Kỷ niệm 2 lần Bác Hồ về thăm Đền Hùng
(Baonghean.vn) - Đền Hùng là một khu di tích đặc biệt quan trọng. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chủ tịch đã 2 lần về thăm Khu di tích này.
Lần thứ nhất:
Ngày 19/9/1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam).
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng. |
Không phải ngẫu nhiên mà trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, việc tiếp quản thủ đô đang là một nhiệm vụ mới mẻ đối với Chính phủ và quân đội ta, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân miền Nam và dư luận toàn thế giới. Bác đã chọn thăm Đền Hùng là di tích lịch sử đặc biệt của dân tộc. Đền Hùng là nơi mà mỗi người Việt Nam khi nhắc đến cội nguồn, bao giờ cũng dùng hình ảnh “con Rồng cháu Tiên” “Con Lạc cháu Hồng”; coi đó là niềm tự hào cho hồn thiêng sông núi, cho tinh hoa và giống nòi của dân tộc mình.
Tại đây, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.
Bác Hồ dừng chân bên cổng chính vào Đền Hùng năm 1954. |
Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời nói ấy Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ. Lời căn dặn của Bác không chỉ nói với Đại đoàn 308 mà còn nói với toàn quân, toàn dân, không chỉ nói với thế hệ ngày ấy, thế hệ hôm nay mà còn nói với các thế hệ mai sau. Một lời nói vang vọng thiên thu, trường tồn với đời đời con cháu.
Lần thứ hai
Ngày 19/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Hùng trong hoàn cành đất nước bị chia cắt. Miền Bắc đang khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc chi viện cho cách mạng miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bác Hồ thăm Đền Hùng lần thứ hai (19/8/1962). |
Người đến thăm Đền Hùng, thắp hương viếng Tổ vào khoảng 9h. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Văn Trân - Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Bộ Công nghiệp nặng, đồng chí Nguyễn Khai - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lên đến đền Hạ, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại và mời Bác xuống núi. Bác nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích”.
Khi lên đền Trung gặp một toán bộ đội đi viếng Tổ, Bác hỏi có mấy cấp, mấy bậc không trả lời được, Bác nhắc: quân sự là phải quan sát địa hình. Lên đền Thượng khoảng 11h trưa. Bác cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm nắm với dưa cà ở cửa ngách Đông Nam đền Thượng. Trước khi về Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ “phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm”.
Ngày nay, cứ đến ngày Giỗ Tổ (10/3 âm lịch) hàng ngàn người dân trong nước lại về Đền Hùng thăm viếng, thể hiện lòng thành kính luôn hướng về đất Tổ. |
Lời dạy của Bác, vừa mang tính tổng kết, vừa có tính định hướng phát triển quy hoạch Đền Hùng trong tương lai, đã trở thành kim chỉ nam cho biết bao tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày 5/4/2017 (tức 9/3 âm lịch) người dân nườm nượp đổ về Đền Hùng bái Tổ. |
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những di tích lưu niệm với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đền Hùng đã được Đảng và Nhà nước ta trân trọng gìn giữ. Những hiện vật gốc tại di tích gắn liền với hoạt động của Bác như quả chuông Bác đã xem, cây đại treo chuông, cửa ngách Đông Nam đền Thượng, chùa Thiên Quang - cây vạn tuế, cửa đền Giếng được bảo vệ chu đáo giữ nguyên giá trị gốc./.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|