Làng học Bắc Sơn
(Baonghean) - Làng Bắc Sơn (gồm 2 xóm Bắc Sơn 1 và Bắc Sơn 2 thuộc xã Bắc Thành, huyện Yên Thành) ẩn mình dưới chân Rú Gám, có truyền thống hiếu học nổi tiếng. Dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân ở đây đều cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con em được đến trường, thế hệ này qua thế hệ khác, nối tiếp nhau phấn đấu học tập làm nên truyền thống hiếu học ấy.
Thầy giáo già dạy tiếng Anh miễn phí
Lớp học tiếng Anh miễn phí tại xóm Bắc Sơn 2, do thầy giáo làng Hoàng Danh Vực, 68 tuổi tổ chức. Từng là giảng viên Trường Đại học Vinh, sau thầy xin chuyển về công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Yên Thành và làm Giám đốc Trung tâm cho tới lúc về hưu.
Thầy Vực chia sẻ: “Tiếng Anh ngày càng trở nên quan trọng nhất là trong môi trường hội nhập như hiện nay. Nó không chỉ giúp các em có thành tích học tập tốt và giúp các em cơ hội lựa chọn nghề nghiệp và thành công trong cuộc sống. Vì vậy tôi muốn giúp các em ý thức được vai trò của môn tiếng Anh, cũng như tạo điều kiện để các em củng cố, nâng cao kiến thức”.
Lớp học tiếng Anh miễn phí của thầy Hoàng Danh Vực ở làng Bắc Sơn, xã Bắc Thành (Yên Thành). |
Từ những trăn trở đó, lớp tiếng Anh miễn phí của làng được hình thành. Vào dịp hè, học sinh có thời gian rảnh nên thầy tổ chức thành 2 lớp, học vào các buổi chiều. Số lượng học sinh theo học đông, một mình thầy không đảm đương được nên thầy phối hợp cùng giáo viên khác ở làng để việc giảng dạy có hiệu quả. Bước vào năm học mới này, do các em tập trung thời gian học tập ở trường nên hiện chỉ duy trì 1 lớp cho học sinh lớp 6 và lớp 7.
Làng “trăm nhà giáo”
Trải qua mấy trăm năm, làng Bắc Sơn phát triển trù phú, giàu bản sắc. Ông Hoàng Danh Vinh, Xóm trưởng xóm Bắc Sơn 2 cho biết, sự học ở làng từ xưa đã được đặc biệt quan tâm. Trên các xứ đồng hoặc trong làng đều có tên gọi gắn liền với sự học như “ao cầu khoa”, “đìa nghiên bút”.
Trong gia phả họ Ngô, họ Hoàng đều ghi trang trọng “cụ Tú Cả”, “cụ Tú Hai”... Hiện cả làng Bắc Sơn có trên 150 người con làm nghề giáo ở khắp nơi trên cả nước. Có thể nói, đó là truyền thống của nhân dân ở làng. Có những gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề giáo, như gia đình PGS.TS Ngô Sỹ Tùng, gia đình thầy Ngô Xuân Lập…
Thư viện tỉnh Nghệ An trao sách cho tủ sách làng Bắc Sơn. |
Đức tính hiếu học của dân làng Bắc Sơn xuất phát từ một vùng đất chiêm trũng vốn nghèo đói, cuộc sống phụ thuộc vào củ khoai, hạt lúa. Người dân khao khát con cái mình thoát nghèo, làm nên sự nghiệp bằng con chữ, nên dù khó khăn đến đâu họ cũng cố gắng để con em được tới trường.
Để tiếp sức cho các thế hệ học sinh đến trường, công tác khuyến học của làng nay luôn được chú trọng. Hằng năm, học trò ở làng Bắc Sơn đều đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên học tốt đều được biểu dương, tặng quà khuyến khích. Năm học vừa qua, quà khuyến học 2 xóm tặng cho các cháu trị giá gần 4 triệu đồng. Việc học của các cháu còn được các dòng họ đặc biệt quan tâm. Làng có các dòng họ lớn như họ Hoàng, họ Ngô, họ Phan, họ Nguyễn đều có quỹ khuyến học trên 10 triệu/năm.
“Ông Lạc tủ sách”
Như đã hẹn trước, chúng tôi trở lại nhà văn hóa gặp ông Nguyễn Văn Lạc, người thành lập tủ sách của làng được người dân gọi thân thiện là “ông Lạc tủ sách”. Tủ sách được thành lập năm 2010, nằm trong khuôn viên nhà Văn hóa xóm Bắc Sơn 2.
Ông Lạc nguyên là Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành. Ông vừa loay hoay bên chồng sách độc giả vừa trả, vừa nói với chúng tôi: “Khi đang công tác, tôi thường xuyên đi kiểm tra hoạt động của hệ thống thư viện ở các xã và nhận thấy hoạt động của các thư viện không mang lại hiệu quả, bởi tâm lý người dân đến xã mượn sách khá e dè, nhất là các em học sinh. Mặt khác, địa bàn một số xóm, làng cách xa trung tâm hành chính xã, nên việc đi lại không thuận tiện, tiền mua sách lại phụ thuộc vào nguồn của cấp trên nên gặp nhiều khó khăn. Khi về nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi, tôi thấy các cháu học sinh đi thuê sách ở của hàng sách gần nhà khá đắt, mà lượng sách không phong phú nên tôi xin ý kiến của chi bộ và được nhân dân đồng tình ủng hộ để lập tủ sách”.
Gần 5 năm qua, cứ mỗi chiều thứ Năm và Chủ Nhật, ông Lạc lại mở tủ sách phục vụ độc giả, không đòi hỏi tiền công, ông chỉ mong con cháu trong làng chăm chỉ học hành để xứng đáng với mong mỏi của các bậc làm cha làm mẹ, mang lại tự hào cho cả làng. Hiện tủ sách có gần 2.000 cuốn đủ các thể loại văn học, nghệ thuật, pháp luật, du lịch, sách nâng cao, Phật pháp… ông Lạc cho biết, đó là thành quả của quá trình vận động nhân dân, con em trong làng làm ăn ở khắp nơi đóng góp xây dựng.
Lúc mới thành lập, các đồng chí đảng viên trong làng góp tiền mua 1 tủ đựng sách, UBND xã cấp 47 cuốn, nhân dân trong làng góp thêm được một số quyển. Sau đó ông tự tìm cách vận động mọi người đóng góp. Tôi khá bất ngờ bởi ở tuổi này, ông Lạc dùng cách đưa hình ảnh tủ sách lên mạng xã hội facebook để giới thiệu. Nhờ đó, con cháu trong làng làm ăn ở khắp nơi biết và đóng góp xây dựng tủ sách. Cũng bằng cách làm này, hàng tháng ông công khai danh sách những người ủng hộ xây dựng tủ sách để mọi người biết.
Nhờ lượng sách đa dạng nên bà con nhân dân thường xuyên đến tìm đọc để nắm bắt thêm kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các bà nội trợ thì đọc sách hướng dẫn nấu ăn… Mỗi khi có người đóng góp sách mới, ông lại mở loa truyền thanh thông báo cho bà con để mọi người biết và đến đọc nếu có nhu cầu.
Bài, ảnh: Lan Thái
TIN LIÊN QUAN |
---|