Ký ức làng trong phố thành Vinh

08/04/2017 14:53

(Baonghean) - Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ tới cụm từ này khi nghĩ về khu phố nơi ông tôi ở.

Khu phố ấy vẫn còn những gốc dừa to xõa những tàu lá dài chải vào gió mây, vẫn còn những ao cá nhỏ xinh ở trước vườn nhà. Đứng hái dâu trước cổng nhà ông, nghe tiếng cá quẫy đạp kiếm ăn dưới lớp bèo. Hàng xóm nhà tôi vẫn có ở một góc vườn nhà cả chum nước mắm, nước tương… Và thi thoảng, tiếng côn trùng, ếch nhái vẫn rỉ rả sau đêm mưa ẩm ướt.

Bạn nghĩ những hình ảnh đó ở phường nào phố Vinh? Bạn bất ngờ không khi biết ở Đội Cung, Quang Trung, Cửa Nam... Lọt thỏm giữa những cao ốc vẫn còn những làng trong phố.

Góc phố. Ảnh: Lê Thắng
Góc phố. Ảnh: Lê Thắng

1. Hàng dừa khu phố ông tôi ở không san sát, dày đặc như hình ảnh những rặng dừa trong thơ, nhạc hay những xứ dừa Phú Yên, Bến Tre... nhưng cũng đủ duyên dáng để thấy đẹp như tranh vẽ. Những dãy dừa như thế không hiếm ở những khu phố gần chợ Đội Cung.

Ngày tôi bé, đi quanh nhà ông vẫn nghe tiếng của những ông, những bác nói giọng miền Nam. Họ là bộ đội tập kết ra Bắc. Bên nhà họ ở thường trồng những gốc dừa cao lớn, sum suê quả. Và khi lớn lên, đọc những bài thơ của Lê Anh Xuân, Tế Hanh... tôi mường tượng nghĩ rằng cây dừa miền Nam theo chân những người miền Nam ra đất Nghệ và thấy gần gũi, yêu thương những người ấy, những khu vườn ấy:

“Mảnh vườn xưa cây

mỗi ngày mỗi xanh

Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc

Hai ta ở hai đầu công tác

Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Hai ta như ngày nắng

tránh ngày mưa

Như mặt trăng mặt trời cách trở

Như sao hôm sao mai

không cùng ở

Có bao giờ cùng

trở lại vườn xưa?”...

Đó là những câu thơ trong bài thơ “Vườn xưa” của nhà thơ Tế Hanh mà một bác miền Nam từng đọc cho những đứa trẻ phố Vinh ngày nào nghe. Giọng thơ giản dị, hiền lành, lạ lạ như chính giọng miền Nam của ông vậy. Chúng tôi thuộc lòng những câu thơ ấy, và yêu những khu vườn nằm loanh quanh những ngõ nhỏ, xóm nhỏ hơn.

Từ những ngõ nhỏ từ đường Đặng Thái Thân, Nguyễn Công Trứ chạy sâu vào vài trăm mét vẫn gặp những khu vườn nho nhỏ còn sót lại dăm ba gốc ổi, gốc bưởi, gốc na. Trong vườn nhà bà Vy, cách những cao ốc chỉ vài chục bước chân vẫn giữ cả những chum dưa cà, nước mắm. Bà Vy là người Nghi Lộc, lấy chồng về Quang Trung, mang theo cả nghề làm nước mắm lên phố. Đám trẻ con vẫn thường được mẹ sai đi mua nước mắm bà Vy.

Đứng thập thò bên bức tường rêu xanh, bám đầy dây hoa đậu tím biếc. Hết nhìn nắng lên lả lướt mướt mắt trên những vạt hoa, lại nhìn bà Vy tỉ mỉ đong nước mắm sóng sánh màu cánh gián vào chai lọ thủy tinh. Nước mắm thủy tinh làm đủ tháng, đủ ngày, đượm mùi đặc trưng phưng phức. Xung quanh phố tôi ở hầu như quen nước mắm bà Vy tới mức, đứa con đi xa nghe bố kể, bà Vy ốm, nằm viện cũng thấy lòng chành chạnh buồn. Mảnh vườn nhà bà Vy chẳng liên quan gì tới mình cũng có đứa hỏi thăm vườn ấy, nhà ngói thâm nâu và bức tường đầy rêu còn không? Nghe bố nói vẫn còn, vẫn để mấy chum nước mắm mà thấy lòng mình vui vui niềm khó tả.

2. Người phương xa đến Vinh, không ít người ngạc nhiên khi ở phố vẫn nhiều nhà giữ được vườn đến thế. Cậu bạn nhà báo năm kia theo đoàn đi cứu trợ lũ lụt, đáp sân bay, thức dậy ở khu phố Vinh xa lạ. Xa lạ với cậu chứ không xa lạ với người Vinh. Nơi cậu ở, cách cổng chợ Vinh chỉ vài trăm mét.

Tôi mường tượng ra những con ngõ nhỏ loanh quanh phường Hồng Sơn. Cậu mở cửa nhà khách, ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh một bà cụ tóc sương gội đầu bên chậu bồ kết. Quanh cụ là những vạt xanh non của cây lá đang hồi sinh khi cơn bão vừa qua. Cậu bạn nói, so sánh thì khập khiễng, nhưng quả thực hình ảnh ấy ấn tượng hơn cả cháo lươn cay, ốc nóng... mà đám bạn ở Vinh vẫn tự hào khoe đặc sản thành Vinh. Đơn giản vì những hình ảnh như thế gần như thất truyền ở các thành phố phát triển. Ở nông thôn có khi vẫn hiếm, mà ở phố Vinh vẫn bất ngờ gặp và yêu mến.

Một góc đường Trần Quang Diệu (TP. Vinh). Ảnh: Lê Thắng
Một góc đường Trần Quang Diệu (TP. Vinh). Ảnh: Lê Thắng

Người Vinh đi về những phương xa, trong câu chuyện nhắc với nhau nghe vẫn hay kể về những khu vườn trong phố. Chẳng phải là chuyện quan tâm nhà rộng bao nhiêu đất, bao nhiêu tầng, mà nhắc nhau chuyện cây nhót, cây dâu, cây khế ngọt, khế chua... vừa kể vừa giấu nước miếng nuốt ực nơi cuống họng, giấu mắt cay cay với suy nghĩ đã lâu rồi không về vườn.

3.Những người ở Vinh vẫn giữ làng trong phố, vì con, vì cháu. Cậu tôi, một thuyền trưởng đóng quân ở Đà Nẵng ngày kia xây nhà. Ông bà tính cắt bớt mảnh vườn bán cho cậu. Đằng nào thì cậu cũng đã làm ở Đà Nẵng gần cả đời binh nghiệp, vợ đi làm con cái đi học có khi cũng ở đó cả đời. Ở nhà ông bà chỉ cần chỗ ở nhỏ nhỏ, mảnh vườn để trồng rau trồng hoa trong khi có thể bán đi để con có thêm chỗ ở rộng hơn, để vậy phí quá... Cậu không chịu. Đơn giản vì mảnh vườn ấy gắn bó với ông bà cả đời rồi, cả tuổi thơ cậu lớn lên ở đó. Bán đi thì quá ích kỷ.

Chị bạn đơn thân ở trọ ở Sài Gòn, ngày kia mẹ ở Vinh cũng giục về cùng mẹ bán vườn. Mảnh vườn cũng đáng giá cái nhà ở Sài Gòn chứ chẳng ít. Để con cái ở trọ tạm bợ bà xót lòng. Bạn tôi dứt khoát không chịu, nói bán chi, bán là mất chốn về nương náu. Chỉ những đứa nhỏ có một mảnh vườn mới hiểu được vườn không chỉ là mảnh đất luống rau, mà đó còn là mảnh hồn mình.

Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện hoặc ráng bất chấp điều kiện mà giữ vườn bên nhà. Bạn kể, ngày kia bố mẹ làm ăn thất bát, bán luôn căn nhà có thẻo vườn nho nhỏ bên hông. Thẻo vườn ấy chỉ đủ để trồng mấy cây đu đủ và bụi hoa tường vi hoa hồng nhạt như những đám mây. Mỗi dịp có đu đủ chín cây, mẹ trân trọng hái xuống biếu hàng xóm, người thân, bố cười tươi vừa gọt vừa khen thơm nức mũi. Mỗi lần ngồi học bài, mở cửa sổ ra, ngó mấy lùm tường vi ngỡ mây dạo xuống vườn. Tuổi thơ bạn lớn lên êm đềm ở đó. Ngày dọn đồ lên ở chung cư, lòng trĩu nặng khi nhìn những tán tường vi hồng thao thiết.

Nhà chủ mới, dĩ nhiên thấy chẳng ý nghĩa gì với đám tường vi, đám đu đủ ấy. Họ chuyển tới, xây thêm mấy phòng trọ ngay mảnh vườn nhỏ. Nhà trọ mới đẻ ra tiền, vườn tược chẳng đẻ ra tiền. Mỗi lần có dịp loanh quanh phường Hồng Sơn, bạn lại rẽ vào lối cũ nhà mình ở ngày xưa, nhìn nhà cửa bít bùng và thương những khoảnh vườn nho nhỏ.

Ảnh: Lê Thắng
Góc phố về đêm. Ảnh: Lê Thắng

4.Làng trong phố và vườn trong phố dần dần ngày càng thu nhỏ lại. Dĩ nhiên là thế, khi đất chẳng đẻ thêm mà người mỗi đời lại càng thêm. Những khu phố trung tâm cao ốc ngày càng mọc nhiều hơn. Những đứa con phố Vinh đi xa vẫn thấy gắn bó với những mảnh nho nhỏ đã ghép nối trong hồn mình. Chị nhà báo Thủy Lê chia sẻ trên Facebook về làng trong phố của mình với một niềm tự hào: Có một chút Đà Lạt mộng mơ (vì có những vạt cỏ non xanh, những khóm dã quỳ vàng rực), có một chút xứ sở Nga với những hàng bạch đàn thân trắng, hành phi lao thẳng tắp.

Mà “làng trong phố” của chị ở ngay bên thành cổ, gần vườn hoa Cửa Nam chứ nào ở đâu xa. Ở đó, chị học được bố, mẹ từ những bài học ứng xử làm người. Mẹ quét lá bên lối nhà mình kiểu nào cũng quơ chổi qua cả vạt vườn hàng xóm, bố làm nhà kiểu gì cũng cắt bớt tí vườn chừa ra để tránh va chạm về sau. Và từ những cách ứng xử bình dị, dễ chịu, hay nhận chút phận thiệt ấy, người Vinh vẫn được tiếng là dễ chịu, ân tình.

Những đứa con lớn lên từ làng trong phố, ra những thành phố lớn hơn, đến những quốc gia lớn hơn cũng mang nhiều tính cách bình dị, giản đơn, hồn hậu. Nhiều bạn bè gặp dân Vinh vẫn ngạc nhiên vì sao dân “phố” lại có thể nói chuyện về hoa xoan, hoa bưởi “sành sỏi” đến thế. Dân “phố” mà sao không bon chen, không đua đòi như đôi khi vẫn bị “mang tiếng” thế.

Bạn cười, có lẽ là vì phố mình vẫn có những làng nho nhỏ trong đó, mà mình lại sinh ra ở một làng trong phố...

Võ Thu Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ký ức làng trong phố thành Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO