếp tục phát triển thành “bộ môn, giúp bộ môn”.

noilodaytienganhvungcao-k2-cover(1).png
noilodaytienganhvungcao-k2-tit.png

Mỹ Hà - Tiến Hùng • 12/04/2025

5 năm trước, ngành Giáo dục Nghệ An là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” và sau này tiếp tục phát triển thành “bộ môn, giúp bộ môn”. Ngoài hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị trường học, năm nay các phòng giáo dục và đào tạo còn chung tay để giúp các huyện miền núi cao giải bài toán khó về thiếu giáo viên Tiếng Anh ở bậc tiểu học. Đằng sau những lớp học này là tấm lòng và gửi gắm rất nhiều hoài bão của cô thầy để “không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

noilodaytienganhvungcao-k2-titphu1.png

“Tôi cũng phải học với học sinh”, cô Ngân Thị Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A) ở Trường Tiểu học Tam Quang 2 cho biết như vậy sau gần 1 tháng đảm nhận nhiệm vụ mới là “trợ lý” cho lớp học Tiếng Anh học sinh lớp 1. Lớp học do cô Hồ Thị Huyền Trang (giáo viên Tiếng Anh của Trường Tiểu học Đặng Sơn – Đô Lương) phụ trách và dạy học theo hình thức trực tuyến.

Vì học qua zoom nên trước giờ vào lớp cô giáo Ngân Thị Trang sẽ đến sớm bật máy, vào phòng zoom và kiểm tra đường truyền. Trong giờ học, khi cô Trang giảng bài, giáo viên ở điểm trường Tam Quang sẽ hỗ trợ học sinh để trả lời câu hỏi, kiểm tra bài làm của học sinh. Sau mỗi tiết học, giáo viên 2 trường sẽ tương tác, trao đổi và thống nhất lại nội dung bài học. Do quy mô lớp học nhỏ, hình ảnh được truyền qua tivi nên dù học trực tiếp, không có “bảng đen phấn trắng”nhưng học sinh không quá khó khăn khi tiếp nhận bài giảng.

Trước đó, Trường Tiểu học Tam Quang (Tương Dương) có 303 học sinh, được chia thành 2 điểm trường đóng tại bản Sở và bản Tùng Hương. Từ 2 năm trở lại đây, do giáo viên Tiếng Anh thiếu đồng loạt ở nhiều trường học của huyện Tương Dương nên 1 giáo viên của trường đang phải đi biệt phái, tăng cường cho Trường Tiểu học Tam Đình. Giáo viên còn lại, đang thực hiện dạy liên trường và chấp nhận mỗi tuần dạy vượt 7 tiết để đảm bảo tất cả học sinh các lớp 3, 4, 5 đều được học Tiếng Anh theo đúng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Với học sinh lớp 1, lớp 2 việc được học để sớm làm quen với Tiếng Anh là điều “bất khả kháng”.

Cách xa Tương Dương gần 150km, cô giáo Hồ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường Tiểu học Đặng Sơn) thú nhận cô chưa từng lên với huyện vùng cao này, chỉ biết đến qua tivi. Mặc dù vậy, khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương triển khai chương trình “phòng giúp phòng, trường giúp trường, bộ môn giúp bộ môn”, cô đã sẵn sàng tiếp nhận công việc.

Theo lịch đã phân công, mỗi tuần vào chiều thứ 4 cô sẽ dạy 2 tiết cho học sinh ở điểm trường chính của Trường Tiểu học Tam Quang 2. Ngoài ra, lớp học cũng sẽ được kết nối với một điểm trường lẻ ở bản Tùng Hương – bản biên giới cách điểm trường chính 12km.

Ảnh - Mỹ Hà (16)
Giờ học trực tuyến của giáo viên Trường Tiểu học Đặng Sơn kết nối với học sinh huyện Tương Dương. Ảnh: Mỹ Hà

Ở Trường PT DTBT Tiểu học Yên Hòa, đảm nhận công việc này, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiền (Trường Tiểu học Thịnh Sơn - Đô Lương) cho biết, rất vui khi đã được đồng hành với học sinh lớp 1 trong hơn 2 tháng qua. Trước đó, khi bắt đầu triển khai, cô Hiền cũng là giáo viên đầu tiên thực hiện tiết dạy mẫu cho đội ngũ giáo viên huyện Đô Lương để cùng xem xét, điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp.

Tôi đã đi dạy hơn 10 năm, đã dạy nhiều tiết dạy mẫu nhưng những tiết dạy trực tuyến với học sinh vùng cao vẫn để lại cảm xúc rất đặc biệt. Có thể, so với dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn hơn. Nhưng điều chúng tôi vui nhất là sau mỗi tiết học, thấy được học sinh rất thích thú, hăng say phát biểu và mong chờ đến các tiết học tiếp theo”.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiền (Trường Tiểu học Thịnh Sơn - Đô Lương)

Các giáo viên sở tại hỗ trợ học sinh trong quá trình học trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà
Các giáo viên sở tại hỗ trợ học sinh trong quá trình học trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà

“Tất cả vì học sinh thân yêu” là câu khẩu hiệu được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương đưa ra ngay trong kế hoạch phối hợp hỗ trợ dạy học Tiếng Anh cho học sinh khối 1 và khối 2 của huyện Tương Dương. Cụ thể, tại mỗi trường tiểu học của huyện Tương Dương sẽ có từ 1 đến 2 giáo viên của huyện Đô Lương nhận giúp đỡ học sinh khối 1 và khối 2 và sẽ duy trì đến hết năm học. Thời khóa biểu sẽ do các nhà trường chủ động phối hợp sắp xếp phù hợp.

Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện, cô Nguyễn Thị Minh Quý - phụ trách môn Tiếng Anh của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương cho biết, khi bắt đầu triển khai, đơn vị đã đề nghị các trường học ở huyện Tương Dương khảo sát và câu trả lời đều là “chưa có chi cả”.

“Quả thật, nhận được kết quả này, dù không bất ngờ nhưng chúng tôi đều thấy rất thương học sinh vùng cao. Đó cũng là lý do khi kế hoạch được triển khai, tất cả các trường học và tất cả các giáo viên đều hưởng ứng và tham gia một cách tự nguyện. Sau một thời gian ngắn triển khai, chúng tôi rất vui khi nhận được phản hồi tích cực và các giáo viên cũng sẵn sàng để đồng hành với các nhà trường không chỉ trong năm học này mà còn nhiều năm sau nữa”, cô Quý nói.

noilodaytienganhvungcao-k2-titphu2.png

Ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt ở Trường PT DTBT Tiểu học Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn). Mặc dù đúng 14h giờ, lớp học trực tuyến môn Tiếng Anh của học sinh khối lớp 3 - mới chính thức bắt đầu, nhưng từ nửa tiếng trước, cô Võ Thị Thương - chủ nhiệm lớp 3B cùng các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường đã có mặt đầy đủ trên lớp. Cẩn thận mở máy tính tìm đường link để vào phòng họp zoom, nhưng tín hiệu kết nối ở vùng rừng núi này vẫn bị gián đoạn liên tục. “Ở đây sóng không được mạnh, hay bị trục trặc nên phải đến sớm để còn chuẩn bị”, cô Thương cười nói.

Niềm hào hứng của học sinh huyện Tương Dương khi tham gia các tiết học trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà
Niềm hào hứng của học sinh huyện Tương Dương khi tham gia các tiết học trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà

Sau ít phút mò mẫm, tiếng alo, alo… liên tục được các giáo viên ở Phà Đánh gọi để liên lạc với cô Nguyễn Thị Hoài, ở tận Trường Tiểu học Diễn Lâm 2 (huyện Diễn Châu), cách đó gần 250km... Màn hình chập chờn, khi thì thấy tiếng nhưng không thấy hình ảnh giáo viên, khi thấy cô lại không nghe tiếng, có khi màn hình lại bị đảo ngược... Mất hơn 15 phút, việc kết nối mới được hoàn thành. Lúc này, học sinh 2 lớp 3A – 3B cũng vừa ngủ dậy, bắt đầu cho tiết học chiều. Biết trước đây là tiết Tiếng Anh, lại được học với các cô vùng xuôi, những cô cậu học trò vùng cao nào cũng lộ rõ niềm háo hức...

Cô Nguyễn Thị Hoài là một trong những giáo viên tiên phong của huyện Diễn Châu tham gia chương trình “phòng giúp phòng, trường giúp trường, bộ môn giúp bộ môn” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu triển khai.

Đăng ký giảng dạy lớp 3, cô Hoài cho biết, đây là một trải nghiệm cô chưa từng trải qua sau nhiều năm làm nghề giáo, bởi học sinh của cô không chỉ có riêng của Trường PT DTBT Tiểu học Phà Đánh mà còn được kết nối với tất cả các trường tiểu học khác trên toàn huyện Kỳ Sơn thông qua các phòng học zoom. Đồng hành với cô Hoài sẽ là giáo viên chủ nhiệm ở các điểm trường chính.

Để thuận lợi cho việc dạy học, ở mỗi trường học, học sinh của các khối lớp sẽ được tập trung trong một phòng học. Vì thế, gọi là 14 điểm kết nối nhưng số học sinh ở mỗi lớp học đã được nhân 2, nhân 3 thành một lớp học “khổng lồ”.

Ảnh - Mỹ Hà (13)
Hiệu phó và Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc Bán trú Tiểu học Phá Đánh hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm kiểm tra lại đường truyền và phòng học zoom trước khi bắt đầu lớp học. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, khi chương trình “phòng giúp phòng, trường giúp trường, phòng chuyên môn hỗ trợ phòng chuyên môn” còn chưa được triển khai, việc xây dựng chương trình, bố trí giáo viên, lên lịch học được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu và Kỳ Sơn cân nhắc kỹ càng.

Đặc thù của các trường tiểu học Kỳ Sơn là tất cả học sinh đều học bán trú nên phần lớn các em sẽ học tập và sinh hoạt cả ngày ở trường, khá thuận lợi trong bố trí lịch học.

Ảnh - Tiến Hùng (1)
Các phòng học zoom kết nối đến nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Ngược lại các trường học ở huyện Diễn Châu, học sinh lại học 2 buổi/ngày, lịch giáo viên Tiếng Anh có thể đan xen giữa buổi sáng và buổi chiều, nhiều giáo viên đang phải dạy liên trường do thiếu giáo viên Tiếng Anh toàn huyện.

Phương án cuối cùng được đưa ra đó là tổ chức vào buổi chiều thứ 4, buổi duy nhất trong tuần giáo viên huyện Diễn Châu được nghỉ dạy chuyên môn theo lịch.

Điều đó đồng nghĩa, các giáo viên tham gia dạy Tiếng Anh sẽ kín lịch trong cả tuần, các công việc còn lại phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Năm đầu tiên chương trình được triển khai, có 27 giáo viên của huyện Diễn Châu tham gia đều là cốt cán chuyên môn Tiếng Anh, từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tình nguyện đăng ký tham gia.

Các giáo viên huyện Diễn Châu tham gia dạy học trực tuyến cho học sinh Kỳ Sơn. Ảnh:Tiến Hùng
Các giáo viên huyện Diễn Châu tham gia dạy học trực tuyến cho học sinh Kỳ Sơn. Ảnh:Tiến Hùng

Cô giáo Đặng Thị Ánh Nguyệt – Trường Tiểu học Diễn Phúc hiện đang dạy 2 trường và kiêm nhiệm thêm công tác tổng phụ trách đội. Mặc dù vậy với vai trò là giáo viên cốt cán, cô vẫn xung phong dạy thêm cho học sinh Kỳ Sơn, cô Nguyệt cho biết: Tôi đã lường trước được khó khăn khi nhận dạy học các học sinh cuối cấp bởi trước đó từ lớp 1 đến lớp 4 các em chưa được học Tiếng Anh một cách bài bản. Vì thế, gọi là dạy lớp 5 nhưng chúng tôi gần như “bắt đầu lại từ đầu”.

Ông Trần Nam Trung – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu cho hay, khi ngành Giáo dục triển khai phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường, tổ chuyên môn giúp tổ chuyên môn”, đơn vị đã cân nhắc để lựa chọn nội dung sao cho phù hợp và thiết thực.

bna_ta.jpg
Các giáo viên ở huyện Kỳ Sơn hỗ trợ học sinh trong quá trình học Tiếng Anh trực tuyến. Ảnh: Tiến Hùng

Qua nắm bắt từ huyện Kỳ Sơn, chúng tôi thấy khó nhất chính là việc tổ chức dạy học Tiếng Anh. Về phía ngành, khi triển khai dạy học trực tuyến cũng có rất nhiều băn khoăn vì liên quan trực tiếp đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học sinh. Điều chúng tôi bất ngờ đó là khi ý tưởng vừa đưa ra, tất cả giáo viên đều ủng hộ, đăng ký dạy tình nguyện”.

Ông Trần Nam Trung – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu

Trao đổi với Báo Nghệ An, các cô giáo Huyền Trang, Minh Hiền, Nguyễn Hoài và nhiều giáo viên khác còn chia sẻ rằng, càng dạy và tiếp xúc với học sinh vùng cao, giáo viên càng thương học trò. Vì thế, không chỉ dạy học trực tuyến, họ sẵn sàng nghỉ hè lên với vùng cao để gặp các học sinh, các cô thầy và hỗ trợ dạy trực tiếp miễn phí cho học sinh trong suốt dịp hè.

Lớp học trực tuyến của học sinh tiểu học Kỳ Sơn và huyện Tương Dương kết nối với các giáo viên ở huyện Diễn Châu và Đô Lương. Clip: Hà - Hùng

(Còn nữa)


>> Kỳ 1: Trường học ‘trắng’ giáo viên Tiếng Anh
>> Kỳ cuối: Quyết tâm vượt khó vì học sinh!

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Kỳ II: Vùng cao khó, có miền xuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO