Lại thêm một vụ vỡ phường hụi hàng tỷ đồng ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Chỉ riêng ở xã Khánh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), trong vòng 4 tháng qua đã xảy ra 3 vụ vỡ phường hụi. Trong vụ vỡ hụi mới nhất, một số người dân đành phải gán nợ bằng cách nhận tài sản cũ với giá “cắt cổ”.
Ngậm ngùi nhận gán nợ với giá "cắt cổ"
Hơn một tháng nay, căn nhà khang trang của anh Phạm Công Đồng (40 tuổi) ở xóm Đông Phú, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành thường xuyên đóng kín cửa. Ngoài cổng, nhiều người dân thi thoảng tụ tập bàn tán, ghé xem “động tĩnh” của gia chủ.
Anh Đồng là chủ phường hụi với hàng trăm thành viên hoạt động nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 vừa qua, chủ phường này bỗng “mất tích”, khiến làng quê đang yên tĩnh trở nên náo loạn.
Đây là vụ vỡ phường hụi mới nhất xảy ra ở xã Khánh Thành. Theo anh Nguyễn Đức Trường, ở xã Khánh Thành, chỉ trong vòng 4 tháng qua, xã này xảy ra 3 vụ vỡ phường hụi. “Cứ vụ này cách vụ kia khoảng hơn một tháng”, anh Trường nói.
Căn nhà của anh Phạm Công Đồng đóng kín cửa hơn một tháng nay. Ảnh: Tiến Hùng |
“Chỉ tính riêng ở xóm này thì số thành viên đang bị anh Đồng nợ tiền lên đến khoảng 50 người”, bà Trần Thị Sỹ (62 tuổi) nói và cho hay, ngoài người dân ở xã Khánh Thành, anh Đồng còn huy động cả phường viên ở những xã lân cận khác.
Người dân ước tính, hiện chủ phường vẫn còn nợ họ khoảng 4 tỷ đồng. Người nhiều lên đến hơn 200 triệu đồng, người ít khoảng vài triệu.
Bà Sỹ là giáo viên tiểu học về hưu. Chồng mất, bà sống cùng cô con gái đang là giáo viên của một trường học trên địa bàn. Ngôi nhà của bà Sỹ chỉ cách nhà anh Đồng chưa đầy 50m. Dành dụm tiền hưu cùng với tiền lương của con gái, bà Sỹ bắt đầu chơi phường do anh Đồng làm chủ từ hơn 2 năm nay.
“Ngoài tiền của con gái, tôi còn đứng tên đóng phường cho một người em. Tổng cộng tôi đóng 5 suất phường mỗi tháng, một suất 2 triệu đồng, lãi 500.000 đồng”, bà Sỹ cho hay.
Mỗi phường như vậy, cứ đến lượt bốc, anh Đồng được hưởng 500.000 đồng. “Nếu đến lượt mà không ai bốc, anh Đồng sẽ giữ tiền và phải trả lãi cho các phường viên. Thông thường khi người dân làm việc gì lớn cần tiền mới bốc, còn không để chủ phường giữ rồi trả tiền lãi”, bà Sỹ nói.
Bà Trần Thị Sỹ, một trong những nạn nhân của vụ vỡ phường. Ảnh: Tiến Hùng |
Hơn một tháng trước, một số phường viên cần tiền, đến lượt bốc nhưng không liên hệ được với anh Đồng. Thấy người thân chủ phường này chở tài sản ra khỏi nhà, cho rằng anh Đồng đã ôm tiền bỏ trốn, hàng chục người lập tức bao vây căn nhà.
“Chúng tôi đến thì vợ và những người em của chủ phường nói không biết anh Đồng hiện ở đâu, không có tiền trả nữa. Sợ mất trắng tiền như những vụ vỡ phường hụi trước, người dân đòi lấy tài sản để gán nợ”, anh Phan Văn Thức (trú xóm Đông Phú, xã Khánh Thành) - người tố chủ phường đang nợ hơn 200 triệu kể.
Cũng như nhiều người dân khác, anh Thức lúc đó đành phải chấp nhận lấy một số tài sản của vợ chồng anh Đồng để gán nợ như máy giặt, tivi, điều hòa..., mặc dù những tài sản này được gia đình chủ phường định giá rất cao so với thực tế.
Như chiếc máy giặt cũ rích, theo anh Thức nếu mua mới chỉ mất 4,2 triệu đồng nhưng vì gán nợ, anh đành phải chấp nhận cái giá 6 triệu để vớt vát lại. Số tài sản cũ mà anh Thức mang về được hai người em trai của chủ phường ghi chép vào sổ, ký giấy với tổng mức giá 55 triệu đồng.
“Có một chiếc xe máy cũ nếu mua mới cũng chỉ hết khoảng 18 triệu đồng, nhưng người thân của chủ phường đòi đến 27 triệu nếu muốn gán nợ. Người dân quá thiệt thòi, nhưng vì sợ mất trắng toàn bộ tiền nên họ đành phải chấp nhận cái giá đó”, bà Phan Thị Oanh (50 tuổi), nói.
Tuy nhiên, cũng không phải ai cũng lấy được tài sản để vớt vát, bởi vật dụng trong nhà chủ phường cũng không đủ tiền tỷ để có thể gán nợ cho người dân. Trong khi đó, sau khi chồng “mất tích” không lâu, người vợ hiện cũng đã rời khỏi địa phương.
Ông Nguyễn Đào Quý - Chủ tịch UBND xã Khánh Thành cho hay, hiện đã có một người dân đến xã để trình báo vụ việc. “Hiện chúng tôi cũng không rõ vợ chồng chủ phường đang ở đâu”, ông Quý nói và cho rằng, về tình trạng phường hụi, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền nhưng người dân vẫn thờ ơ.
(Baonghean.vn) - Bước đầu, cơ quan điều tra cáo buộc bà Oanh đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng của 36 phường viên.Bắt tạm giam chủ phường hụi chiếm đoạt hàng tỷ đồng ở Nghệ An
Hàng trăm tỷ đồng "mất tích" cùng chủ phường hụi
Nằm ngay cạnh xã Khánh Thành, theo thống kê của Công an xã Bảo Thành, chỉ hơn 2 năm qua, tại xã này xảy ra 5 vụ vỡ phường hụi, tín dụng đen với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là vụ vỡ tín dụng đen của Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên với số tiền ước tính lên đến 70 tỷ đồng.
Từng hơn 10 năm làm trưởng công an xã, nay là Chánh văn phòng xã Bảo Thành, ông Võ Trọng Nguyên cho biết, xã này như một trung tâm của phường hụi ở Yên Thành!
Điểm tên lần lượt các chủ phường hụi, tín dụng đen bị vỡ, trong đó một số hiện đã trốn ra nước ngoài, ông Nguyên nói rằng tình trạng vỡ hụi liên tiếp bắt đầu xảy ra từ khoảng đầu năm 2016. Sau khi tiệm vàng Phúc Nhiên tuyên bố vỡ nợ không lâu, tiệm vàng Loan Đa do ông Trần Văn Đa làm chủ cách đó khoảng vài chục mét cũng bất ngờ loan tin vỡ.
“Hai vợ chồng này sau đó bỏ trốn ra nước ngoài. Số tiền ước tính khoảng 30 tỷ đồng. Người dân bây giờ cũng chẳng biết tố cáo ai, trong khi vợ chồng đó vẫn gửi tiền về cho bố mẹ để làm nhà” - ông Nguyên cho hay.
Tháng 10/2016, một giáo viên đang dạy học tại xã Bảo Thành đã phải tự tử vì lâm vào cảnh vỡ nợ vì phường hụi. Kể từ sau cái chết của thầy giáo này, hàng loạt vụ vỡ phường hụi, tín dụng đen ở các xã phía Nam huyện Yên Thành bắt đầu bùng lên.
“Một số vụ thì chủ phường vỡ nợ thật nhưng theo tôi thì phần lớn là viện cớ để chiếm đoạt tiền. Như vụ tiệm vàng Phúc Nhiên, khi tuyên bố vỡ nợ xong là vàng bạc trị giá hơn 10 tỷ đồng mang giấu hết. Đất đai, nhà cửa thì chuyển nhượng cho người thân trước đó” - ông Nguyễn Thành Chung - Chủ tịch UBND xã Bảo Thành nói.
Theo tìm hiểu, có chủ phường ở xã Bảo Thành sở hữu lô đất giá trị thực tế hiện nay chỉ hơn 500 triệu đồng, tuy nhiên sau khi người này loan tin vỡ phường, không còn khả năng chi trả, người dân vì sợ chủ phường bỏ trốn, sợ mất trắng tiền đã phải đành chấp nhận gán nợ với cái giá gần 2 tỷ đồng…
Không chỉ ở Bảo Thành và Khánh Thành, hàng trăm hộ dân ở các xã lân cận khác như Sơn Thành, Viên Thành, Công Thành… cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn vì chủ phường, chủ tín dụng đen bất ngờ tuyên bố vỡ nợ. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng lo ngại tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khi người dân liên tục tụ tập đông người để đòi tiền./.