PV: Ông cha ta từng cho rằng: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, hay “Một kho vàng không bằng một nang sách”. Còn nhà văn nổi tiếng thế giới, đại thi hào Nga M.Gorki đã nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Qua những câu danh ngôn này, có thể hiểu như thế nào về vai trò của sách trong đời sống nhân loại, thưa ông?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Có thể nói, sách giữ một vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại. Sách cho ta kiến thức về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chỉ với những trang sách, thế hệ sau mới có thể hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, được kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh, hiện đại hơn.
Cùng với đó, sách chính là người thầy vĩ đại, có tác dụng lớn đối với việc giáo dục nhân cách con người. Mỗi cuốn sách đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, dạy cho chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Bởi khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm, khát vọng trong cuộc sống và trong mọi mối quan hệ xã hội, để từ đó giúp người đọc hiểu, cảm nhận và thay đổi chính mình.
Ngoài ra, sách còn giúp chúng ta có được những phút giây thư giãn thật thoải mái và hiệu quả, mang lại cho ta những tiếng cười sảng khoái và hữu ích. Ngoài ra, những cuốn sách hay còn đưa ra những lời khuyên bổ ích và cách thức vượt qua áp lực, mệt mỏi để sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Vì thế, đọc sách là một trong những hoạt động có vai trò quyết định sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách của một cá nhân, một cộng đồng và của toàn xã hội. Việc đọc sách khi đạt đến một chuẩn mực nhất định và chuẩn mực ấy được lan tỏa, phát triển, trở thành phổ biến trong cộng đồng thì khi ấy người ta gọi là “văn hóa đọc”.
PV: Những năm qua, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cho toàn cộng đồng xã hội, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này? Hằng năm ở Nghệ An có những hoạt động nổi bật nào hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Ngày 24/2/2014, Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam. Việc chọn ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vào ngày này, năm 1927, cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam, được ra mắt. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại.
Đến năm 2021, Ngày sách Việt Nam được đổi tên là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và phát triển bản thân.
Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, những năm qua, trên địa bàn Nghệ An đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức quyên góp sách để trao tặng cho các tủ sách thuộc các huyện miền núi khó khăn; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cấp thẻ miễn phí cho học sinh đến tham quan tại Thư viện tỉnh; tổ chức trưng bày, triển lãm sách, xếp mô hình sách nghệ thuật; tổ chức Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách và kể chuyện theo sách cho học sinh các trường; phục vụ sách luân chuyển và phục vụ xe thư viện lưu động tại các điểm trường học trên địa bàn tỉnh…
PV: Thời gian qua, phong trào đọc sách nói chung và hoạt động thư viện nói riêng ở Nghệ An có những chuyển biến nào đáng chú ý, thưa ông?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa nói chung và Thư viện nói riêng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đã ban hành kịp thời các luật, chỉ thị, đề án nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển. Đối với hệ thống thư viện công cộng, từ khi Pháp lệnh Thư viện ra đời nay là Luật Thư viện, các ban ngành liên quan đã ban hành nhiều nghị định, thông tư… chỉ đạo, hướng dẫn cho hệ thống thư viện phát triển đúng hướng.
Trong đó, Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 567/KH-UBND ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là những đòn bẩy tạo đà cho hệ thống thư viện công cộng Nghệ An thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình để phát triển phòng đọc sách nói chung và các hoạt động thư viện nói riêng. Tất cả những văn bản đó tạo điều kiện thuận lợi cho các thư viện được đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí cho các hoạt động, cho phong trào đọc sách nhiều hơn nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thời gian qua, thư viện tỉnh Nghệ An đã cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các dịch vụ, mô hình phục vụ nhằm thu hút bạn đọc như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo trong thư viện; tổ chức các Cuộc thi Tuyên truyền giới thiệu sách, Kể chuyện theo sách, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc từ cấp huyện đến cấp Trung ương; luân chuyển sách đến các phòng đọc cơ sở và xây dựng nhiều thư viện, tủ sách cơ sở nhằm phát triển phong trào đọc sách, đặc biệt phát huy vai trò xe “thư viện lưu động” phục vụ tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường.
Từ những bước chuyển đó, Thư viện tỉnh Nghệ An và hệ thống thư viện cơ sở trong toàn tỉnh đang dần khẳng định được vị thế là một trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường – mái nhà chung thân thiện, gần gũi với bạn đọc và cộng đồng. Với sự dịch chuyển và đa dạng các hoạt động cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Thư viện tỉnh ngày càng thu hút được nhiều bạn đọc hơn, nhiều người biết đến Thư viện hơn. Hằng năm, chúng tôi thu hút được hàng vạn lượt bạn đọc và hàng triệu lượt luân chuyển sách, báo, tạp chí.
PV: Trong quá trình gắn bó với công tác thư viện, ông có thể chia sẻ một số câu chuyện hay, một vài kỷ niệm đáng nhớ về việc lan tỏa văn hóa đọc?
Ông Nguyễn Vinh Quang: So với nhiều cán bộ khác tại Thư viện tỉnh, thời gian gắn bó với công tác thư viện của tôi chưa phải là dài. Tuy nhiên, tôi cũng tích lũy cho mình không ít kỷ niệm đáng nhớ. Ví như trong quá trình phục vụ đọc sách tại Đội 10, Phân trại số 2, Trại giam số 3 đóng trên địa bàn huyện Tân Kỳ, một phạm nhân tên là Lê Ngọc Quý đã viết thư cho Ban Giám đốc và các cán bộ Thư viện tỉnh để bày tỏ sự cảm động, biết ơn vì sự phối hợp giữa Thư viện tỉnh và Trại giam số 3 đã đưa những cuốn sách hay đến với phạm nhân. Ý nghĩa nhân văn của những cuốn sách đã giúp những người lầm lỡ như anh Quý tự soi rọi lại bản thân, phấn đấu cải tạo tốt, sớm được hoàn lương để trở thành người có ích cho xã hội.
Một kỷ niệm thú vị khác là tại Thư viện tỉnh Nghệ An, một lần có một bác thương binh cao tuổi tên Thành đến tìm tập thơ “Vòng lá ngụy trang” của tác giả Hồng Dũng mà theo bác là trong đó có rất nhiều bài thơ hay viết về một thời hoa lửa hào hùng. Nhưng tại Thư viện tỉnh, cuốn sách này đã được bạn đọc mượn trước đó. Nhận thấy sự tha thiết của bác Thành, với sự liên kết và chia sẻ nguồn tài liệu, cán bộ thủ thư đã nhờ thư viện tỉnh bạn tìm và photo bài thơ cho bác. Trước tinh thần phục vụ nhiệt tình của cán bộ thư viện, bác Thành đã rất cảm động. Vài ngày sau đó, bác đã đến thư viện và đưa theo cùng một cây sáo trúc để thổi tặng cho các cán bộ nghe thay cho lời cảm ơn.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam chưa hình thành và xây dựng được chiến lược cụ thể và lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc. Việc đọc sách chủ yếu rơi vào các nhóm độc giả là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường có liên quan đến sách vở, tri thức. Mặt khác, nhóm người đọc ở thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn nhóm người đọc ở miền núi và nông thôn.
Tuy vậy, sự phát triển của khoa học, công nghệ đã tạo điều kiện cho xuất bản số phát triển. Nhờ có công nghệ, các ấn phẩm xuất bản nhanh hơn, tiếp cận bạn đọc dễ dàng hơn. Người đọc đã tiến gần hơn với sách thông qua các trang web, ứng dụng trên thiết bị thông minh. Bên cạnh đó, hiện nay trên internet có nhiều diễn đàn đọc sách, chia sẻ, giới thiệu sách, thu hút hàng triệu người tham gia. Ngoài ra, hầu hết những nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, hoạt động xã hội, giáo dục đều có tài khoản trên mạng xã hội. Họ tham gia vào đời sống văn hóa đọc bằng việc giới thiệu kinh nghiệm, trải nghiệm đọc của mình, qua đó truyền cảm hứng, lan tỏa đến công chúng.
Theo tôi, để phát triển văn hóa đọc trong thời đại số hiện nay, cần đẩy mạnh chuyển đổi số hệ thống thư viện để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc; phát triển loại hình chuyển phát nhanh, mang sách đến với vùng sâu vùng xa góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa đọc thông qua các không gian phù hợp như các quán cà phê sách, các thư viện tư nhân…; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ cho thư viện và các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường giới thiệu sách trên các nền tảng mạng xã hội giúp bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm và đọc.
Đối với tầng lớp thanh thiếu nhi, việc đọc cần sự định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường ngay từ khi các em còn nhỏ, trong đó cần chú trọng tuyên truyền, định hướng cho việc đọc sách trên mạng và hình thành văn hóa đọc sách trên mạng một cách kịp thời, chuẩn xác, hiệu quả. Các nhà trường cần xây dựng thói quen đọc, kỹ năng đọc sách cho học sinh như một môn học cần thiết ở các cấp học.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!