Ký ức hãi hùng của những lao động bị bán vào ổ lừa đảo ở Tam giác vàng
Tin vào lời hứa “việc nhẹ, lương cao”, chỉ cần làm trên máy tính mà nhiều lao động đồng ý ra nước ngoài làm việc. Nhưng, sau đó họ bị bán vào ổ lừa đảo ở khu vực Tam giác vàng. Hàng ngày, họ bị ép buộc phải lừa đảo người khác, làm việc nhiều tiếng, không được trả lương. Do đó, những lao động này đã lên kế hoạch bỏ trốn.
Anh bán em trai vào ổ lừa đảo
Vy Văn Nhập (42 tuổi), trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu và Vy Văn L. (33 tuổi) là anh em ruột. Do cuộc sống khó khăn nên L. khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc.
Một ngày giữa tháng 9/2023, L. bất ngờ nhận được điện thoại của anh trai trao đổi về việc sang Lào “làm việc trên máy tính”. Trước lời hứa hẹn sẽ có mức lương ổn định từ 18 đến 20 triệu đồng mỗi tháng, người em đồng ý đi. L. còn rủ thêm bạn cùng phòng trọ ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”.
Cơ sở để Nhập “mạnh miệng” cam kết với các lao động như vậy là vì người đàn ông này được Phạm Thị Tuyết Chinh (37 tuổi, trú thị trấn Giao Thủy, huyện Giao Thủy, Nam Định) liên lạc, rủ rê việc tìm người đưa sang Lào để làm việc tại công ty lừa đảo.

Trước đó, Chinh được ông chủ Trung Quốc bàn bạc việc tìm người đưa vào làm công ty lừa đảo, với tiền công 15 triệu đồng/người. Vốn có quen biết từ trước nên Chinh đã liên lạc với Nhập, trao đổi việc tìm lao động đưa sang nước ngoài. Sau quá trình thương lượng, Chinh đồng ý trả tiền công cho Nhập 10 triệu đồng/người.
Sau khi thống nhất xong giá cả, Nhập tiếp cận với nhiều “con mồi”, trong đó có em trai. Gã đàn ông này còn rủ anh Lương Văn H. (SN 1997, trú xã Châu Bính) sang Lào làm “việc nhẹ lương cao”, đồng thời nói với người này rủ thêm bạn đi làm. Tin tưởng nên anh H. đã rủ thêm hai người ở xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu cùng đến nhà Nhập để tìm hiểu thêm về công việc, lương thưởng.
Khi gặp mặt, Nhập nói rõ công việc bên Lào là “nhẹ nhàng, chỉ đánh máy tính, lương 20 triệu đồng/tháng”. Gã đàn ông này cũng khẳng định “nếu không biết việc sẽ được đào tạo, có chỗ ăn, ở thoải mái, không bị bóc lột. Trường hợp nếu họ không trả lương thì Nhập sẽ trả lương cho”. Trước những cam kết của Nhập, 3 thanh niên đồng ý xuất ngoại.
Theo lịch hẹn, tối ngày 18/9/2023, Nhập đưa 3 người bắt xe khách ra Hà Nội. Nhóm người này thuê một nhà nghỉ để đợi em trai của Nhập và người bạn từ TP Hồ Chí Minh bắt xe khách ra Hà Nội. Cùng thời điểm này, các đối tượng được một người tự xưng là nhân viên của ông chủ Trung Quốc lấy các thông tin cá nhân để làm thủ tục, giấy tờ xuất cảnh.
Ngày 23/9/2023, Chinh và Nhập dẫn 5 người đi đón xe do ông chủ Trung Quốc sắp xếp để sang Lào qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Sau đó, các lao động được đưa lên khu vực Tam giác vàng, làm việc cho một công ty nằm trong lãnh thổ nước Myanmar. Chỉ đến lúc này, các lao động mới biết đã bị lừa, công việc trên máy tính mà họ được hứa hẹn thực chất là lừa đảo trên không gian mạng.
Hành trình trốn chạy
Theo trình bày của các lao động, khi bị đưa vào tòa nhà tại Myanmar, họ luôn bị giám sát. Các lao động bị ông chủ người Trung Quốc ép buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng. Hàng ngày, họ đều bị chủ áp chỉ tiêu số tiền lừa đảo. Nếu không đủ chỉ tiêu họ phải làm việc từ 7h đến 3h sáng ngày hôm sau. Việc liên tục bị dọa nạt, ép buộc làm việc phạm pháp khiến tinh thần họ luôn trong tình trạng lo âu, hoảng sợ.
Nỗi lo lắng càng lớn hơn khi ổ nhóm lừa đảo bị cảnh sát nước sở tại truy quét. Đã có lần các lao động phải nghe theo lệnh của ông chủ chạy lên khu vực rừng núi lẫn trốn. Bên cạnh đó, việc không được chủ trả lương khiến các lao động bức xúc, tìm cách bỏ trốn.
Một ngày trong tháng 1/2024 lợi dụng sợ sơ hở của những đối tượng canh gác, các lao động đồng loạt bỏ trốn khỏi ổ lừa đảo. Nhưng do không thông thạo địa hình, bất đồng về ngôn ngữ nên khi trốn đến khu vực biên giới Lào, họ tiếp tục bị đối tượng xấu lừa vào làm việc cho các công ty khác nhau. Từ đó, các lao động này mất liên lạc với nhau và phải tự tìm cách tự cứu mình.

Quá trình bỏ trốn của họ gặp rất nhiều khó khăn, gian truân. Để trở về nước, sau khi trốn thoát được khỏi đặc khu kinh tế, có người phải dùng bè xốp bơi hơn nhiều ngày dọc theo sông Mê Kông. Quá trình bơi xuôi theo dòng sông họ phải xin ăn, ngủ tạm tại lán người dân dọc theo sông và may mắn được người Việt Nam làm ăn ở Lào giúp đỡ về nước.
Cơ quan chức năng xác định, từ ngày 26/1/2024 đến tháng 8/2024, có 4 nạn nhân bị bán sang các công ty lừa đảo ở nước ngoài lần lượt trở về Việt Nam. Hiện có một người chưa trở về nước, đang ở đâu làm gì, không ai rõ.
Sau khi về nước, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo các đối tượng tới công an. Từ đơn tố cáo của nạn nhân, cơ quan chức năng bắt giữ Vy Văn Nhập và Phạm Thị Tuyết Chinh về hành vi Mua bán người.
Trả giá
Với hành vi trên, hai bị cáo Vy Văn Nhập và Phạm Thị Tuyết Chinh bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử về tội Mua bán người. Tại phiên tòa mới diễn ra, lúc đầu, bị cáo Chinh khai chỉ nói với Nhập tìm người đưa ra nước ngoài làm công việc trên máy tính, chứ không biết đó là lừa đảo. Bị cáo này trình bày chỉ nghe theo lời của ông chủ, còn việc sang bên đó làm việc gì cụ thể thì bị cáo không rõ.

Tuy nhiên, sau một hồi quanh co, bị cáo Chinh thừa nhận hành vi đưa người ra nước ngoài làm lừa đảo như cáo trạng truy tố. Nữ bị cáo trình bày từng là nạn nhân, bị bán sang Trung Quốc. Quá trình lấy chồng và sinh sống bên đó, bị cáo quen biết “ông chủ”. Do đó, khi được chủ trao đổi việc tìm người Việt Nam đưa sang Lào làm công ty lừa đảo, bị cáo đồng ý.
Đồng phạm trong vụ án, bị cáo Nhập khai biết rõ công việc trên máy tính ở nước ngoài là lừa đảo nhưng vẫn tìm cách bán các lao động, trong đó có em trai. Trong vụ án này, sau khi đưa 5 bị hại ra nước ngoài, Nhập được Chinh trả tiền công 50 triệu đồng. Còn Chinh khai, mới được ông chủ Trung Quốc chuyển 25 triệu, số tiền 50 triệu đồng còn lại bị cáo chưa được nhận do các lao động bỏ trốn nên chủ không trả.
Tại phiên tòa, các bị cáo gửi lời xin lỗi tới bị hại và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Sau quá trình xét xử, HĐXX đã tuyên phạt Phạm Thị Tuyết Chinh 9 năm 6 tháng tù, bị cáo Vy Văn Nhập 9 năm tù về tội Mua bán người.
Phiên tòa khép lại với bản án dành cho bị cáo, nhưng các bị hại cũng đã rút ra bài học cho bản thân. Đó là cảnh giác với những lời mời chào ra nước ngoài làm “việc nhẹ, lương cao” hay “chỉ cần làm việc trên máy tính”. Bởi, đó là một trong những thủ đoạn mà các đối tượng xấu giăng bẫy để lừa đảo người lao động.