Láng giềng lao đao vì dịch bệnh, Trung Quốc kiểm soát Covid-19 như thế nào?

Theo Vũ Hoàng (vnexpress.net)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
Dù giáp Ấn Độ, Trung Quốc gần đây không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào, nhờ xét nghiệm diện rộng và cách ly nghiêm ngặt người nhập cảnh.

Trung Quốc ngày 6/5 ghi nhận 5 ca Covid-19 mới, giảm từ 7 ca so với một ngày trước đó và tất cả đều là các ca nhập khẩu hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài. Số trường hợp nhiễm virus tại nước này gần đây duy trì ổn định ở mức thấp và không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến ngày 5/5, Trung Quốc báo cáo ít nhất 18 ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh từ Ấn Độ hoặc có liên quan đến công dân Ấn Độ. Theo một nguồn tin giấu tên từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC), Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục chứng kiến thêm các ca Covid-19 mới từ nước láng giềng Ấn Độ, song khả năng chúng tạo ra khủng hoảng lây nhiễm là rất thấp bởi những quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt do Chính phủ ban hành.

Người dân Trung Quốc xếp hàng thăm Vạn Lý Trường Thành dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động vừa qua. Ảnh: Reuters.
Người dân Trung Quốc xếp hàng thăm Vạn Lý Trường Thành dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động vừa qua. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc yêu cầu toàn bộ người nhập cảnh phải xuất trình hai kết quả xét nghiệm âm tính, gồm PCR và xét nghiệm kháng thể, được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi tới nước này.

Với những người mới xin visa, họ cần được tiêm hai liều vaccine Covid-19 ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hôm 20/4 xác nhận người nhập cảnh có thể tiêm vaccine của Trung Quốc, cũng như các loại vaccine Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson.

Họ phải xin visa từ trước và xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng cũng như kết quả xét nghiệm âm tính khi tới Trung Quốc. Những người này được kiểm dịch một lần nữa tại sân bay. Những người không qua được khâu kiểm dịch này sẽ được đưa tới khu cách ly tập trung của Chính phủ.

Tất cả những người nhập cảnh sẽ phải cách ly trong 14 hoặc 21 ngày, tùy khu vực. Họ có thể được cách ly tại cơ sở tập trung của chính phủ, hoặc cách ly tại nhà.

Wang Bin, một quan chức cấp cao tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết, ủy ban yêu cầu tất cả người từ nước ngoài đến phải thực hiện xét nghiệm PCR trong thời gian cách ly. Vào ngày thứ 14 của thời gian cách ly, họ cần được xét nghiệm PCR từ ít nhất hai cơ sở để đảm bảo tính chính xác.

Sau khi hoàn thành cách ly tại các cơ sở tập trung, người về từ nước ngoài hay khách quốc tế cũng được yêu cầu tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày nữa, thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết khi ra khỏi nhà và tránh tụ tập đông người.

Theo Wang, những người này cần tiếp tục làm xét nghiệm PCR khi kết thúc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà và sau đó một tuần. Bà lưu ý thêm rằng nếu họ xuất hiện những triệu chứng như sốt hoặc ho đều phải đi khám ngay lập tức.

Các trung tâm cách ly được áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, đội ngũ nhân viên tại đây cũng luôn phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp này.

Ngoài ra, nhà chức trách còn thường xuyên tiến hành xét nghiệm PCR và khử trùng bề mặt thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là đối với các bao bì thực phẩm bảo quản lạnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây truyền Covid-19 theo con đường này.

Trung Quốc cũng đang thúc đẩy chiến dịch tiêm các loại vaccine tự phát triển. Nước này đến nay đã tiêm được 280 triệu liều vaccine Covid-19, tương đương 20 liều trên 100 người.

Nhờ chính sách cách ly, xét nghiệm nghiêm ngặt, kết hợp với chiến dịch tiêm chủng, Trung Quốc đến nay kiểm soát tương đối tốt Covid-19. Tâm lý lo âu không còn hiện hữu quá nhiều, người dân gần đây đổ đến các địa điểm tham quan, du lịch trên khắp cả nước. Chính phủ cũng khuyến khích người dân tăng chi tiêu cho du lịch nhằm kích thích nền kinh tế phát triển.

Dịp nghỉ dài ngày nhân Tết Nguyên đán Tân Sửu hồi đầu năm, nhà chức trách Trung Quốc vẫn khuyến cáo người dân tránh thực hiện các chuyến đi không cần thiết do một đợt bùng phát dịch ở khu vực phía Bắc. Nhưng nay, những khuyến cáo như vậy không còn tồn tại trong dịp nghỉ 5 ngày nhân Quốc tế Lao động bắt đầu từ hôm 1/5.

Một nhà phân tích du lịch dự đoán nhu cầu du lịch sẽ "bùng nổ", có thể còn vượt quá cả mức trước dịch. Nhiều địa điểm nổi tiếng của thủ đô Bắc Kinh như Tử Cấm Thành hay Vạn Lý Trường Thành trở nên đông đúc. Trong khi đó, vé vào Bảo tàng Cố cung đã được bán hết cho đến ngày 6/5.

Các rạp chiếu phim cũng không kém phần nhộn nhịp khi hàng chục bộ phim mới được phát hành, đưa doanh thu phòng chiếu dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động lên 232 triệu USD, tính đến sáng 5/5, ngày nghỉ lễ cuối cùng. Con số này bằng với doanh thu trong 4 ngày nghỉ lễ cùng kỳ năm 2019.

Nhu cầu tham quan, du lịch, đi lại nội địa gia tăng trong 5 ngày lễ là điều mà nhà chức trách Trung Quốc đã đoán trước khi mà các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong nước hiện tại đều được nới lỏng đáng kể và việc du lịch nước ngoài vẫn chưa được nối lại.

Người dân tham quan công viên Disneyland Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.
Người dân tham quan công viên Disneyland Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.

Tuần trước, Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính du khách sẽ thực hiện khoảng 256 triệu chuyến đi trên khắp đất nước, bằng với mức trước dịch. Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc hôm 3/5 đón hơn 13,7 triệu lượt khách, cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Giới phân tích cho rằng người dân Trung Quốc háo hức muốn di chuyển, thăm thú trong kỳ nghỉ lễ này bắt nguồn từ thái độ ủng hộ của chính quyền cũng như việc đất nước đã kiểm soát hiệu quả đại dịch.

"Từ năm ngoái, chúng tôi đã dự báo nhu cầu du lịch bùng nổ trong năm nay và có thể còn cao hơn năm 2019", nhà phân tích Fang Zexi từ trung tâm nghiên cứu của nền tảng dịch vụ du lịch Trip.com cho hay.

Bất chấp những tín hiệu tích cực, Wu Zunyou, Trưởng ban dịch tễ học tại CDC Trung Quốc, vẫn khuyến cáo người dân chú ý vệ sinh cá nhân và tránh tụ tập đông người. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine, lưu ý rằng các phản ứng phụ rất hiếm khi xảy ra.

"Tình hình Covid-19 trong nước tương đối tốt và không có ca lây nhiễm cộng đồng nào. Nhưng tình hình toàn cầu nghiêm trọng hơn rất nhiều, đặc biệt là ở một số nước châu Á. Nó nhắc nhở chúng ta về áp lực rất lớn trong nỗ lực ngăn chặn các ca nhiễm nhập khẩu", Wu hồi giữa tuần trước nói tại một cuộc họp báo.

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.