Lắng nghe và chia sẻ để xây dựng trường học hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - “Yêu thương, an toàn và tôn trọng” đó là ba mục tiêu mà trường học hạnh phúc đang hướng tới.

Đặt trong bối cảnh học sinh đang chịu nhiều áp lực trong học tập như hiện nay, thì việc xây dựng trường học hạnh phúc là điều cần thiết để không chỉ giáo viên mà học sinh đều cảm nhận được “mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”...

Thầy cô hãy là bạn của học trò

12 năm các con học phổ thông nhưng chưa bao giờ những phụ huynh ở lớp 12D1 - Trường THPT Diễn Châu 3 lại nghĩ có ngày mình có thể mặc áo dài, mang comple, cà vạt đến trường cùng con để dự lễ khai giảng.

Dư âm đã qua gần nửa năm, nhưng bây giờ nhớ lại nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên chủ nhiệm và nhiều giáo viên khác trong nhà trường vẫn nhớ mãi hình ảnh xúc động đó.

Đó là một trải nghiệm đặc biệt với rất nhiều phụ huynh “chân lấm tay bùn”, quanh năm suốt tháng tất bật với mưu sinh, với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đồng hành với các con trong lễ khai giảng cuối cùng của tuổi học trò, các phụ huynh cũng đã được chứng kiến sự trưởng thành của các con, được thấy các hoạt động của con ở trường, ở lớp và nghe định hướng của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm về tương lai của các con.

Lễ khai giảng của học sinh Trường THPT Diễn Châu 3. Ảnh: NTCC

Lễ khai giảng của học sinh Trường THPT Diễn Châu 3. Ảnh: NTCC

Lễ khai giảng là ý tưởng và cũng là tâm huyết của cô giáo Chu Thị Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1. Ngoài hoạt động này, trong 3 năm chị làm công tác chủ nhiệm của lớp, chị đã tổ chức rất nhiều hoạt động để kết nối phụ huynh, học sinh và giáo viên, nhà trường, thông qua các buổi họp phụ huynh ở lớp, ở trường hoặc đôi khi ngắn gọn qua Zoom nếu có vấn đề đột xuất.

Năm học này, lần đầu tiên, phụ huynh của lớp đã có một buổi họp phụ huynh không thể nào quên khi lần đầu họ được đọc những bức thư, gửi gắm trong đó “điều con muốn nói” được chính giáo viên chủ nhiệm khuyến khích các học sinh viết để gửi đến cho bố mẹ của mình. Hay như với việc lập hộp thư “thay lời muốn nói”, học sinh trong lớp của cô sẽ có cơ hội để nói với giáo viên về những tâm tư, tình cảm cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập.

Phụ huynh lớp 12D1 dự lễ khai giảng và buổi gặp mặt phụ huynh đầu năm học mới. Ảnh: NTCC

Phụ huynh lớp 12D1 dự lễ khai giảng và buổi gặp mặt phụ huynh đầu năm học mới. Ảnh: NTCC

Để tạo cho học sinh sự tự tin, cô cũng đã thay đổi cách tổ chức lớp học khi tất cả các chương trình của lớp, học sinh được xây dựng ý tưởng, trực tiếp tổ chức và được đề xuất các nguyện vọng, mong muốn để học sinh có thể phát huy được năng lực sở trường của mình. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, thay vì chỉ yêu cầu, ra quy định, nội quy với học sinh cô học cách lắng nghe, chia sẻ và đồng hành với học sinh trong tất cả quá trình hoạt động.

Trước đây, giữa giáo viên và học sinh luôn luôn có khoảng cách. Nhưng, giờ đây khi được giao nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm, tôi chọn cách làm bạn với học trò, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu. Niềm vui của chúng tôi là thấy học sinh ngày một tiến bộ, các em năng động, mạnh dạn, biết đặt ra mục tiêu và biết nỗ lực để cố gắng hoàn thành. Lớp chúng tôi, từ một lớp xuất phát điểm khá bình thường, nhưng hiện nay lớp 12D1 là một trong những lớp có thành tích tốt nhất trường khi có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh, 30% học sinh trong lớp có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên.

Ngoài mục tiêu chính là đậu đại học, một số học sinh lựa chọn con đường hướng nghiệp khác cũng thấy thoải mái vì các em nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và có định hướng rõ ràng cho bản thân mình.

Cô giáo Chu Thị Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1, Trường THPT Diễn Châu 3

Trường THPT Diễn Châu 3 là ngôi trường đầu tiên trên toàn tỉnh thí điểm xây dựng trường học hạnh phúc. Để việc xây dựng đi vào chiều sâu, nhà trường đã xây dựng sứ mệnh, mục tiêu và đưa ra nhiều giá trị cốt lõi như tôn trọng, trách nhiệm, trung thực, hợp tác, sáng tạo, đoàn kết, nhân ái nhưng điều thay đổi rõ nhất chính là những ứng xử trong cuộc sống hàng ngày để tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện.

"Thay vì chỉ áp đặt, Ban Giám hiệu nhà trường đã lắng nghe giáo viên, học sinh, phụ huynh nhiều hơn để chia sẻ, thấu hiểu và động viên khuyến khích giáo viên, học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ dạy, học. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm để học sinh hình thành và phát triển năng lực, tạo niềm vui, tâm lý háo hức hơn mỗi giờ lên lớp. Điều chúng tôi vui mừng là sau hơn 2 năm kiên trì thực hiện, các hiện tượng vi phạm đạo đức, vi phạm các quy định về hành vi thiếu văn hóa có chiều hướng giảm hẳn, tạo môi trường giáo dục đạo đức lành mạnh trong nhà trường" - thầy giáo Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 cho biết.

Những lớp học thân thiện sẽ đem đến niềm vui cho thầy cô và học trò, tạo động lực để cùng cố gắng. Ảnh: NTCC

Những lớp học thân thiện sẽ đem đến niềm vui cho thầy cô và học trò, tạo động lực để cùng cố gắng. Ảnh: NTCC

Trường THCS Diễn Tháp (Diễn Châu) cũng bắt đầu xây dựng trường học hạnh phúc bằng những việc làm thiết thực. Tại đây, vào thứ Hai hàng tuần, hộp thư “điều em muốn nói” được đích thân hiệu trưởng nhà trường và giáo viên Tổng phụ trách Đội mở ra để cùng đọc, tiếp nhận và lắng nghe những chia sẻ của học sinh. Dù những câu chuyện học sinh gửi đến nhà trường đôi khi khá đơn giản xoay quanh tuổi mới lớn và những băn khoăn ở học đường như “em mong các thầy cô không đặt nặng vấn đề ghi sổ đầu bài với những lý do vô lý”, “em mong thầy cô sẽ hiểu chúng em hơn”... nhưng đây thực sự là một kênh hữu ích để thầy cô lắng nghe học trò.

Tôi cho rằng, học sinh hạnh phúc thì thầy cô sẽ hạnh phúc. Từ việc lắng nghe học sinh, hiệu trưởng, giáo viên sẽ tự điều chỉnh để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và đáp ứng được các tâm tư, nguyện vọng. Chúng tôi cũng cố gắng lắng nghe phụ huynh để cùng tìm tiếng nói chung và cùng chung tay xây dựng hỗ trợ nhà trường. Điều rõ nhất là ở những cuộc họp phụ huynh gần đây, phụ huynh tham gia đầy đủ, thay vì lấy lý do đi làm ăn xa và nhờ người đi họp như trước đây, nhiều phụ huynh đã muốn được tham gia trải nghiệm cùng con và nhà trường.

Thầy giáo Lê Xuân Lợi - Hiệu trưởng trường THCS Diễn Tháp (Diễn Châu)

Tâm huyết và trách nhiệm

Trường học hạnh phúc là mô hình trường học được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019 và được lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO. Hiện, tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương có những tiêu chí khác nhau nhưng một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Đặt trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng trường học hạnh phúc là điều hết sức cần thiết, giúp giải tỏa những áp lực về học tập và tạo cho học sinh một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.

Hộp thư thay lời muốn nói ở Trường THCS Diễn Tháp, Diễn Châu. Ảnh: Mỹ Hà
Hộp thư thay lời muốn nói ở Trường THCS Diễn Tháp, Diễn Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Là Hiệu trưởng ở Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn), một ngôi trường được xem là trường chuyên ở huyện Nam Đàn, thầy giáo Nguyễn Vương Linh - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Trường học hạnh phúc cần phải xem là một tiêu chí để các trường học hướng tới, dù rằng, để đi đến cái đích cuối cùng cần một quá trình lâu dài.

Như tại trường chúng tôi, ban đầu khi tiếp nhận công việc mới tôi thấy khá lo lắng vì học sinh ở đây học quá nhiều, áp lực thành tích, áp lực về điểm số luôn đè nặng lên cả giáo viên và học sinh. Để thay đổi quan điểm này, tôi phải làm từng bước, bắt đầu từ giáo viên để họ thay đổi quan điểm suy nghĩ. Sau đó, trường chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, thành lập các câu lạc bộ Âm nhạc, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Thể thao để tạo cho các em nhiều sân chơi, giải trí.

Việc học vẫn được duy trì nhưng không quá tạo áp lực. Nhà trường thường xuyên có chính sách động viên giáo viên và học sinh mỗi khi có thành tích tốt, đạt giải cao và khen thưởng những học sinh có nhiều tiến bộ.

Những lớp học thân thiện ở Trường THCS Diễn Tháp (Diễn Châu). Ảnh: Mỹ Hà

Những lớp học thân thiện ở Trường THCS Diễn Tháp (Diễn Châu). Ảnh: Mỹ Hà

Xây dựng trường học hạnh phúc hiện cũng đang được nhiều trường học trên toàn tỉnh từng bước triển khai, bằng nhiều cách làm khác nhau. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả và thiết thực thì trước tiên đó là cần có sự tâm huyết và trách nhiệm của người đứng đầu, của các thầy giáo, cô giáo, tránh bệnh hình thức, sáo rỗng.

Qua thực tế cũng cho thấy, sau hơn 3 năm nỗ lực xây dựng mô hình này đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động về trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Nhiều đơn vị đã lấy đây là tiêu chí tự đánh giá nhà trường. Đặc biệt, sau khóa học “Hiệu trưởng - người gieo mầm hạnh phúc”, cán bộ quản lý ý thức rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” trong đơn vị.

Những sân chơi trải nghiệm sẽ tạo niềm hứng thú cho học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Những sân chơi trải nghiệm sẽ tạo niềm hứng thú cho học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Mặc dù chỉ mới triển khai thí điểm nhưng mô hình “Trường học hạnh phúc” đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian tới, căn cứ vào bộ tiêu chí của UNESCO và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn để nhân rộng mô hình này đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh./.

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục

tin mới

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.