Lật tẩy thủ đoạn của nhóm đối tượng chuyên lừa ‘trúng thưởng’ để chiếm đoạt tài sản

Phạm Thủy - Trọng Tuấn 25/02/2023 19:30

(Baonghean.vn) - Nợ nần chồng chất, thiếu tiền tiêu xài, lại lười lao động, nhóm đối tượng đã giả danh “nhân viên ngân hàng”, “cán bộ Cục An ninh” để thực hiện hành vi “gọi điện thông báo trúng thưởng” tiền và tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân ở nhiều địa bàn khác nhau.

Mặc dù nhóm đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, trên địa bàn rộng, song đã bị lực lượng Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) lật tẩy, kịp thời ngăn chặn nhóm đối tượng này tiếp tục hành vi lừa đảo các nạn nhân khác.

Giả danh “nhân viên ngân hàng” thông báo “trúng thưởng”

Vào tháng 5/2022, Công an huyện Thanh Chương nhận được tin báo của một người phụ nữ về việc có đối tượng gọi điện thông báo trúng thưởng số tiền và tài sản có giá trị lớn. Điều kiện để được nhận thưởng là người này phải đóng một khoản chi phí trước để làm tiền cọc. Tuy nhiên, sau một thời gian chuyển số tiền lớn mà chờ mãi vẫn không được nhận tiền và hiện vật “trúng thưởng” như thông tin người gọi điện thoại thông báo. Lúc ấy, người phụ nữ này mới biết bản thân mình đã bị kẻ xấu lừa đảo nên đã đến trình báo với cơ quan Công an.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Thanh Chương đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh thông tin. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã phát hiện được một nhóm đối tượng tại Hà Tĩnh có liên quan đến sự việc. Các đối tượng này mặc dù không có việc làm cụ thể nhưng lại có lối sống rất phóng túng, có những biểu hiện bất minh về kinh tế. Cũng trong thời gian này, Công huyện Thanh Chương nhận thêm đơn tố cáo của các nạn nhân khác cũng với hành vi tương tự. Nhiều nạn nhân đã chuyển số tiền lớn cho các đối tượng, thậm chí lên tới hàng trăm triệu đồng. Để tập trung lực lượng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thanh Chương đã xác lập chuyên án để đấu tranh.

Nhóm đối tượng Nguyễn Hoàng Long, Dương Viết Lãm, Lê Văn Toàn, Nguyễn Văn Anh và Hoàng Anh Tuấn bị Công an huyện Thanh Chương phát hiện, bắt giữ. Ảnh: Phạm Thủy

Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh, làm rõ, Ban chuyên án gặp rất nhiều khó khăn trong xác minh, theo dõi di biến động của nhóm đối tượng. Bởi là lao động tự do nên nhóm đối tượng này thường xuyên thay đổi nơi cư trú. Các đối tượng không chỉ hoạt động phạm tội tại tỉnh Nghệ An mà còn tại nhiều địa bàn thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Thành phố Hà Nội, Vũng Tàu… Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, nhóm đối tượng này sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín kẽ. Cụ thể, nhằm tạo lòng tin cho các nạn nhân tùy vào mỗi phi vụ, các đối tượng sẽ phân công vai trò của từng người rất rõ ràng, có khi “đóng vai” là nhân viên ngân hàng, cán bộ “Cục an ninh”, người đã từng trúng thưởng...

Để tránh sự phát hiện, các đối tượng này rất cảnh giác khi sử dụng số tài khoản nhận tiền không chính chủ. Khi các nạn nhân “sập bẫy”, chúng sẽ đưa 1 số tài khoản đã chuẩn bị trước đó để nạn nhân chuyển tiền. Nhận được tiền, các đối tượng sẽ chuyển tiền qua 4-5 số tài khoản khác rồi mới đến số tài khoản chính chủ.

Bên cạnh đó, với mục đích che đậy hành vi phạm tội của mình, mỗi khi thực hiện một phi vụ mới, các đối tượng này chỉ dùng điện thoại di động có chức năng nghe gọi và mua sim rác để sử dụng. Nhóm đối tượng này thậm chí còn bàn bạc, chỉ cho nhau vào các trang mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ video… học cách gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng, cán bộ công an… để thông báo đến khách hàng trúng thưởng các phần quà có giá trị (như xe máy, tiền mặt…), cách yêu cầu khách chuyển khoản để làm thủ tục nhận thưởng và đăng ký biển số xe đẹp…

Phá án

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án xác định được nhóm đối tượng có liên quan đến các hoạt động phạm tội gồm: Nguyễn Hoàng Long (SN 1994), Dương Viết Lãm (SN 1994), Lê Văn Toàn, (SN 1995), Nguyễn Văn Anh (SN 1994) và Hoàng Anh Tuấn (SN 1991), đều trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau một thời gian theo dõi di biến động, Ban chuyên án xác định được địa điểm ở trọ của Nguyễn Hoàng Long, Dương Viết Lãm và Lê Văn Toàn tại khu phố 3, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Quyết tâm không để các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, lừa đảo thêm nhiều nạn nhân sập “bẫy”, Ban chuyên án đã lên phương án, cử ngay một tổ công tác vào thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai truy bắt thành công số đối tượng trên và dẫn giải an toàn về trụ sở Công an huyện Thanh Chương. Tiếp đó, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án cũng đã bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Văn Anh và Hoàng Anh Tuấn khi bọn chúng đang trốn tại một ngôi nhà bỏ hoang ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đối tượng Hoàng Anh Tuấn tại Cơ quan Công an. Ảnh: Trọng Tuấn

Tại Cơ quan Công an, trước những chứng cứ, tài liệu xác đáng từ điều tra viên, 5 đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, với chiêu bài thông báo trúng thưởng tài sản và tiền mặt có giá trị lớn, các đối tượng đã gọi điện cho các nạn nhân tại nhiều địa phương trong cả nước để dụ dỗ, lừa đảo bị hại chuyển tiền cọc với số tiền từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng để được “nhận thưởng”. Bằng thủ đoạn trên, trong năm 2022, nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Điển hình, vào khoảng đầu tháng 6/2022, dưới sự hướng dẫn của Dương Viết Lãm và Nguyễn Hoàng Long, Lê Văn Toàn đã gọi điện cho chị L. (trú tại Hà Nội) giả danh bản thân là người “làm việc tại Cục An ninh”, yêu cầu chị L. chuẩn bị số tiền 10 triệu đồng để “đóng cho Cục An ninh để bảo lưu phần quà…”. Bằng thủ đoạn tương tự, Dương Viết Lãm, Nguyễn Hoàng Long và Lê Văn Toàn đã nhiều lần lừa chị L. chuyển qua số tài khoản mà 2 đối tượng này chuẩn bị trước đó với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Tiếp đó, đầu tháng 9/2022, nhóm của Dương Viết Lãm Lãm cùng Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Văn Anh đã dùng điện thoại gắn sim rác bấm số ngẫu nhiên rồi gọi điện thì thấy chị N.T.S. (SN 1972), trú tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An) nghe máy. Nguyễn Văn Anh đã giả bản thân là nhân viên ngân hàng, thông báo chúc mừng người phụ nữ trên đã “may mắn trúng thưởng” 1 chiếc xe máy SH trị giá 95 triệu đồng và 300 triệu đồng tiền mặt từ ngân hàng V.C.B. Để tạo niềm tin ở người phụ nữ này, Nguyễn Văn Anh nói rằng, vừa qua có một thanh niên quê Quảng Bình cũng may mắn trúng thưởng và nói người phụ nữ gọi vào số điện thoại thanh niên trên (thực ra là Hoàng Anh Tuấn giả danh) để xác thực thêm thông tin trúng thưởng.

Sau khi thấy chị N.T.S. đã “cắn câu”, Nguyễn Văn Anh và Hoàng Anh Tuấn thay nhau tiếp tục lừa chị S. “chọn biển số xe đẹp” trị giá 50 triệu đồng. Để người phụ nữ này không nghi ngờ, 2 đối tượng đã “cam kết” rằng, sau khi xong hết các thủ tục thì sẽ “cử người về trao xe máy và phần quà trị giá 240 triệu đồng. Đồng thời, sẽ trả lại số tiền 45 triệu đồng cho chị S.". Thấy vậy, chị S. không hề nghi ngờ mà đã chuyển khoản cho Nguyễn Văn Anh số tiền 50 triệu đồng.

Đối tượng Nguyễn Hoàng Long tại Cơ quan Công an. Ảnh: Phạm Thủy

Tất cả số tiền mà nhóm đối tượng Nguyễn Hoàng Long, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Văn Anh, Dương Viết Lãm, Lê Văn Toàn lừa đảo, chiếm đoạt được của các nạn nhân, chúng đều dùng để ăn chơi và tiêu xài cá nhân. Được biết, năm 2015, đối tượng Dương Viết Lãm từng bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 24 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng. Còn Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Văn Anh từng bị Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc vào ngày 20/7/2020. Trước đó, vào năm 2013, Hoàng Anh Tuấn từng bị TAND Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương tuyên phạt 7 tháng tù về tội trộm cắp tài sản .

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Chương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng Nguyễn Văn Anh, Dương Viết Lãm, Lê Văn Toàn, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hoàng Long về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, về tội phạm công nghệ cao nhưng trên thực tế, với những phương thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi của đối tượng lừa đảo nên vẫn còn nhiều người dân “sập bẫy”. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo thì mỗi người dân cũng cần phải tự nâng cao sự cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo.

Mới nhất
x
Lật tẩy thủ đoạn của nhóm đối tượng chuyên lừa ‘trúng thưởng’ để chiếm đoạt tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO