Kỷ luật cán bộ sai phạm, trách nhiệm của người đứng đầu

17/03/2016 09:50

Kỷ luật cán bộ sai phạm ở một số vụ việc vừa qua như: Xây dựng sai phép tại tòa nhà 8B Lê Trực, quận Ba Đình (Hà Nội); biệt phủ ở núi Hải Vân (Đà Nẵng); vụ án hủy hoại tài sản, giết người, cướp tài sản đối với ông Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận, khiến dư luận đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của pháp luật...

Lực lượng chức năng cưỡng chế giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT
Lực lượng chức năng cưỡng chế giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, hành lang ATGT ở TP Vinh.

1.Nhà 8B Lê Trực, quận Ba Đình (Hà Nội)

Gần 6 tháng trôi qua từ lúc vụ việc cao ốc 8B Lê Trực xây không đúng giấy phép được báo chí phản ánh, ngày 08/3/2016, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có Công văn số 1344/UBND-XDGT chấp thuận các hình thức kỷ luật do Hội đồng kỷ luật Sở Xây dựng đề xuất xử lý với những cán bộ liên quan.

Nhà 8B Lê Trực
Nhà 8B Lê Trực xây dựng sai phép đã được cưỡng chế

Theo đó, ông Nguyễn Cương Quyết, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình kỷ luật giáng chức, điều chuyển công tác khác vì không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đối với ông Phạm Hùng Phương, Phó Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng quận Ba Đình, kỷ luật giáng chức, chuyển công tác khác, không giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng. Ông Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng bị kỷ luật khiển trách. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển tráchđối với ông Lê Văn Đức, chuyên viên Phòng Quản lý cấp phép Sở Xây dựng; quyết định kỷ luật, buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên tổ trưởng Thanh tra xây dựng phường Điện Biên. Ông Phạm Quốc Hùng, Chuyên viên thanh tra xây dựng quận Ba Đình bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo chuyển công tác.

Chuyển công tác đối với ông An Quốc Việt, Cán sự Đội Thanh tra quận Ba Đình và ông Nguyễn Ngọc An, Chuyên viên Đội Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình. Đồng thời, giao Chánh Thanh tra ban hành quyết định xử lý kỷ luậthình thức khiển trách đối với ông Đoàn Văn Bằng và bà Chu Thị Huyền, Chuyên viên Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình. Đối với ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở và bà Lê Thị Nhung, nguyên Trưởng phòng Quản lý cấp phép Sở, hai lãnh đạo Sở Xây dựng đã nghỉ hưu nên không thuộc diện bị xử lý kỷ luật theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Như vậy, các cá nhân bị xem xét kỷ luật trong vụ việc này chỉ có thanh tra xây dựng sở, quận, phường và cán bộ đã nghỉ hưu. Dư luận đặt câu hỏi đã thoả đáng chưa và mong chờ còn ai bị xử lý tiếp sau?

Với những vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận, cơ quan quản lý phải xem đây là bài học rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm túc, tự nhận lỗi và coi đó là cơ hội để gây dựng uy tín, lập lại kỷ cương trong thi hành công vụ.

2. Biệt phủ ở Hải Vân, Đà Nẵng

Biệt thự của ông Ngô Văn Quang có tổng diện tích 1.411 m2 với hơn chục ngôi nhà tại khu vực đồi Chim Chim, tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Cuối năm 2014, khu biệt thự này bị phát hiện xây dựng trái phép. Cùng vi phạm còn có khu biệt thự của thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam).

Ngày 4/2/2015, UBND quận Liên Chiểu ra quyết định xử phạt hành chính, buộc hai hộ này tháo dỡ biệt thự trong 35 ngày. Ông Phan Như Thạch chấp hành, còn ông Ngô Văn Quang gửi đơn ra đến Trung ương bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại làm khu du lịch sinh thái, tâm linh khiến việc tháo dỡ bị kéo dài.

Như vậy, sự việc sai trái đã rõ. Ngày 13/12/2015, ông Đàm Quang Hưng - Phó chủ tịch quận Liên Chiểu cho biết, sau khi Quận ủy và UBND quận họp kiểm điểm, hai cán bộ đã bị kỷ luật là ông Trần Phước Huấn, nguyên Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc bị khiển trách và ông Nguyễn Xuân Hoài, Đội trưởng Kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu ngoài khiển trách còn bị kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng.

Sáng 1/3/2016, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 5 cán bộ công tác tại Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn.

Trước đó, UBND quận Liên Chiểu chỉ xin "nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm". Tương tự, các đơn vị liên quan gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế, Đội quy tắc đô thị, Văn phòng quận Liên Chiểu, UBND phường Hòa Hiệp Bắc cũng xin "kiểm điểm, rút kinh nghiệm".

Việc kỷ luật cán bộ là đội trưởng đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, Phó chủ tịch phường, cùng chịu mức độ kỷ luật khiển trách không xét thi đua khen thưởng(!?), còn lực lượng kiểm lâm, tạm đình chỉ công tác là đã thoả đáng chưa, có vấn đề gì không?

Những công trình trên có giá trị hàng trăm tỷ phải dỡ bỏ, mà việc xem xét kỷ luật chỉ ở "tầm" Phó chủ tịch phường, hay thanh tra trật tự xây dựng quận, cán bộ kiểm lâm? Các vị này có thể "che chắn" được cho biệt phủ xây dựng sai phép ở núi Hải Vân, Đà Nẵng không? Chắc chắn là không và vì vậy, dư luận vẫn tiếp tục đặt câu hỏi...

3. Vụ án hủy hoại tài sản, giết người, cướp tài sản đối với ông Huỳnh Văn Nén

Đây là vụ án mà ông Huỳnh Văn Nén bị Hội đồng xét xử (HĐXX) kết án chung thân, dẫn đến ông phải ngồi tù oan suốt 17 năm trời ròng rã. Phiên tòa sơ thẩm kết án chung thân ông Huỳnh Văn Nén vào ngày 31/8/2000, có 05 người, gồm 02 thẩm phán và 03 hội thẩm nhưng 01 hội thẩm đã qua đời. Vì vậy, TAND tỉnh Bình Thuận chỉ tiến hành họp kiểm điểm với 04 người còn lại. Cụ thể, những người bị kiểm điểm gồm: Thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tọa phiên tòa (hiện là Phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận); Thẩm phán Nguyễn Thị Lộc và 02 hội thẩm. TAND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất áp dụng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm đối với HĐXX sơ thẩm kết án oan ông Nén và gửi văn bản về TAND Tối cao để báo cáo.

Vi phạm của cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử ở HĐXX Bình Thuận kết án oan cả hai vụ án, để người dân vô tội Huỳnh Văn Nén ngồi tù oan 17 năm được xem là “người tù thế kỷ” mà lại xử lý ở mức "phê bình, rút kinh nghiệm" liệu có đủ nghiêm khắc và cảnh tỉnh, răn đe?

Trong khi ngày 3/3/2016, ông Nén đã được Cục Điều tra VKSND Tối cao mời đến và nộp đơn tố cáo 14 người tham gia tố tụng làm oan cho ông trong 02 vụ án khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục hy vọng và chờ xem kết quả xử lý trên đã là cuối cùng chưa? Còn những ai chịu trách nhiệm tiếp theo?

Những vụ việc kể trên để lại nhiều hậu quả rất đáng quan tâm, đó là thiệt hại về kinh tế từ hàng tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, Việt Nam chưa phải đã giầu mà xây rồi lại phá; thiệt hại về tinh thần “17 năm tù oan”, nhất là về uy tín, danh dự, niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ “công bộc” của dân.

Không ai muốn kỷ luật cán bộ, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà cán bộ vi phạm khuyết điểm đến mức phải thi hành kỷ luật thì cán bộ đó phải dũng cảm nhận trách nhiệm, nhận hình thức kỷ luật và có biện pháp sửa chữa khuyết điểm một cách nghiêm túc để tiến bộ. Còn đối với các tổ chức đảng, chính quyền, kiểm điểm, xử lý chỉ trong nội bộ phê bình, rút kinh nghiệm là không đủ nghiêm khắc; không công khai, minh bạch thì hiệu quả thực thi công vụ sẽ rất thấp. Kỷ luật chính là để giáo dục rèn luyện cán bộ chứ không phải kỷ luật là không cho cán bộ sửa chữa tiến bộ.

Đảng và Nhà nước luôn quyết tâm cao trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, làm trong sạch bộ máy, trong đó quan trọng là phát huy năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu!

Theo ĐCSVN

TIN LIÊN QUAN

Kỷ luật cán bộ sai phạm, trách nhiệm của người đứng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO