(Baonghean.vn) - Quay ngược thời gian về những năm 80, khi vùng đất Tân Xuân (Tân Kỳ) khô hạn, nứt nẻ khiến cuộc sống của người dân khốn đốn trăm bề thì giếng Chan vẫn đầy ăm ắp dòng nước mát lành để cứu giúp bà con qua cơn bĩ cực. Giếng Chan vẫn ở đó, suốt hàng trăm năm chưa một lần khô cạn và trở thành giếng thiêng trong tâm thức người dân nơi đây.
|
Giếng Chan là cách gọi của bà con người Thái, mang ý nghĩa miêu tả về chiếc giếng lớn, nằm trên một vùng đất bằng phẳng. Theo những bậc cao niên trong làng, giếng Chan đã có hàng trăm năm, trước kia nó là một rốn nước lớn nằm ở chân núi Vĩnh Đồng. Sau này, vào năm 1988 thì được bà con trong vùng xây đắp thành hình dạng như bây giờ. |
|
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, vùng núi Vĩnh Đồng rộng lớn bao phủ cả Tân Xuân. Sau này, người dân lên đây khai hoang, làm kinh tế trang trại thì mới có người ở. Thời điểm đó, giếng Chan là nơi cung cấp nguồn nước ngọt duy nhất trong vùng bởi bà con nơi đây dù khoan sâu hàng chục mét vẫn không tìm thấy nguồn nước. Nếu có thì nước cũng rất chua bởi độ phèn cao. |
|
Nguồn nước trong giếng rất trong và ngọt, đặc biệt đầy nước suốt 4 mùa. Có những thời điểm Tân Kỳ hạn nặng, người dân khắp vùng Tân Phú, Tân Xuân... đều về đây lấy nước. |
|
Trong giếng có một ngách nhỏ, đây là nơi nhỉ nước từ mạch nước ngầm vào giếng. Xung quanh giếng nước có khoảng 21 hộ sinh sống và thường xuyên sử dụng nguồn nước nơi đây đều có sức khỏe tốt, đặc biệt, có 25 cụ năm nay tuổi đã gần 80 nhưng vẫn rất minh mẫn và mạnh khỏe. |
|
Giếng có độ sâu khoảng 4m, xung quanh bờ mọc rất nhiều địa y, rêu xanh tăng thêm vẻ cổ kính của giếng thiêng. |
|
Cho đến bây giờ, nhiều người dân trong vùng Tân Xuân (Tân Kỳ) vẫn lắp hệ thống dẫn nước từ giếng Chan để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Trong hình là ao trữ nước dẫn từ giếng của gia đình ông Trần Văn Thuận (xóm Vĩnh Đồng, Tân Xuân). |
|
Theo lời kể của người dân trong vùng, giếng Chan rất linh thiêng và có nhiều câu chuyện bí ẩn xoay quanh chiếc giếng này. Vì vậy, nhiều người vẫn thường xuyên lui tới đây thắp hương, cầu nguyện. Từ nhu cầu đó, cách đây hơn 20 năm, bà con trong vùng đã xây dựng chiếc am này để tiện hương khói. |
|
Cạnh giếng Chan có một tảng đá Dừng, người dân bản địa cho biết, nơi đây trước kia có một người đàn ông sống cạnh và canh giữ giếng, trong một lần đi rừng về thì bị hổ ăn thịt. Từ đó, người dân thường xuyên hương khói để cầu nguyện cho người đã mất được bình an. Và đá Dừng - giếng Chan trở thành một quần thể linh thiêng được người dân Tân Xuân nói riêng và huyện Tân Kỳ nói chung rất trân trọng, gìn giữ qua nhiều thế hệ. |
Thanh Quỳnh