Trên vùng đất cằn miền biên giới Thanh Thủy với keo là cây trồng chủ lực, đã có một khu du lịch sinh thái, được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch trên bản đồ du lịch Nghệ An – Khu Du lịch sinh thái HDT. Đây được xem là một tín hiệu khả quan cho du lịch Thanh Chương.
Ông Nguyễn Đình Hợp – Giám đốc Khu Du lịch sinh thái HDT xã Thanh Thủy cho biết: “Khi bắt đầu triển khai mô hình (năm 2016), với chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình VAC, kết hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà và thả cá); nhiều người đã hoài nghi, bởi đất này lâu nay chỉ cây keo và chè mới phát triển được. Năm 2019 chuyển hướng đầu tư sang mô hình trang trại du lịch sinh thái, nhiều người lại nghi ngại, bởi vốn đầu tư lớn và thu thì chưa biết như thế nào; song với suy nghĩ muốn làm cái gì tốt đẹp cho mình và cho quê hương, nên tôi quyết tâm làm, dù quá trình đó có những khó khăn”.
Trí tuệ, tình yêu quê nhà và khát vọng đã “biến không thành có”, hiện nay, Khu Du lịch sinh thái HDT đã trở thành điểm đến của nhiều gia đình, nhóm bạn bè, tổ chức, cơ quan, đơn vị tham gia các hoạt động trải nghiệm gắn với canh nông, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí vào những dịp nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần. Chỉ tính thời điểm được công nhận điểm du lịch của tỉnh vào tháng 4/2023 vừa qua, đến nay, khu du lịch đã thu hút hơn 20.000 lượt khách, trong đó, riêng 3 ngày lễ 30/4, 1/5 và 2/9 đã thu hút khoảng 10.000 khách.
Khu Du lịch sinh thái HDT xã Thanh Thủy có quy mô tổng diện tích gần 22 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 45 tỷ đồng. Hiện tại, khu du lịch này đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, gồm khu trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả, ao, hồ nhằm tạo không gian sinh thái xanh mát, sạch, đẹp, phục vụ nhu cầu trải nghiệm, thưởng ngoạn của du khách; hệ thống bungalows; hệ thống phòng họp, hội nghị, hội thảo; khu vui chơi, giải trí, trải nghiệm của trẻ em.
Thời gian tới, điểm du lịch này sẽ có thêm khách sạn tiêu chuẩn 3 sao; hệ thống bungalows cao cấp; bể bơi tiêu chuẩn và khu vực thể thao ngoài trời; khu vực giới thiệu các sản phẩm nông sản và các đặc sản Thanh Chương…; nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu khách du lịch, trở thành điểm đến, kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện Thanh Chương và trong tỉnh Nghệ An, các tỉnh dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, liệu tiếp theo có những ai tâm huyết trăn trở với tiềm năng du lịch của Thanh Chương?
Khu vực đảo chè (thuộc 3 xã Thanh An, Thanh Thịnh, Thanh Thủy) đã tạo dấu ấn điểm đến hấp dẫn; với khoảng 80 ha chè được trồng trên các đảo xanh mướt quanh năm, bao bọc xung quanh là dòng nước xanh trong với diện tích mặt nước hơn 83 ha. Đây cũng từng được được ví là “Vịnh Hạ Long” trên núi của xứ Nghệ; từng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh cùng quốc tế đến thưởng ngoạn, với khoảng 3,5 – 4 vạn lượt khách/năm.
Thác Liếp (thuộc địa bàn xã Thanh Sơn) cũng đang kỳ vọng là một điểm đến lý thú cho du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên trong lành, đậm chất núi rừng; nhất là vào mùa nắng nóng. Vùng này đã có những món ăn hấp dẫn của người dân bản địa, như gà nướng, cá mát, cá suối, cơm lam và một số món ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái.
Hay đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt – ngôi đền nằm trong “tứ linh”: nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng của xứ Nghệ, gắn với Lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức hàng năm, thu hút 2 – 2,5 vạn du khách…
Ngoài 4 điểm du lịch trên, huyện Thanh Chương có thắng cảnh đẹp, như thác Mưa, thác Cối, thác Cây Trám, đập Sông Rộ…; có 5 con sông và hơn 70 hồ lớn, nhỏ, với hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa với 457 di tích được kiểm kê, trong đó, có 70 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và tỉnh. Tiềm năng đất lâm nghiệp, nông nghiệp lớn; gắn với quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đầu tư thâm canh tốt, nâng cao giá trị kinh tế nông, lâm nghiệp đã góp phần tạo ra những hệ sinh thái mới để phát triển du lịch canh nông. Đồng thời, chính từ các sản phẩm nông nghiệp phong phú, chất lượng, trong đó có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như gà, trám, nhút Thanh Chương, cam Tổng đội, cam bù Phong Thịnh, bưởi Thanh Mỹ…, tạo ra giá trị văn hóa ẩm thực và sức hút riêng cho địa phương phát triển du lịch.
Thông qua thực hiện chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, huyện Thanh Chương xác định phát triển du lịch với trọng tâm là du lịch sinh thái canh nông; du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch văn hóa tâm linh. Cấp ủy, chính quyền cũng đã kết nối các nhà đầu tư có tiềm năng về khảo sát, tìm cơ hội đầu tư khu du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng tại hồ Cầu Cau – đảo chè; nông trại sinh thái kết hợp với du lịch hồ sông Rộ; lập hồ sơ quy hoạch cụm di tích lịch sử Tướng quân Phan Đà (tại xã Võ Liệt) và hình thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng thác Liếp. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ du lịch với tổng số cơ sở lưu trú hiện có trên địa bàn là 18 cơ sở và 8 nhà hàng với quy mô phục vụ từ 100 đến 500 khách.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – ông Nguyễn Văn Chiến: Khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay liên quan đến chính sách pháp luật về đất đai. Muốn xây dựng điểm du lịch canh nông, du lịch sinh thái đòi hỏi phải có diện tích đất nhất định để xây dựng hệ thống bến bãi, nơi nghỉ, ăn uống, sinh hoạt, các điểm check in cho du khách, các gian hàng trưng bày sản phẩm và kể cả giao thông nội bộ…
Trong khi đó, đất chủ yếu là đất lâm nghiệp, nông nghiệp; muốn chuyển đổi không dễ. Các mô hình du lịch canh nông, sinh thái chủ yếu quy mô hộ gia đình với tiềm lực kinh tế hạn chế để đầu tư một cách bài bản, nên thực tế một số mô hình mới manh nha “thai nghén”, dù xây dựng nhà tạm hay kể cả việc nhỏ là xây dựng nhà vệ sinh cũng là vi phạm pháp luật về đất đai, buộc phải tháo dỡ. Đây là vấn đề các cấp cần nghiên cứu tháo gỡ, tạo điều kiện về đất đai để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp canh nông.
Huyện Thanh Chương cũng đề nghị tỉnh nghiên cứu để có cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái kết hợp canh nông, bao gồm chính sách về đất đai, thuế, hỗ trợ tín dụng… Cùng đó, nhiều vấn đề liên quan hạ tầng du lịch; nguồn nhân lực và tính chuyên nghiệp trong làm du lịch; xây dựng các sản phẩm, kết nối các điểm đến và quảng bá du lịch…, đang được huyện tiếp tục trăn trở để khai thác, phát triển tốt hơn các tiềm năng du lịch của địa phương.