Làng nghề mây tre đan "sống dở chết dở"

14/04/2017 09:47

(Baonghean) - Trong khi phía doanh nghiệp xuất khẩu hàng mây tre đan thiếu sản phẩm, phải chấp nhận cắt đơn đặt hàng, thì nhiều làng nghề mây tre đan (MTĐ) trên địa bàn tỉnh đang “sống dở”, người lao động không mặn mà với nghề.

Chán nghề vì thu nhập thấp

Đến làng nghề MTĐ xuất khẩu Đông Phú, xã Khánh Thành (Yên Thành) khi bà con đang dịp nông nhàn. Khi đề cập đến nghề MTĐ ở đây, thì bà Phan Thị Oanh - Trưởng làng nghề, chia sẻ: Thời điểm nông nhàn, nhưng người làm nghề MTĐ phải đi làm việc khác hết, chỉ mình tôi là dành thời gian nhiều trong ngày để làm nghề mà thôi. Làng nghề thực sự đang mai một dần, nhân công ngày càng ít đi.

Bà Phan Thị Oanh - Trưởng Làng nghề mây tre đan xuất khẩu Đông Phú, xã Khánh Thành (Yên Thành) vẫn bám nghề. Ảnh: Xuân Hoàng
Bà Phan Thị Oanh - Trưởng Làng nghề mây tre đan xuất khẩu Đông Phú, xã Khánh Thành (Yên Thành) vẫn bám nghề. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến nhà bà Oanh, ở góc vườn là cỗ máy chuốt sợi lùng đã lâu ngày không được sử dụng. Vừa hoàn thiện chiếc lồng đèn, bà Oanh cho biết thêm: Hồi được công nhận làng nghề MTĐ (năm 2009) có 120 hộ làm nghề, nhưng nay chỉ còn 14 hộ theo nghề. Số lao động nghề MTĐ hiện nay chủ yếu là người già, sức khỏe có hạn, nên sản phẩm nhiều khi không đáp ứng yêu cầu và sản lượng ít. Nguyên nhân, những năm gần đây, nhiều công ty, đơn vị may mặc, gạch ngói… xuất hiện trên địa bàn, lực lượng lao động trẻ, vốn thu nhập thấp từ nghề MTĐ, bỏ đi làm công nhân cho các công ty, để lại người già bám trụ với nghề MTĐ.

Nói về thu nhập từ nghề MTĐ, bà Oanh cho biết: 10 kg lùng thô được Công ty TNHH Đức Phong cung ứng với giá 55.000 đồng, 1 người đan 2 ngày được 5 chiếc đèn, nhập cho công ty được 200.000 đồng, tính ra 1 ngày công chỉ hơn 50.000 đồng; thu nhập bình quân của làng nghề hiện chỉ đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đi làm công tự do ngay tại địa phương mỗi ngày cũng được 200.000 đồng. Một vấn đề nữa, là chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến làng nghề. Bà Oanh cho rằng, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ nghề hơn, thì nguy cơ mất nghề MTĐ là rất cao.

Thực trạng ở Làng nghề MTĐ xuất khẩu Đông Phú cũng là thực trạng chung đối với nhiều làng nghề MTĐ trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay.

Toàn tỉnh hiện có 44 làng nghề MTĐ, số lao động tham gia làng nghề 2.751 người, thu nhập bình quân đạt 15,5 triệu đồng/người/năm. Qua khảo sát cho thấy, trong đó, có 5 làng nghề yếu kém, gồm: Đà Lam (Đô Lương), Đông Phú, Bắc Vực, Liên Sơn và Thanh Sơn (Yên Thành); 8 làng nghề ngừng hoạt động: Xuân Thịnh, Quyết Thắng, Vạn Nam (Diễn Châu), Đồng Luyện, Trung Hậu, Ngọc Sơn A và Ngọc Sơn B, Sơn Mỹ (Quỳnh Lưu). Các làng nghề đã tạo việc làm cho 3.000 lao động tại các địa phương.

Cần một "bà đỡ"

Ông Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: Nhu cầu tiêu thụ hàng MTĐ của đơn vị là khá lớn, với thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng. Hiện, công ty đang xuất khẩu hàng MTĐ trực tiếp sang các nước như: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thủy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc... Sản phẩm chủ yếu là đèn, các loại khay, hộp quà tặng, hộp bao bì.

Công ty TNHH Đức Phong hiện có 16 làng nghề đang sản xuất hàng cho công ty, nhưng chỉ có 350 lao động, không thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nên công ty phải chấp nhận cắt hợp đồng một số thị trường. Ông Thái Đại Phong cũng công nhận là thu nhập của người lao động tại các làng nghề thấp. Nguyên nhân, đại đa số lao động chủ yếu là phụ nữ tuổi cao, làm việc chắp vá, năng suất lao động thấp, thời gian sản xuất không đáng kể.

Chiếc máy chẻ lùng phục vụ đan lát ở Làng nghề mây tre đan Đông Phú(Khánh Thành - Yên Thành) đã lâu không sử dụng. Ảnh: Xuân Hoàng
Chiếc máy chẻ lùng phục vụ đan lát ở Làng nghề mây tre đan Đông Phú (Khánh Thành - Yên Thành) đã lâu không sử dụng. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước thực trạng các làng nghề MTĐ đang “chết yểu”, phía Công ty TNHH Đức Phong cho rằng: Đối với vùng nguyên liệu, hiện nay các làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng nguyên liệu tre, lùng tại các huyện Quỳ Châu, Quế Phong. Tổng diện tích tre, lùng còn khoảng 29.000 ha, đủ để cung cấp cho các làng nghề sản xuất trong năm. Tuy nhiên, khâu chế biến nguyên liệu còn thiếu máy móc đồng bộ. Để nghề MTĐ phát triển, chính quyền địa phương và các cấp ngành cần khẩn trương tổ chức củng cố các làng nghề, đào tạo mới, tập huấn nâng cao tay nghề cho lao động ở các làng nghề.

Để tập trung giải quyết những khó khăn của làng nghề MTĐ hiện nay, quan điểm thực tế là nâng cao tay nghề cho người lao động, quy hoạch vùng nguyên liệu, chú trọng chất lượng, mẫu mã, nhãn mác, đầu tư công nghệ. Tăng cường sự vào cuộc của chính quyền địa phương và vai trò phối hợp của các đoàn thể các cấp trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề.

Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo việc chủ động thành lập các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp tại các làng nghề để làm “bà đỡ” cho các làng nghề.

Những tồn tại cơ bản trong phát triển làng nghề MTĐ ở Nghệ An: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm sâu sát đến phát triển làng nghề và làng có nghề; chưa bám sát quy hoạch phát triển làng nghề, làng có nghề của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, quy mô làng nghề còn nhỏ, phân tán, vốn đầu tư còn thấp, công nghệ lạc hậu. Lao động tại các làng nghề trình độ còn thấp, năng suất, chất lượng chưa cao, chưa có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi và thu nhập cũng còn thấp.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Làng nghề mây tre đan "sống dở chết dở"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO