Lễ chùa đầu năm - tín ngưỡng và biến tướng
Lễ chùa đầu năm từ lâu là nét văn hóa tín ngưỡng của đông đảo phật tử và du khách gần xa. Ngoài những nét đẹp trong việc hành lễ đầu năm thì đâu đó vẫn có những biến tướng không đẹp mắt, làm mất đi những vẻ đẹp vốn có của phong tục này.
Ghi ở những ngôi đền thiêng
Đền Ông Hoàng Mười nằm trên địa phận xã Thịnh Mỹ, huyện Hưng Nguyên. Sáng mùng 7 Tết, hàng trăm du khách đầu đội lễ vật, tay cầm sớ chờ để vào dâng lễ. Quan sát cho thấy, hầu như ai vào đền cũng mang theo lễ vật gồm đinh tiền vàng, vàng nén và thỏi, mũ quan được xếp chồng lên nhau tạo nên một khối cao quá đầu người. Có gia đình còn chuẩn bị xôi gà, ngũ quả, bánh kẹo, heo quay.
Đặc biệt, nhiều người đến đền còn sắm những con ngựa giấy khổng lồ mang vào đến tế lễ. Du khách lý giải, ông Quan Hoàng Mười là quan võ nên ngài cần có ngựa, áo mũ quan, muốn chu đáo cần phải sắm sanh đầy đủ.
Một "ông ngựa" giấy sơn son thếp vàng có chiều cao gần bằng ngựa thật có giá khoảng 1 triệu đồng. Người sắm ngựa phải đặt trước với các điểm cung ứng quanh đền cả tháng mới mua được ngựa giấy làm lễ.
![Lễ vật không có chỗ để nhiều người phải đứng chờ](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/bna_le-vat-khong-co-cho-de-nhieu-nguoi-phai-dung-cho.jpg)
Theo ông Nguyễn Nguyễn Kim Khoa - Phó trưởng Ban Quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười thì việc soạn lễ, biện lễ là tùy gia chủ, nhà đền chỉ khuyến cáo về công tác an toàn cháy, nổ, và không cho phép người dân đưa “ông ngựa” vào điện thờ tránh tình trạng hỏa hoạn.
Ông Khoa cũng cho biết, từ mùng 1 Tết đến nay, nhà đền đón khoảng 100.000 lượt du khách, trong số đó có rất đông du khách vào đền để cầu an giải hạn đầu năm, mỗi gia chủ như thế đều đưa theo một cỗ lễ rất lớn, cồng kềnh, có khi điện thờ không đủ chỗ bày lễ, gia chủ phải cầm trên tay chờ hàng giờ đồng hồ.
![ông ngựa](https://bna.1cdn.vn/2025/02/05/ong-ngua-.jpg)
Một tình trạng xảy ra ở nhiều ngôi đền, chùa hiện nay là dịch vụ giải hạn, cầu an, xem quẻ tâm linh nở rộ. Mỗi khóa cầu an, gia chủ phải soạn lễ ít thì từ 1 – 2 triệu đồng, nhiều thì lên tới vài chục triệu đồng.
![nhiều người xếp hàng chờ cúng sao giải hạn](https://bna.1cdn.vn/2025/02/08/bna_nhieu-nguoi-xep-hang-cho-cung-sao-giai-han.jpg)
Theo Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười, tại đền hiện có 30 người được gọi là cô, cậu hỗ trợ tâm linh, kêu thay lạy đỡ cho gia chủ, được nhà đền quản lý. Tuy nhiên, việc thỏa thuận giữa gia chủ và các cô, cậu trong thực hiện các khóa cầu an, giải hạn thì không được quản lý. “Tại đây cũng có nhiều du khách đưa cả thầy của họ đến đền mà những thầy này nhà đền không quản lý được”, Phó ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười - ông Nguyễn Kim Khoa cho biết.
Không để “buôn thánh bán thần” lên ngôi
![Khu vực giải mã các quẻ xăm tại đền Cờn. Ảnh: Thanh Thủy (Đài Hoàng Mai)](https://bna.1cdn.vn/2025/02/05/khu-vuc-viet-so-thu-hut-dong-du-khach.jpg)
Tại đền Cờn, thị xã Hoàng Mai, những ngày đầu năm cũng đông nghịt du khách. Quanh đền, các dịch vụ như viết sớ, xóc xăm, giải quẻ cũng nở rộ. Đây là hoạt động tâm linh lâu đời của ngôi đền nổi tiếng của xứ Nghệ này.
Theo ban quản lý nhà đền, mỗi ngày, đền có khoảng 10.000 du khách tới chiêm bái hoặc dâng sao, giải hạn. Hầu hết du khách đã vào đây đều xin gieo quẻ, xóc xăm để biết vận hạn may mắn trong năm mới. Du khách sau khi xóc xăm trúng vào số nào thì cầm thẻ đến khu vực quản lý xăm tương ứng để nhận quẻ của mình. Du khách muốn biết tường tận vận may rủi của mình trong năm cần phải có người giải chữ, như vậy, nhà đền có tới 2 dịch vụ cho việc xóc xăm này. Ban Quản lý đền cũng cho biết, giá dịch vụ này rất thấp, nên du khách không than phiền, hơn nữa đây là hoạt động lâu đời nên nhà đền vẫn tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, khi được hỏi nếu bắt trúng quẻ có hạn thì các thầy có hướng dẫn giải hạn hay không thì được trả lời cái đó còn tùy gia chủ. Nếu gia chủ ngỏ ý thì các thầy mới hướng dẫn...
Ngày 30/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán. Theo nội dung công điện thì các cơ sở thờ tự không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Hiện nay, những việc như cúng sao giải hạn, cầu an, cầu tài diễn ra khá phổ biến và hầu như đền, chùa nào cũng có hoạt động này. Có thể nói, đây dường như là một phong tục quen thuộc của nhân dân. Để hạn chế việc nhân dân lợi dụng tín ngưỡng “buôn thần, bán thánh”, các cấp chính quyền cần có những cơ chế quản lý chặt chẽ hơn.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng - Trường Đại học Vinh
"Để có một mùa lễ hội Xuân, lễ hội tín ngưỡng và tôn giáo an vui, văn minh, người dân nên hiểu rằng, không có tín ngưỡng và tôn giáo nào khuyến khích lòng tham của con người. Việc thường xuyên nuôi dưỡng và chia sẻ năng lượng tích cực với mọi người xung quanh sẽ tạo nên một không khí an vui và hạnh phúc, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Đây cũng chính là mục tiêu phổ quát mà mọi tín ngưỡng và tôn giáo đều hướng tới", PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng chia sẻ.