Làm thế nào để có việc làm ngay sau khi ra trường?
(Baonghean.vn) - 600 vị trí việc làm đến từ 26 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cùng hàng chục suất học bổng tu nghiệp, học tiếng ở nước ngoài là những cơ hội hấp dẫn dành cho 1000 sinh viên Đại học Vinh tại Ngày hội việc làm 2017.
Ngày hội việc làm 2017 do Đại học Vinh phối hợp với 26 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tổ chức lần đầu tiên. Ảnh: Thục Anh |
Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Vinh, có sự phối hợp của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. Các nhà tuyển dụng không chỉ nhận hồ sơ xin việc, ứng tuyển phỏng vấn mà còn chia sẻ với các bạn sinh viên kinh nghiệm, bí quyết để nâng cao khả năng thành công trong tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước.
Làm thế nào để có việc làm ngay khi ra trường?
Đây là tâm lý chung của các bạn sinh viên năm cuối, nhất là trong bối cảnh cả nước đang dư thừa đến hơn 1 triệu lao động, trong đó có trên 200.000 lao động đạt trình độ đại học và sau đại học. Con số lao động thất nghiệp riêng tại Nghệ An đang vào khoảng 30.000 người, lao động trẻ trong độ tuổi 15 - 34 chiếm đến 40%.
Làm thế nào tìm được công việc phù hợp ngay sau khi ra trường là điều mà nhiều sinh viên quan tâm tìm hiểu. Ảnh: Thục Anh |
PGS. TS Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa kinh tế ĐH Vinh khẳng định với gần 1000 sinh viên có mặt tại Ngày hội việc làm: “Lao động là nhu cầu tất yếu để con người tồn tại. Không lao động thì các em không thể thành một con người hoàn chỉnh được. Nhưng làm thế nào để không thất nghiệp khi ra trường? Câu trả lời là phải chọn nghề phù hợp”.
Thầy Bùi Văn Dũng cũng nhận xét sinh viên Việt Nam có một “căn bệnh” thường gặp, đó là học và làm theo thói quen chứ chưa có kế hoạch, chưa có trách nhiệm và quyết tâm cao. Sinh viên còn thụ động trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, chưa mạnh dạn va chạm và chưa chuẩn bị tốt về các kỹ năng cứng cũng như kỹ năng mềm.
“Các em muốn làm vận động viên bơi lội nhưng lại ngại xuống nước, hoặc chỉ xuống nước vào mùa hè thôi chứ mùa đông lạnh thì không muốn làm. Như thế làm sao thành công được? Muốn nhanh chóng tìm được công việc phù hợp thì phải linh hoạt, mạnh dạn. Nhạc nhanh mình nhảy nhanh, nhạc chậm mình nhảy chậm”.
Thầy Bùi Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế ĐH Vinh: "Sinh viên Việt Nam đa số bị "bệnh" thiếu kế hoạch, thiếu quyết tâm". Ảnh: Thục Anh |
Thầy Dũng cũng khuyên sinh viên phải chuẩn bị tốt ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường các kiến thức về ngành nghề của mình, mở rộng ra các kiến thức chung về kinh tế - xã hội và rèn luyện tác phong làm việc, kỷ luật lao động tốt. “Yêu cầu của nhà tuyển dụng càng cao, đồng lương của các em càng tốt”, thầy Dũng khẳng định với sinh viên.
Khơi dậy giấc mơ khởi nghiệp
Khởi nghiệp là một trong những từ khoá hot nhất thị trường việc làm Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên khởi nghiệp như thế nào, cần hội tụ những yếu tố gì để khởi nghiệp thuận lợi, là những câu hỏi mà nhiều sinh viên băn khoăn.
Anh Trần Kim Việt, Giám đốc Vườn ươm Việt và cũng là một cựu sinh viên ĐH Vinh đã đem đến cho Ngày hội việc làm 2017 những trải nghiệm chân thực của bản thân trên con đường khởi nghiệp. Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị tàn tật, Việt xác định từ sớm không có con đường nào khác để đổi đời ngoài con đường kiến thức.
Sinh viên điền thông tin cá nhân, nộp hồ sơ xin việc ngay tại Ngày hội việc làm 2017. Ảnh: Thục Anh |
Đi làm thêm từ năm thứ nhất ĐH, đăng ký học thêm ngành Công nghệ thông tin bên cạnh ngành chính là Nông nghiệp, Việt từng trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải mượn của một thầy giáo trong trường 500.000 đồng mới đủ tiền mua chiếc máy tính cũ giá hơn 1 triệu đồng thời ấy để phục vụ việc học tập.
Tốt nghiệp cao học, Việt quyết định về quê mở công ty chuyên sản xuất cây giống và hỗ trợ bà con nông dân về công nghệ sinh học. Vốn không có, Việt làm dịch vụ để tích tiểu thành đại, làm từ việc nhỏ nhất trở đi. Anh cũng đi qua trên 30 tỉnh thành để học hỏi về sản xuất giống và các kinh nghiệm thực tế của nhà nông. Đến nay, Vườn ươm Việt đã tạo công ăn việc làm cho 13 lao động ổn định và 10 lao động thời vụ, mỗi năm xuất ra 30 vạn cây giống.
Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, Việt chia sẻ: “Sinh viên mới ra trường muốn làm khởi nghiệp thiếu nhất là hai thứ: Kinh nghiệm và vốn. Nhưng các bạn phải tâm niệm là cái gì lúc khởi đầu cũng khó khăn, không có gì dễ dàng cả.
Cuộc sống ngoài xã hội giống đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống. Mình muốn thành công thì phải năng động, linh hoạt thích nghi với sự biến động đó. Các bạn đừng lo lắng hay ái ngại, người có hoàn cảnh như Việt còn làm được thì không ai là không làm được”.
Các nhà tuyển dụng tư vấn trực tiếp cho sinh viên tại Ngày hội việc làm 2017. Ảnh: Thục Anh |
Anh Nguyễn Hữu Bắc, Chủ tịch Công ty Đầu tư du lịch PhucGroup cũng đem đến những lời khuyên hữu ích về khởi nghiệp. Với anh, có 4 yếu tố quan trọng mà nhà khởi nghiệp phải có: tư duy, vốn, sản phẩm tốt và kỹ năng quản trị. Anh cũng khuyến khích các bạn trẻ dám sáng tạo, dám thay đổi tư duy.
“Nhưng phải định vị được mình là ai thì mới khởi nghiệp được, ảo tưởng về bản thân chắc chắn sẽ thất bại”, anh Bắc nhắc nhở các bạn sinh viên đang háo hức trước cái gọi là “cơn bão” khởi nghiệp ở Việt Nam.
Nhà tuyển dụng mong chờ điều gì ở sinh viên?
Nhiều doanh nghiệp, đơn vị lớn như Hoa Sen Group, Unilever Việt Nam, ngân hàng SeaBank Việt Nam,… tổ chức tư vấn và tuyển dụng trực tiếp tại Ngày hội việc làm 2017. Các chuyên gia đến từ những tập đoàn, đơn vị này cũng đem đến cho sinh viên nhiều lời khuyên về kỹ năng, cách thức chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn xin việc.
Những điều nên và không nên làm khi bạn làm hồ sơ, CV xin việc, theo tư vấn của phòng nhân sự Unilever Việt Nam. Ảnh: Thục Anh |
Ê-kíp Unilever Việt Nam có màn giao lưu tương tác với sinh viên ĐH Vinh về các kỹ năng cơ bản khi đi xin việc. Hầu hết các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm nên thể hiện khá lúng túng.
Chị Nguyễn Đoan Trang, Trưởng phòng nhân sự Unilever Việt Nam nhận xét: “Là sinh viên năm 3, năm 4, các em nên chuẩn bị cho mình ngay từ trên ghế nhà trường những kỹ năng mềm về giao tiếp, thái độ ứng xử. Từ nay đến lúc các em tốt nghiệp còn vài tháng nữa, những em nào chưa chuẩn bị thì nên chú ý rèn luyện kỹ năng mềm ngay từ bây giờ”.
Phía Unilever Việt Nam cũng cho biết, đối với sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng chủ yếu yêu cầu cao về kỷ luật lao động và thái độ làm việc. Tính khiêm tốn, nhẫn nại, ham học hỏi và sẵn sàng đi công tác theo sự điều phối của công ty cũng là những tiêu chí được nhà tuyển dụng ưu tiên hàng đầu.
Thục Anh
TIN LIÊN QUAN |
---|