Làng khoa bảng ở Nghệ An làm du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Hiếm có một vùng quê nào lại có nhiều người đỗ đạt thành danh và có nhiều di tích được xếp hạng như xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Nắm bắt lợi thế đó, gần đây địa phương này đã tiên phong phát triển du lịch, với những tour du lịch mang nhiều ý nghĩa.

Quảng bá tinh thần hiếu học

Ngày cuối tháng 2, chúng tôi có dịp ghé thăm xã Quỳnh Đôi. Ngay trước cổng làng bề thế là những chiếc ôtô chở khách du lịch đang đậu sẵn. Trên cổng làng được treo chi chít hình ảnh những con cá, biểu tượng “cá chép vượt vũ môn”.

Sau cánh cổng làng, di tích đầu tiên chính là nhà thờ và lăng mộ của Hoàng giáp - thượng thư Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích. Bên trong, hàng trăm con cá làm bằng gỗ cũng được treo trang trọng. Một đoàn khách du lịch khá lớn tuổi đến từ Hà Nội đang chăm chú nghe hướng dẫn viên du lịch kể về tích “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ” của ông Hồ Phi Tích. Câu chuyện này được dựng lại thành tiểu phẩm, nhằm hút khách du lịch, là sản phẩm trong tour "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang".

bna-a2-2497.jpg
Tiểu phẩm “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ” được biểu diễn tại nhà thờ Hồ Phi Tích. Ảnh: Nhật Thanh

Niềm nở đón khách tham quan, ông Hồ Phi Sinh (85 tuổi) cho biết, ông là hậu duệ đời thứ 7 của Quận công Hồ Phi Tích. Nhiều năm nay, ông làm nhiệm vụ trông coi nhà thờ này. Đây cũng là di tích quốc gia đã được xếp hạng, cũng là nơi các diễn viên không chuyên của xã Quỳnh Đôi trình diễn lại tích “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ” để phục vụ du khách.

Câu chuyện kể về Hồ Phi Tích đi thuê trọ để học tập đợi ngày khoa cử. Trong thời gian thuê nhà, bà chủ nhà thấy Hồ Phi Tích ngày ngày chỉ đặt cơm trắng và xin thêm bát nước mắm mà không có thức ăn. Mỗi bữa ăn, Hồ Phi Tích lấy từ trong tay nải ra một con cá được nướng vàng ươm và đặt lên đĩa, sau đó mới ăn cơm. Cuối cùng, bà chủ nhà phát hiện ra đó chỉ là con cá bằng gỗ. Hồ Phi Tích nhìn vào đó để tưởng tượng mỗi bữa ăn cơm đều có cá. Nghèo khó nhưng nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, Hồ Phi Tích cuối cùng đã thi đỗ làm quan.

“Đưa câu chuyện này vào du lịch cũng là một cách mà làng chúng tôi quảng bá sự hiếu học trong suốt nhiều đời qua. Phía sau thành công, đỗ đạt trong thi cử là nỗ lực, vượt khó vươn lên”, ông Sinh nói.

bna-a5-5547.jpg
Hậu duệ đời thứ 7 của Quận công Hồ Phi Tích bên những con cá gỗ treo tại nhà thờ. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng như nhiều người làng Quỳnh Đôi khác, ông Sinh tự hào về truyền thống khoa bảng của ông cha, là nơi sinh ra những bậc hiền tài xuất chúng, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Cũng chính vì thế, Quỳnh Đôi lâu nay còn được gọi với cái tên “Làng khoa bảng”, nổi danh với câu nói “Bắc Hà có Hành Thiện – Hoan Diễn có Quỳnh Đôi”.

Theo thống kê của lãnh đạo xã Quỳnh Đôi, tính từ năm 1378 đến 1918 khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh có đến 734 người đậu tú tài và cử nhân. Trong đó có 88 người thi Hội trúng tam trường; 4 phó bảng, 7 tiến sỹ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa…

Tiêu biểu là ông Hồ Sỹ Dương với 3 lần đậu giải Nguyên, đỗ thứ 2 Đông các; nữ sĩ Hồ Xuân Hương Bà chúa thơ nôm thế kỷ thứ 18; chí sĩ Phạm Đình Toái…, ở đây hầu như dòng họ nào cũng có người đậu đạt. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến nay toàn xã đã có trên 1.000 người tốt nghiệp đại học và trên đại học, có trên 300 người đang theo học và giảng dạy trên 28 trường đại học khắp cả nước, trong đó có 52 thạc sĩ, 55 tiến sĩ, có 16 phó giáo sư, 5 giáo sư, 3 viện sĩ khoa học quốc tế, hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, văn nghệ sĩ.

Quỳnh Đôi chỉ là vùng quê nhỏ bé, hiện chỉ có khoảng 5.000 hộ dân, nhưng nơi đây đã sinh ra 5 người từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị. Ngoài ra, Quỳnh Đôi còn có 9 người từng là đại biểu Quốc hội, 31 Tỉnh ủy viên trong đó 11 người từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, hoặc Phó Bí thư Khu ủy, Tỉnh ủy; 5 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 15 người là Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, có 8 Bí thư Huyện ủy, 2 Phó Bí thư Huyện ủy, 3 Chủ tịch UBND huyện, quận…

bna-a4-2005.jpg
Các hướng dẫn viên du lịch đều là người dân Quỳnh Đôi, vừa được xã đưa đi đào tạo ngắn hạn về. Trong ảnh là nhóm du khách đến từ Hà Nội tại Bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan. Ảnh: Tiến Hùng

Khát vọng làm du lịch

Cạnh Di tích thờ Quỳnh Quận Công trong làng Quỳnh ngày nay là cụm bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, lăng mộ nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan. Cách cụm di tích không xa là đền Thần thờ Thành hoàng làng, giếng cổ Bà Cả gắn liền hình ảnh gánh nước trượt chân của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tại đây du khách có thể mặc thử trang phục xưa, gánh nước nồi đất và tái hiện cảnh Hồ Xuân Hương lấy nước…

Theo ông Hồ Sỹ Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi, ý tưởng làm du lịch được Đảng ủy xã nêu lên từ nhiệm kỳ trước, nhưng phải đến nhiệm kỳ này mới đưa vào nhiệm vụ trọng tâm. “Đến năm 2023, được sự hỗ trợ từ một người con Quỳnh Đôi sinh sống ở Hà Nội, xã chúng tôi quyết định triển khai các tour du lịch để quảng bá đất và người, lịch sử của làng”, ông Hưng nói và cho hay, năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đến khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương này từng bước nghiên cứu, đánh giá tài nguyên và thống nhất các ý tưởng, các bước triển khai...; từ đó, những nét du lịch ở làng Quỳnh dần được hình thành.

Đến trung tuần tháng 12/2023, tour du lịch “Làng Cá Gỗ - sau ánh hào quang” chính thức ra mắt. Ngoài tiểu phẩm “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”, ngay tại cổng làng Quỳnh Đôi, khi du khách tới còn được xem tiểu phẩm “Người đã về đây”. Đây là tiểu phẩm tái hiện lại cảnh năm 1903, Bác Hồ cùng anh trai được cụ Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo, ghé thăm và ở lại làng Quỳnh Đôi một thời gian…

bna-a1-5092.jpg
Tiểu phẩm "Người đã về đây" được biểu diễn ở cổng làng Quỳnh Đôi: Ảnh: Hồ Vỹ
bna-a3-7628.jpg
Giếng cổ Bà Cả gắn liền hình ảnh gánh nước trượt chân của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Nhật Thanh

Không chỉ được xem những tiểu phẩm này, các du khách khi đến làng Quỳnh Đôi còn có thể ghé thăm hàng loạt di tích khác. Có lẽ hiếm có xã nào lại có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như ở Quỳnh Đôi. Mảnh đất nhỏ nhưng hiện có đến 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích lịch sử cấp tỉnh. Có thể kể đến như đền Thần, đình làng, nhà thờ họ Hồ, nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, đền thờ Hoàng Khánh, đền thờ Quận công Hồ Sỹ Dương, nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích, nhà thờ họ Dương. Đặc biệt là cụm Di tích Quốc gia nhà thờ và mộ cụ Hồ Tùng Mậu nhà hoạt động cách mạng tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, cùng nhiều công trình gắn liền với sự kiện, tên tuổi của những con người Quỳnh Đôi đã đi vào lịch sử của dân tộc như bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bia tưởng niệm Anh hùng Quân đội Cù Chính Lan, đài tưởng niệm các liệt sĩ 1930 - 1931, vườn Xô Viết.

Cũng theo ông Hồ Sỹ Hưng, trước khi triển khai các tour du lịch, xã đã vận động xã hội hóa được 500 triệu đồng để có kinh phí trang trí các di tích, tổ chức các chương trình… Ngoài ra, xã còn cử 10 người đi học lớp làm hướng dẫn viên du lịch. Sau khóa học, chỉ có 4 người đáp ứng tiêu chí và được chọn.

“4 người hướng dẫn viên du lịch đó đều là con em trong xã. Người thì đang là bí thư chi bộ thôn, người là nông dân. Hiện tại thì họ vẫn chưa được trả lương, mà thu nhập dựa vào tiền “bo” của khách du lịch. Đợt đầu, du khách đến xem miễn phí, nhưng gần đây chúng tôi đã bắt đầu tính phí”, ông Hưng kể và cho hay, hiện nay mỗi du khách đến tham quan, xem các tiểu phẩm và được hướng dẫn viên du lịch thuyết minh chỉ tốn từ 50.000 đến 100.000 đồng.

“Do mới bắt đầu làm du lịch nên các sản phẩm có thể vẫn còn đơn điệu. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến giới thiệu nhiều sản phẩm khác. Trong đó có những sản phẩm du lịch về đêm, như các chương trình ca nhạc, dân ca ví, giặm”, ông Hưng nói thêm.

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.