Những ngày đầu trên đất Nghệ của 31 lưu học sinh Lào theo học hệ phổ thông

Mỹ Hà 31/10/2023 10:03

(Baonghean.vn) - Đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên 31 học sinh phổ thông của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã sang nhập học tại Nghệ An, bắt đầu hành trình theo học chương trình lớp 10. Những ngày đầu, nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng thật háo hức…

Hòa nhập

Chỉ 4 ngày sau lễ tiếp nhận các lưu học sinh Lào sang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2, 31 học sinh đến từ nước bạn Lào đã được tham dự một sự kiện đặc biệt của nhà trường, đó là Đại hội Đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của nhà trường. Chào mừng đại hội, các em đã gửi đến thầy cô và các bạn tiết mục múa hát tập thể đậm dấu ấn văn hóa các bộ tộc Lào, vừa thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Lào - Việt.

Để chuẩn bị cho tiết mục đặc biệt này, các học sinh đến từ 6 tỉnh của Lào là Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Viêng Chăn, Savanakhet và Khăm Muộn đã gấp rút chuẩn bị và lên sân khấu chỉ sau hơn 2 ngày tập luyện. Sự hòa nhập nhanh của các em với thầy cô, với bạn bè ở ngôi trường mới là một tín hiệu mừng, đã xóa đi khoảng cách, sự e ngại và giúp các em tự tin hơn trong những ngày đầu đến với đất nước Việt Nam.

Các học sinh Trường PT DTNT THPT số 2 chào đón các lưu học sinh Lào (1).jpg
Các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 chào đón các lưu học sinh Lào. Ảnh: Mỹ Hà

Gần 1 tháng qua, lịch học và lịch sinh hoạt của các lưu học Lào được kéo dài liên tục từ sáng đến chiều tối. Trong đó, buổi sáng và buổi chiều các em sẽ được học tiếng Việt do các giáo viên đến từ Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An giảng dạy. Ngoài thời gian trên là những buổi học về kỹ năng, tìm hiểu về nếp sống, văn hóa và làm quen với sinh hoạt ở khu nội trú.

Tại lớp học về Tiếng Việt, dù chỉ mới học trong một thời gian rất ngắn nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hoài Dung - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An có thể yên tâm bởi các học sinh của lớp đã quen dần về nề nếp học tập và bước đầu nắm ngữ âm tiếng Việt. Một số em đã nói được câu dài còn lại phần lớn đang phát âm từng tiếng đơn giản.

Giờ học Tiếng Việt của các lưu học sinH lào (1).JPG
Giờ học tiếng Việt của các lưu học sinh Lào. Các em sẽ có một năm học tiếng Việt trước khi bước vào học chương trình phổ thông. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, cô giáo Dung đã có kinh nghiệm nhiều năm dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào khi sang Nghệ An, nhưng đều là các em theo chương trình đào tạo đại học, cao đẳng. Đây là năm đầu tiên cô dạy cho các em độ tuổi trung học phổ thông nên quá trình dạy học cũng có điều chỉnh cho phù hợp .

“Các em học sinh Lào trong lớp có đặc điểm chung là ngoan, chăm chỉ, chịu khó học tập. Để học Tiếng Việt có hiệu quả, giáo viên cần coi các em như con cái, vừa dạy học, vừa giao tiếp, động viên, khích lệ. Điều thuận lợi là nhà trường và các thầy cô giáo, học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 Nghệ An cũng rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để các em được học tập, giao tiếp tốt nhất” - cô Hoài Dung cho biết.

Ở lớp của cô Dung, có hai học sinh khá đặc biệt và được xem là những học sinh nói tiếng Việt tốt nhất. Thậm chí, đến bây giờ, các bạn đã có thể nói chuyện khá lưu loát với thầy cô và các bạn Việt Nam. Sulin Phumisun, học sinh đến từ tỉnh Savanakhet là một trong số đó bởi trước khi đến Việt Nam, em đã có nhiều năm học tại Trường Hữu nghị Lào - Việt, ngôi trường có rất nhiều học sinh Việt Kiều và học sinh Lào ở tỉnh Savanakhet đang theo học.

Bna_Buổi học về kỹ năng cho các lưu học sinh Lào.jpg
Buổi học về kỹ năng giúp cho các lưu học sinh sớm hòa nhập với môi trường tập thể. Ảnh: PV

Sulin cũng kể rằng, do có chị gái đang dạy học ở trường này nên em rất hứng thú khi đến với ngôi trường được học bằng hai thứ tiếng và biết được khá nhiều văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam. Từ nền tảng ban đầu đó, Sulin rất háo hức khi được đến Việt Nam và hi vọng việc được học văn hóa theo chương trình giáo dục Việt Nam sẽ cho em nhiều kiến thức và nhiều trải nghiệm mới.

Những ngày qua, với lợi thế nói tiếng Việt khá sõi của mình, Sulin là cầu nối giữa thầy cô và các em cùng lớp. Em cũng tham gia với đội tình nguyện viên của nhà trường để giúp đỡ các bạn của mình làm quen với môi trường mới, xóa đi những bỡ ngỡ ban đầu.

Kết nối

Cho đến thời điểm này, Nghệ An là tỉnh đầu tiên tiếp nhận các lưu học sinh Lào sang theo học chương trình phổ thông. Tại đây, các em sẽ có 1 năm học tiếng Việt và tiếp tục theo học 3 năm chương trình phổ thông với các học sinh Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp các em có thể có từ 4 - 6 năm học đại học, cao học trước khi về trở lại nước nhà công tác.

bna_Một buổi luyện tập thể thao của các lưu học sinh Lào. Ảnh -Mỹ Hà.jpeg
Việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao giúp các học sinh vơi đi nỗi nhớ nhà. Ảnh: PV

Hành trình có thể kéo dài đến 10 năm là một chuyến đi rất dài, nhất là khi các em chỉ mới học xong bậc THCS, chưa từng xa gia đình, xa bố mẹ, xa quê hương, đất nước. Để giúp các em vượt qua những khó khăn khi sang theo học tại Việt Nam, trước khi tiếp nhận các lưu học sinh Lào, đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyến sang làm việc trực tiếp tại các tỉnh của nước bạn có các lưu học sinh dự kiến sang Việt Nam.

Trong quá trình đó, những kế hoạch, những vướng mắc, khó khăn từng bước được đem ra bàn bạc, tháo gỡ. Niềm vui là trong 31 học sinh đầu tiên sang theo học, đều là những học sinh tiêu biểu được tuyển chọn từ các địa phương. Các em sang đây với mong muốn được tiếp cận chương trình giáo dục của Việt Nam ở cả bậc phổ thông, đại học và sau này sẽ là lớp cán bộ kế cận sẽ về phục vụ đất nước.

luu hoc sinh lao - anh 5 (1).JPG
Đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo đến thăm lớp học Tiếng Việt của các lưu học sinh Lào. Ảnh: Mỹ Hà

Với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 , việc được chọn là trường đầu tiên tiếp nhận du học sinh Lào sang theo học là một vinh dự lớn. Bên cạnh đó, là cả trách nhiệm và khó khăn. Chuẩn bị cho chương trình này, trước đó nhà trường cũng đã cử giáo viên sang Lào tìm hiểu phong tục, tập quán và học tiếng Lào để có thể giao tiếp thành thạo, hỗ trợ các học sinh khi sang học tập tại trường.

Chia sẻ về điều này, thầy giáo Lô Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An - người trực tiếp phụ trách quản lý học tập, sinh hoạt cho biết: Tôi đã tham gia chương trình tập huấn, học tiếng Lào và bản thân là người dân tộc Thái nên tôi thấy giữa hai đất nước, hai dân tộc có khá nhiều tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ. Rất nhiều học sinh tuy chưa nói được Tiếng Việt nhưng các em lại có thể giao tiếp được với nhau bằng tiếng Thái, tiếng Lào mà không gặp trở ngại…

các học sinh lưu học sinh Lào chụp ảnh với cô giáo chủ nhiệm và giáo viên Trường PT DTNT THPT số 2.jpg
Các lưu học sinh Lào chụp ảnh với cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Đồng hành với các học sinh trong những ngày đầu tiên, thầy Bình vui mừng khi nói rằng, các lưu học sinh Lào đang học tại trường đều ngoan ngoãn, lễ phép, ham học hỏi. Tuy nhiên, thời gian đầu xa gia đình, quê hương, đất nước đến một môi trường mới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Hiểu được tâm lý này, nên từ khi các học sinh Lào đến nhập học, phần lớn thời gian thầy Bình ở lại trường. Sau buổi học trên lớp, thầy đã xuống ký túc xá để trò chuyện, tâm sự và mong học sinh khi đến với một đất nước mới, bên cạnh việc phải giữ gìn bản sắc thì cần tiếp nhận thêm nhiều điều tốt đẹp, tiên tiến của nền văn hóa, giáo dục khác.

Kể thêm về điều này, thầy giáo Bình chia sẻ: Chúng tôi cố gắng tạo cho các em một môi trường thân thiện như ở nhà. Hai tuần đầu tiên, các em được sử dụng điện thoại để có thể trao đổi với gia đình, các em có thể tự nấu thêm một số món ăn của dân tộc mình tại bếp ăn của nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm lớp cũng lập nhóm Zalo để thường xuyên trao đổi với bố mẹ của các em. Một điều tích cực nữa là sau các buổi trò chuyện với các em, tôi thấy rằng các em đã được giải tỏa về tâm lý và bắt đầu tự tin, mạnh dạn trong học tập cũng như sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao với học sinh của trường…

Để động viên các lưu học sinh, mới đây, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã đến thăm các em học sinh và làm việc với giáo viên, giảng viên trực tiếp dạy học chăm sóc, quản lý các em tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2.

Qua buổi trò chuyện, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng động viên các em lưu học sinh, mong các em cố gắng vượt qua thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, vất vả khi xa gia đình, quê hương đến học tập tại một môi trường mới tại Việt Nam. Lãnh đạo Sở cũng đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các lưu học sinh được học tập, sinh hoạt và nếu gặp khó khăn cần sớm kiến nghị với Sở để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Mới nhất

x
Những ngày đầu trên đất Nghệ của 31 lưu học sinh Lào theo học hệ phổ thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO