Nghệ An xem xét ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào diện thỏa thuận hợp tác giáo dục, đào tạo

Thành Duy 02/11/2023 10:23

(Baonghean.vn) - Đối tượng được đề xuất áp dụng hỗ trợ là lưu học sinh Lào diện thoả thuận hợp tác giáo dục, đào tạo của tỉnh Nghệ An với các tỉnh của Lào, học tập tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Giờ học Tiếng Việt của các lưu học sinH lào (1).JPG
Giờ học tiếng Việt của các lưu học sinh Lào tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An đóng ở TP. Vinh. Các em sẽ có một năm học tiếng Việt trước khi bước vào học chương trình phổ thông. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Theo đó, các lưu học sinh Lào học tập Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT (bao gồm cả chương trình dự bị tiếng Việt và bổ trợ kiến thức THCS); đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (bao gồm cả đào tạo bằng hình thức liên thông từ cao đẳng lên đại học) được đề xuất hỗ trợ sinh hoạt phí bao gồm: Tiền ăn, ở, tiền tiêu vặt, học phẩm và các chi phí cá nhân khác với mức 3,696 triệu đồng/người/tháng.

Còn các lưu học sinh tham gia đào tạo, cấp chứng chỉ Chương trình dự bị tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn số tiền được đề xuất hỗ trợ sinh hoạt phí 3 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian hỗ trợ đối với lưu học sinh Lào đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (bao gồm cả đào tạo bằng hình thức liên thông từ cao đẳng lên đại học) được hỗ trợ đủ 12 tháng/năm học.

Còn đối với lưu học sinh Lào học tập Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT (bao gồm cả chương trình dự bị tiếng Việt và bổ trợ kiến thức THCS); Chương trình dự bị tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài; bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, có thời gian đào tạo dưới 12 tháng, được hỗ trợ theo thời gian học thực tế hàng năm.

Ngoài ra, dự thảo chính sách cũng đề xuất hỗ trợ lưu học sinh Lào chi phí đi lại, chi mua bảo hiểm y tế và tổ chức các hoạt động.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông; các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đề xuất hỗ trợ để chi cho công tác giảng dạy và học tập; biên dịch, phiên dịch tài liệu (nếu có); sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, thực hành, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của lưu học sinh Lào ở tại ký túc xá; chi quản lý đào tạo; chi làm hồ sơ thủ tục nhập học, chi tổng kết, kết thúc khoá học, khen thưởng học sinh; chi khám bệnh tổng thể đầu khóa học, chi khám bệnh tổng thể định kỳ hàng năm;…

Hiện nay, UBND tỉnh đang lấy ý kiến về dự thảo “Quy định Chính sách hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào diện thoả thuận hợp tác giáo dục, đào tạo giữa tỉnh Nghệ An, nước CHXHCN Việt Nam với các tỉnh nước CHDCND Lào, học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, tiến tới hoàn thiện trình HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.

luu hoc sinh lao - anh 5 (1).JPG
Đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo đến thăm lớp học tiếng Việt của các lưu học sinh Lào tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Nghệ An có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài nhất cả nước, hơn 468km; tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay.

Địa hình, lịch sử, văn hóa khu vực biên giới giữa Nghệ An và các địa phương của nước bạn Lào có nhiều điểm tương đồng. Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Nghệ An và các địa phương của Lào luôn được giữ vững và phát triển.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với nước CHDCND Lào, đến nay, bên cạnh hợp tác truyền thống với 3 tỉnh có chung đường biên giới là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Nghệ An đã mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh Viêng Chăn, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, Xay Sổm Bun trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Nghệ An đã triển khai tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho 7 tỉnh nước bạn Lào, với 2.322 học sinh, sinh viên đã và đang học tập Chương trình đào tạo dự bị tiếng Việt cơ bản, đại học và sau đại học, tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh (trong đó có 1.157 diện hợp tác của tỉnh).

Hiện tại, có trên 600 lưu học sinh diện hợp tác đang học tập các chương trình đào tạo. Tỉnh Nghệ An đã trích ngân sách tổng cộng gần 171 tỷ đồng phục vụ công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh nước bạn Lào; trong đó bao gồm kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đào tạo, giảng dạy, mua sắm các trang thiết bị cá nhân, sinh hoạt phí...

Nhìn chung, công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực giúp các tỉnh Lào đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp với số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao; góp phần hỗ trợ các tỉnh của nước bạn xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Đồng thời, góp phần tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh nước bạn Lào nói riêng và giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung.

Thực hiện các chủ trương triển khai mở rộng đào tạo đối với học sinh phổ thông; từ năm học 2023-2024, Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã tổ chức tiếp nhận và nhập học cho 31 lưu học sinh Lào của 6 tỉnh (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Viêng Chăn, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt) học dự bị tiếng Việt và bổ trợ kiến thức THCS trước khi học Chương trình phổ thông 2018 cấp THPT (lớp 10, lớp 11 và lớp 12).

Qua đó, giúp lưu học sinh Lào phát triển năng lực ngôn ngữ tiếng Việt nói riêng; năng lực, phẩm chất của học sinh phổ thông đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và trải nghiệm sớm môi trường văn hóa Việt Nam; đảm bảo điều kiện chuyển tiếp và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục sau đại học tại Việt Nam.

Mới nhất
x
Nghệ An xem xét ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào diện thỏa thuận hợp tác giáo dục, đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO