Lại trò ‘chọc gậy bánh xe’

Kim Phùng 20/09/2021 15:38

(Baonghean.vn) - ​Covid-19 - một đại dịch đầy thách thức và chưa từng có trong lịch sử nhân loại vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với thế giới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đoàn kết, chung sức, đồng lòng sục sôi tập trung vào trận phòng, chống đại dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe Nhân dân. Thế nhưng vẫn có những kẻ cố tình tìm cách ngăn cản, làm suy giảm tinh thần, ý chí, quyết tâm và sức mạnh của nhân dân ta trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

“Biết thì thưa thốt...”

Trên các trang báo tiếng Việt và mạng xã hội thiếu thiện chí với Việt Nam ở hải ngoại thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện những bài viết xuyên tạc chủ trương, giải pháp, phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong công tác phòng, chống dịch.

Đáng lưu ý trong bài “Covid-19: Chống dịch kiểu Việt Nam - Chỉ thương cho người dân!” trên BBC, bài viết đã mang công tác phòng, chống dịch ở các nước phương Tây, các nước theo chế độ dân chủ ra so sánh với công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam. Tác giả ra sức tung hô, tô vẽ rằng: “Các nước dân chủ: chống dịch nghiêm túc nhưng vẫn nhẹ nhàng, văn minh”. Chống dịch ở các nước phương Tây, các nước theo chế độ dân chủ “không có sự căng thẳng, chính phủ không lên gân, không hô hào khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc"; "mỗi người dân là một chiến sĩ"…; khi tình hình bi đát thì “không hoảng loạn, không quẫn trí”… Cùng với ca ngợi cách phòng, chống dịch của các nước dân chủ, các nước phương Tây là giọng điệu xuyên tạc, nói xấu các hoạt động phòng, chống dịch của Việt Nam. Sau khi chê bai, dè bỉu công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, tác giả nhỏ nước mắt cá sấu “Chỉ thương cho người dân”…

Bài viết trên trang BBC với giọng điệu xuyên tạc, nói xấu các hoạt động phòng, chống dịch của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình
Bài viết trên trang BBC với giọng điệu xuyên tạc, nói xấu các hoạt động phòng, chống dịch của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Qua những gì mà những bài viết, video kể trên đề cập đã chứng tỏ các tác giả không hiểu, hoặc cố tình không hiểu về đất nước, con người Việt Nam nói chung và các hoạt động phòng, chống đại dịch của Việt Nam nói riêng. Trong trường hợp này, lời khuyên tốt nhất dành cho họ là hãy ngậm miệng mà quan sát và lắng nghe để thấy tinh thần quyết tâm chiến thắng đại dịch của Việt Nam chứ đừng hồ đồ nói sằng, nói bậy mà mang họa vào thân.

Phòng, chống dịch phù hợp với thực tế

Một thực tế không ai có thể phủ nhận là ngay từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên thế giới và có nguy cơ lây lan tới Việt Nam, công tác phòng, chống đại dịch luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể, sát sao, mạnh mẽ, quyết liệt. Quan điểm chung của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động, linh hoạt thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình và có hiệu quả... Các giải pháp cấp bách phòng, chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam được dày công nghiên cứu, xây dựng chi tiết, kỹ lưỡng với sự tham gia ý kiến cụ thể từ Trung ương tới địa phương và nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế.

Việt Nam luôn cầu thị học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm phòng, chống đại dịch Covid-19 của thế giới và coi đó là nội dung quan trọng, cần thiết. Nhưng điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam khác với thế giới, do đó không thể bê nguyên xi hay áp đặt một cách máy móc mà phải có chọn lọc và phù hợp với thực tế đất nước. Nội lực là quyết định nhưng ngoại lực rất quan trọng và cần thiết. Từ quan điểm này Việt Nam rất chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện chiến lược "ngoại giao vaccine".

Việt Nam đã chủ động trong công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh tư liệu
Việt Nam đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

Việt Nam xem đại dịch Covid-19 là kẻ thù vô hình nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm bởi lẽ nó đe dọa trực tiếp đến mạng sống, sức khỏe người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, sự đi lên của đất nước. Luật Quốc phòng Việt Nam coi đại dịch là tình huống an ninh phi truyền thống. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam xác định phòng, chống đại dịch là nhiệm vụ chiến đấu thời bình.

Mặt khác thực tế ở Việt Nam, “trong dịch có giặc” đó là các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên mưu toan lợi dụng công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 để tiến hành các hoạt động nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó ngay trong chính nội bộ cũng có những suy nghĩ và hành động sai trái, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, làm cho dịch lây lan nhanh; lợi dụng diễn biến phức tạp của tình hình dịch để trục lợi; kích động tụ tập, gây rối an ninh trật tự; tung tin giả, tin xấu độc gây hoang mang trong xã hội. Đây là những hành vi “nối giáo cho giặc” và phải kiên quyết đấu tranh để loại ra khỏi đời sống xã hội.

Để khẳng định quyết tâm, động viên, khích lệ quân và dân trong cuộc chiến đấu mới này, Chính phủ Việt Nam xác định tinh thần chủ đạo là “chống dịch như chống giặc”; "mỗi người dân là một chiến sĩ", “mỗi gia đình là một pháo đài”,… Điều ấy có thể không hợp với các nước phương Tây, nhưng hoàn toàn phù hợp đạo lý, truyền thống và thực tế Việt Nam, không có gì đáng phải bàn luận... Trong gần 2 năm chiến đấu với “giặc Covid-19”, Việt Nam đã triển khai các chủ trương, giải pháp vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa cơ bản, quyết liệt, thiết thực, cụ thể. Quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp không hề có tình trạng “hoảng loạn” hay “quẫn chí”. Nơi này, nơi kia có chuyện người dân đi mua nhiều hàng, tích trữ lương thực, thực phẩm vì lo dịch kéo dài là có thật nhưng chỉ là đơn lẻ do ở một số người dân nhẹ dạ, nghe kẻ xấu tung tin kích động, chứ đâu phải là phổ biến.

Tiêm vaccine cho người dân. Ảnh tư liệu
Tiêm vaccine cho người dân. Ảnh tư liệu

Tỉnh táo trước những tâm địa xấu xa

Những kết quả đạt được trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 đã khẳng định tinh thần chủ đạo “chống dịch như chống giặc” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam xác định là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Ai đó dựa vào một vài biểu hiện đơn lẻ ấy để quy kết rằng Việt Nam “hoảng loạn”, “quẫn chí” là bóp méo, xuyên tạc sự thật, làm sai lệch bản chất vấn đề. Không cần quan tâm các tác giả viết bài, sản xuất video mang nội dung xuyên tạc công tác phòng, chống dịch của Việt Nam là ai, ở trong hay ngoài nước, chỉ xem qua nội dung đã đủ thấy ngay động cơ đen tối, thấp hèn và tâm địa xấu xa của họ. Chính từ động cơ đen tối, tâm địa xấu xa ấy đã dẫn họ đến cách nhìn nhận chủ quan, phiến diện; lối suy diễn hồ đồ, vô căn cứ; kiểu phê phán “bới lông, tìm vết”, “bới bèo ra bọ”; bình luận, phán xét theo kiểu “thầy bói xem voi”.

Thực chất những giọng điệu mà họ rêu rao không có gì mới, vẫn chỉ là biểu hiện cụ thể của chiêu trò “chọc gậy bánh xe” nhằm chống phá, ngăn cản hoạt động phòng, chống đại dịch của Việt Nam mà các thế lực thù địch, phản động vẫn tiến hành bấy lâu nay. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chẳng lạ gì những trò hề trên sân khấu chính trị ấy. Bằng tinh thần trách nhiệm và ý thức chính trị; với tinh thần cảnh giác cao độ, nhân dân ta không bao giờ tin theo và luôn tích cực, chủ động tham gia đấu tranh vạch trần, phản bác những luận điệu xảo trá. Dù có tinh vi, biến ảo đến đâu đi chăng nữa thì mọi âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò của các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động, cơ hội chính trị cũng không thể ngăn cản nổi tinh thần quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của quân và dân ta. Mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam nói chung và chống phá công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam nói riêng mà các tổ chức, cá nhân thù địch, cơ hội chính trị đang tiến hành sớm muộn cũng thất bại./.

Lại trò ‘chọc gậy bánh xe’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO