Làm rõ trách nhiệm trong vi phạm ở dự án thủy điện Suối Choang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tổ chức, cá nhân và vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án thủy điện Suối Choang.

Chậm tiến độ do lỗi của chủ đầu tư

Ngày 29/9, ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, cơ quan này vừa có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu liên quan đến dự án thủy điện Suối Choang. Đây là dự án thủy điện khởi công 14 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong; ngoài ra, trong quá trình thi công còn có những vi phạm mà Báo Nghệ An vừa có loạt bài phản ánh. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Công thương kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu.

bna_p1.jpg
Dưới chân đập thủy điện Suối Choang. Ảnh: Tiến Hùng

Theo ông Trần Thanh Hải, dự án thủy điện Suối Choang do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện MECO làm chủ đầu tư và đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 7/4/2009 với công suất 4MW và Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (thay đổi lần 3) ngày 17/9/2021 với công suất 4MW.

Về nguyên nhân chậm tiến độ, theo ông Hải, dự án khởi công vào năm 2009, sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, toàn bộ công trình phụ trợ đã được thi công hoàn thành, bao gồm san lấp mặt bằng, cấp điện, nước thi công, kho bãi, lán trại, đường thi công; hạng mục đê quai giai đoạn I và giai đoạn II đạt 100% khối lượng; khu nhà quản lý điều hành của dự án đạt 100% khối lượng; hạng mục đập tràn đạt 40% khối lượng. Tuy nhiên, đến năm 2011, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Meco tạm dừng việc thi công xây dựng. Cho đến năm 2017, dự án mới được chủ đầu tư tiếp tục xây dựng.

“Như vậy trách nhiệm để xảy ra chậm tiến độ thuộc về chủ đầu tư do không tập trung mọi nguồn lực để thi công hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, đến nay công tác đầu tư xây dựng đã cơ bản hoàn thành nhưng do một số lý do khách quan nên dự án chưa hoàn thành các thủ tục để đưa vào phát điện”, ông Hải nói.

Về việc điều chỉnh quy mô công suất lắp máy từ 2,1 MW lên 4MW, theo lãnh đạo Sở Công thương, hiện nay, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 và dự án thủy điện Suối Choang với công suất lắp máy 4MW có tên tại danh mục dự án đầu tư phát triển nguồn điện thuộc phụ lục III, Phương án phát triển mạng lưới cấp điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030.

Trong khi đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Suối Choang được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 bao gồm thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu vực mặt bằng công trình, đã hoàn thành toàn bộ trong năm 2009. Giai đoạn 2, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ. Công tác đền bù cây cối hoa màu và vật kiến trúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực lòng hồ đã cơ bản hoàn thành.

Cùng với đó, đã chi trả đền bù, hỗ trợ phần giá trị đất của các hộ trong bản khe Diềm, một số hộ thuộc bản Khe Choang, còn một số hộ thuộc bản Khe Nà, Khe Choang, bản Châu Định đã hoàn thành phương án đền bù nhưng chưa đền bù giá trị tài sản trên đất. Phần công việc còn lại, hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết về chuyển đổi rừng tự nhiên mới có thể tiếp tục triển khai thực hiện.

Đặc biệt, về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, hiện nay diện tích 8,0232 ha rừng tự nhiên ảnh hưởng bởi dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tuy nhiên, dự án đã được đưa vào danh mục các công trình, dự án cần chuyển mục đích sử dụng rừng trong nội dung điều chỉnh Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2181/QĐ-UBND ngày 24/7/2023. Sau khi hoàn thiện các nội dung ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu UBND trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính quyết định theo đúng quy định của pháp luật.

bna_p2.jpg
Hơn 8 ha rừng tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng nếu thủy điện tích nước nhưng chưa được chuyển đổi mục đích. Ảnh: Tiến Hùng

2 lần bị xử phạt

Cũng theo báo cáo của Sở Công thương, không chỉ có vi phạm về đất đai, dự án thủy điện Suối Choang còn có vi phạm về quy hoạch xây dựng. Cụ thể, tháng 10/2008, Sở Xây dựng đã có công văn chỉ đạo về việc thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng thủy điện Suối Choang, huyện Con Cuông. Trong đó yêu cầu, sau khi bản vẽ mặt bằng tổng thể công trình thủy điện Suối Choang tỷ lệ 1/5.000 được UBND tỉnh phê duyệt, chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm công trình, riêng khu vực đập đầu mối và nhà máy cần quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo hướng dẫn tại thông tư của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư vẫn chưa lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực đập đầu mối và nhà máy.

10 năm sau ngày khởi công, tháng 7/2019, UBND huyện Con Cuông đã có quyết định xử phạt hành chính về việc thực hiện giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng công trình trên hiện trường nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Công thương tại thời điểm khởi công, nhà đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục thuê đất, nhận giao đất là chưa đúng quy định của pháp luật về thủ tục đất đai. Chủ tịch UBND huyện Con Cuông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi chiếm đất, với số tiền hơn 34 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định”.

bna_p3.jpg
Khu lán trại thủy điện Suối Choang. Ảnh: Tiến Hùng

Dự án thủy điện Suối Choang chậm tiến độ suốt nhiều năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến các bản Khe Nà, Khe Bu và cụm dân cư Khe Nóng của những người dân Đan Lai sinh sống trên thượng nguồn Suối Choang, khi mà đường sá đi lại khó khăn dù đã có dự án làm đường từ lâu. Đây cũng là khu vực duy nhất ở huyện Con Cuông đến nay vẫn còn chưa có điện lưới.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, tuyến đường này đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2011. Trong tổng số 12km của dự án có 6 km đoạn từ trung tâm xã Châu Khê đến bản Diềm đã hoàn thành, 6km còn lại từ bản Diềm nối với đoạn đầu đường tuần tra biên giới – đường vào đồn Biên Phòng 553 Châu Khê (trong đó có 3 km đi qua Thủy điện Suối Choang) phải dừng thi công do trùng với tuyến đường hoàn trả (đường tránh ngập) của dự án thủy điện Suối Choang.

“Đoạn tuyến này đã xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn về giao thông cho bà con Bản Khe Nà. Sau khi thống nhất phương án triển khai với chủ đầu tư nhà máy thủy điện Suối Choang, hiện nay, UBND huyện Con Cuông (chủ đầu tư) đang hoàn thiện các thủ tục về chuyển đổi rừng tự nhiên để tiếp tục triển khai thi công”, ông Trần Thanh Hải nói.

Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, chủ đầu tư sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục giao đất, cho thuê đất..., phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thành hồ sơ về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, UBND huyện Con Cuông sẽ chỉ đạo, phối hợp chủ đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc về công tác đền bù cây cối hoa màu và vật kiến trúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực lòng hồ; tập trung thực hiện ngay việc kiểm đếm, đền bù đất, cây cối hoa màu, vật kiến trúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng ngay sau khi công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng, thuê đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để dự án thủy điện Suối Choang vận hành phát điện trong thời gian sớm nhất, tránh xảy ra tình trạng gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhiều lần.

Hiện nay, Sở Công Thương cũng đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tổ chức, cá nhân và vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án thủy điện Suối Choang theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy./.

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.