Lần đầu tiên tổ chức phiên họp 'Quốc hội trẻ em' tại Hội trường Diên Hồng

Hoài Thu 10/09/2023 09:36

Đại diện trẻ em cả nước sẽ "hóa thân" thành đại biểu Quốc hội, tham gia phiên họp giả định để thảo luận về 2 chủ đề nóng là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Sáng 10/9, phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ I diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng của Nhà Quốc hội, do 263 đại biểu trẻ em tham gia điều hành.

Phiên họp giả định toàn thể có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một phiên họp "Quốc hội trẻ em" được tổ chức, nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Các đại diện trẻ em được tập huấn trước khi tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Ảnh: Nghĩa Đức

Việc này cũng khẳng định sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tại Phiên họp giả định, trẻ em được đóng vai, giả định mình là đại biểu Quốc hội, tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về các vấn đề quan trọng.

Hai chủ đề được lựa chọn lần này là Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Các ý kiến của đại biểu trẻ em nêu trong Phiên họp giả định sẽ được gửi đến lãnh đạo các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội.

Trước đó, Đoàn đại biểu trẻ em tiêu biểu toàn quốc tham dự phiên họp đã được giới thiệu, tìm hiểu thông tin cơ bản về Quốc hội, tập huấn các kỹ năng của Đại biểu Quốc hội và tiến hành sơ duyệt chuẩn bị cho Phiên họp giả định toàn thể.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu trẻ em tiêu biểu toàn quốc đã được thông tin về vị trí, vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, tiến hành tập huấn kỹ năng, cách thức sử dụng trang thiết bị tương tác tại Tòa nhà Quốc hội.

Đại biểu trẻ em sẽ đóng vai đại biểu Quốc hội để thảo luận, nêu ý kiến về những vấn đề nóng liên quan tới trẻ em. Ảnh: Nghĩa Đức

Giới thiệu về Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Hải Long cho biết, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Quốc hội có ba chức năng chính, bao gồm: Lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm. 60 ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong. Thông thường, Quốc hội Việt Nam họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể triệu tập phiên họp bất thường, hoặc khi Chủ tịch nước, Thủ tướng hay ít nhất 1/3 tổng số Đại biểu Quốc hội yêu cầu.

Tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Quốc hội thành lập các cơ quan chuyên môn gồm Hội đồng dân tộc và 9 Ủy ban.

Theo Dân trí
Copy Link
Mới nhất
x
Lần đầu tiên tổ chức phiên họp 'Quốc hội trẻ em' tại Hội trường Diên Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO