Lần đầu tiên thế giới cùng giải quyết khủng hoảng tị nạn

22/09/2016 15:26

(Baonghean)- Tại Hội nghị cấp cao về người di cư của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, các nhà lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc đã thông qua Tuyên bố New York nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở phạm vi toàn cầu. Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng triệu tập một hội nghị của các nguyên thủ quốc gia để thảo luận về tình trạng người di cư, cho thấy quyết tâm của Liên Hợp quốc trong việc thể hiện vai trò “đầu tàu”, kêu gọi thế giới cùng đồng tâm hiệp lực giải quyết vấn đề này.

Từ quyết tâm tới quyết sách

Quyết tâm của các nhà lãnh đạo thế giới được thể hiện ngay sau lễ khai mạc với việc thông qua Tuyên bố New York, bao gồm những cam kết triển khai kế hoạch đồng bộ nhằm giải quyết vấn đề di cư một cách hiệu quả hơn.

Lần đầu tiên Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị cấp cao về vấn đề di cư. Ảnh: AP
Lần đầu tiên Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị cấp cao về vấn đề di cư. Ảnh: AP

Hội nghị thống nhất đặt ra ba mục tiêu cụ thể: Thứ nhất là thuyết phục cộng đồng quốc tế tăng 30% nguồn tiền tài trợ cho các hoạt động nhân đạo trên thế giới, từ 10 tỷ USD trong năm 2015 lên 13 tỷ USD trong năm nay.

Thứ hai là tăng gấp đôi trường hợp được tái định cư và tìm kiếm những con đường hợp pháp mới để tiếp nhận người tị nạn; đồng thời, tăng số quốc gia chấp nhận số lượng đáng kể người tị nạn. Thứ ba là tăng số người tị nạn được đến trường trên toàn cầu thêm 1 triệu người và số người tị nạn được phép đi làm cũng tăng thêm 1 triệu người.

Các tập đoàn lớn như Facebook, Twitter, MasterCard, Johnson & Johnson… cũng sẽ tham gia thực hiện các mục tiêu này bằng việc tạo điều kiện tiếp cận giáo dục, việc làm và tài chính cho khoảng 6,3 triệu người tị nạn tại hơn 20 quốc gia.

Tuyên bố New York mà các nước vừa đạt được là một cam kết chính trị, một nỗ lực lớn lao chưa từng có của cộng đồng quốc tế trước cuộc khủng hoảng di cư vẫn đang diễn biến nghiêm trọng hiện nay. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, tuyên bố này thể hiện quyết tâm của Liên Hợp quốc trong việc hợp sức với tất cả các đối tác để cùng thực hiện những cam kết chung.

Trong khi ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn cho rằng, tuyên bố đã lấp đầy khoảng trống kéo dài nhiều năm qua trong hệ thống bảo vệ quốc tế, là “sự chia sẻ trách nhiệm thực sự đối với người di cư theo đúng tinh thần của Hiến chương Liên Hợp quốc”. Để những cam kết trong Tuyên bố New York được triển khai thành hành động trên thực tế, Liên Hợp quốc cũng đã chính thức phát động chiến dịch mới mang tên “Tôn trọng, An toàn và Phẩm giá cho tất cả mọi người”.

Cam kết từ các “ông lớn”

Sau khi Tuyên bố New York được thông qua, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thực thi nghiêm túc tuyên bố này, từ đó tạo cơ chế ổn định trong việc giải quyết tình trạng di cư, không để dòng người di cư hiện nay đẩy thế giới tới bờ vực của các khủng hoảng mới cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Việc đã có 50 quốc gia cam kết tiếp nhận 360.000 người tị nạn trong năm nay - tăng gấp đôi so với con số của năm ngoái - được coi là tín hiệu tích cực đầu tiên sau lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp quốc.

Bất chấp nhiều vấn đề trong thực hiện Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đưa ra nhiều cam kết nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng di cư. Ảnh: Getty
Bất chấp nhiều vấn đề trong thực hiện Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đưa ra nhiều cam kết nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng di cư. Ảnh: Getty

Mỹ - với mong muốn phần nào giảm bớt gánh nặng người di cư đang đổ về châu Âu - đã đặt mục tiêu tiếp nhận 110.000 người tị nạn trong năm tài khóa tới, tăng 30% so với 85.000 người trong năm tài khóa 2016. Trong khi đó, Nhật Bản cũng cam kết đóng góp thêm 2,8 tỷ USD trong 3 năm tới cho công tác viện trợ nhân đạo nhằm trợ giúp người di cư. Trung Quốc cũng sẽ đóng góp thêm 100 triệu USD ngoài những cam kết 1 tỷ USD trước đó của nước này đối với các cơ quan nhân đạo đa phương và các sáng kiến có liên quan của Liên Hợp quốc về vấn đề di cư. Mặc dù đang rất “đau đầu” trước hàng loạt vấn đề hóc búa liên quan tới việc đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, song Thủ tướng Theresa May cũng tái khẳng định, các cam kết của Anh đối với viện trợ quốc tế, đồng thời sẽ chi 80 triệu bảng - tăng gấp 10 lần so với trước đây để quản lý dòng người di cư từ Pháp sang Anh qua đường hầm Eurotunnel…

Những cam kết này cho thấy, đội ngũ tiên phong trong thực hiện Tuyên bố New York năm nay đều là những cường quốc, có tầm ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế. Đây là điều rất đáng mừng bởi ai cũng hiểu, bất kỳ chương trình, kế hoạch hành động nào, nhất là với những chương trình mang tính đa quốc gia luôn cần những “thủ lĩnh” đi đầu để có thể đạt tới thành công.

Khoảng cách từ cam kết đến hành động

Theo Văn phòng của Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn, tính tới cuối năm 2015, thế giới có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn, và 40,8 triệu người di cư. Làn sóng di cư ồ ạt đã và đang gây nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội cho những nước tuyến đầu như Hy Lạp, Áo, Hungary. Bản thân những người tị nạn cũng phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy trên chặng đường tìm đến những “miền đất hứa”.

Với Tuyên bố New York, các em bé tị nạn sẽ có cơ hội đến trường. Ảnh: Reuters
Với Tuyên bố New York, các em bé tị nạn sẽ có cơ hội đến trường. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích nhận định rằng, để Tuyên bố New York có thể tạo nên bước ngoặt trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, điều quan trọng nhất là các nước ký kết phải thực thi một cách nghiêm túc, có thiện chí như những gì đã thể hiện đến thời điểm này. Dù vậy, vẫn còn đó rất nhiều nghi ngờ về hiệu quả của tuyên bố này, bởi đây chỉ là một cam kết mang tính chính trị, thiếu những cơ chế pháp lý ràng buộc liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia.

Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa nhất của làn sóng di cư luôn bắt nguồn từ chiến tranh, đàn áp và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Để giải quyết phần gốc của vấn đề, các nỗ lực của cộng đồng quốc tế cần tập trung vào giải quyết khủng hoảng chính trị ở nơi khởi phát của dòng người di cư.

Vậy liệu các quốc gia, kể cả những cường quốc đã từng đưa ra cam kết tại Hội nghị ở New York có chịu từ bỏ những toan tính liên quan đến lợi ích quốc gia ở những điểm nóng này? Đây sẽ vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi vậy, hàng chục triệu người di cư đang chờ đợi xem liệu lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi chủ trì Hội nghị cấp cao về người di cư rằng: “Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ, đóng sập cánh cửa, bỏ mặc những gia đình này bởi đó là phản bội lại những giá trị sâu sắc nhất của chúng ta” có phải là lời kêu gọi suông, hay nó thực sự có thể giúp họ được “an cư, lạc nghiệp” trên chính đất nước quê hương mình thay vì phải tìm đến cánh cửa tới tương lai ở một quốc gia khác./.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Lần đầu tiên thế giới cùng giải quyết khủng hoảng tị nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO