Làng mò cua

26/11/2016 15:51

(Baonghean.vn) - Buổi trưa hay chiều muộn, đi dọc Quốc lộ 7, ta bắt gặp từng đoàn xe máy nối nhau về xuôi, cả 'xế' lẫn 'ôm' đều mang theo xô nhựa bên mình. Đó chính là người dân Yên Thành đi bắt cua trở về. Công việc này từ lâu đã trở thành kế sinh nhai của không ít người dân vùng lúa.

f
Người dân Yên Thành đi bắt cua trên ruộng ở Đô Lương.

Ở Yên Thành, gần như xã nào cũng có người đi bắt cua về bán, nhưng tập trung nhiều nhất ở các xã Mỹ Thành, Khánh Thành… đặc biệt là xã Công Thành có hàng trăm người dân gắn bó với nghề bắt cua. Họ chọn đi bắt cua để mưu sinh bởi đây là công việc dễ làm, không phải đầu tư vốn liếng mà chỉ cần chịu khó, chăm chỉ mò mẫm, nhặt nhạnh ngoài đồng là có thể kiếm ra tiền.

Bắt cua đồng có nhiều cách (nhặt giữa ruộng, móc trong hang…), tùy vào thời điểm, có thể bắt ban ngày hay ban đêm, bắt đồng xa hay đồng gần. Hàng ngày, những người đi bắt cua đồng xa thức dậy từ 4h sáng. Họ thường hẹn trước khoảng 5 - 6 người cùng đi làm một nhóm, để hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết. Dụng cụ bắt cua đơn giản, chỉ là cái xô nhỏ, chiếc bì xắc rắn và một thanh tre vót nhọn. Tranh thủ đi làm sớm, họ ít khi ăn sáng ở nhà mà thường đến các quán ven đường 7 mua một ít bánh chưng mang ra ruộng để ăn.

Phương tiện và dụng cụ bắt cua đồng của người dân Công Thành (Yên Thành).

Từ Yên Thành, người bắt cua tỏa khắp các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ... Tính quãng đường đi và về của họ mỗi ngày khoảng 100 - 130 km. Họ thường “hành nghề” trên các cánh đồng ở Đô Lương là chủ yếu, những ngày cua được giá mới đi xa hơn, theo đường Hồ Chí Minh đến các xã ở Tân Kỳ, như: Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng…

Bắt cua đêm thường không đi xa lắm, ngoài những dụng cụ bình thường cần phải có đèn pin. Điều quan trọng là phải nạp đèn điện thật “no” để kéo dài thời gian bắt cua. Từ 18h họ bắt đầu ra đồng và kết thúc công việc lúc 22h kém. Nghề bắt cua đồng phải đi sớm về muộn, lọ mọ cả đêm, thời điểm hiếm cua phải chạy đồng quang sang đồng rậm. Ngoài chuyện gió rét, nắng, mưa, nhiều khi còn phải tiếp xúc với hóa chất như thuốc trừ sâu, trừ cỏ hay rắn rết. Cực nhất là phải móc cua trong hang toét cả tay. Đôi tay của người đi bắt cua thường chằng chịt những vết rách, xước, đôi lúc còn bị cua kẹp sưng phồng…

Thành quả sau một buổi mò cua.

Mỗi buổi bắt cua, thường sáng đi trưa về, mỗi người cũng kiếm được chừng 3 - 5 kg cua, nếu bắt cả ngày thì được nhiều hơn. Đi bắt cua ở huyện nào thì bán cua cho điểm thu mua ở huyện đó trước lúc ra về. Giá cua hiện thời là 35 000 đồng/kg, lúc cao điểm 90.000/kg. Trừ tiền xăng xe, mỗi người cũng kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng/buổi.

Một điểm thu mua cua đồng ở Đô Lương.

Tầm 11h trưa, trên Quốc lộ 7 từng đoàn xe máy của những người đi bắt cua Yên Thành sẽ lần lượt ra về, ai nấy quần áo lấm lem.

Có mặt ở xóm Sơn Long - “xóm cua” nổi tiếng ở xã Công Thành, khi những người làm nghề ở đây đã kết thúc một buổi làm việc. Bà Nguyễn Thị Sen (50 tuổi) người có thâm niên hàng chục năm trong nghề bắt cua chia sẻ: “Bắt cua tuy khó nhọc nhưng không phải lo nghĩ. Làng này, nhiều nhà nhờ cua mà kiếm được đồng vô đồng ra, có tiền trang trải cho con cái ăn học, mua được phân đạm, giống má phục vụ sản xuất”.

Một phụ nữ đang bắt cua “mà” (hang).
Một phụ nữ đang bắt cua “mà” (hang).

Xóm Sơn Long hiện có 87 hộ dân thì hơn 50 hộ thường xuyên đi bắt cua bốn mùa quanh năm, chỉ trừ những lúc mưa to, gió bão. Người lớn thường đi bắt cua đồng xa, bắt cả đêm, còn trẻ em do đang bận học hành nên thường bắt cua đồng gần. Tiêu biểu có các hộ: Trần Khắc Miền, Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Văn Linh… Đặc biệt là hộ ông Nguyễn Văn Mến, có 8 người ăn, từ nghèo khó, thiếu đói mà nhờ bắt cua đã trở nên khấm khá, no đủ, xây dựng được nhà cửa đàng hoàng, mua sắm được nhiều thứ tiện nghi đắt tiền.

D
Người dân bắt cua trên đường về Yên Thành dọc Quốc lộ 7.

Nhiều người dân xã Công Thành cho rằng, sau những năm chăn nuôi lợn vất vả, đem lại lợi nhuận không nhiều, lại ô nhiễm môi trường, không ít gia đình đã “trở quẻ” đi bắt cua và gắn bó lâu dài với nghề này. Bắt cua đồng đang là kế sinh nhai của không ít người dân ở xóm Sơn Long, Tân Long, Công Luận./.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Làng mò cua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO