Lên mạng xã hội bán tiền giả

25/10/2016 12:05

(Baonghean) - Buôn bán, tiêu thụ tiền giả là hành vi vi phạm phát luật. Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội, việc rao bán tiền giả vẫn diễn ra một cách ngang nhiên, công khai.

Rao bán tiền giả công khai trên mạng xã hội.
Rao bán tiền giả công khai trên mạng xã hội.

“Ma trận” tiền giả

Chỉ cần một cú “click” chuột trên mạng xã hội facebook sẽ ngay lập tức hiển thị rất nhiều địa chỉ rao bán tiền giả. Nhóm kín có, nhóm công khai có, trang page có, thậm chí còn có cả các facebook cá nhân hoạt động công khai. Không những vậy, các địa chỉ này còn cạnh tranh lẫn nhau khi tạo ra những cái tên đầy tin cậy như “mua bán tiền giả uy tín tạo niềm tin”, “mua bán tiền giả - giao hàng toàn quốc – uy tín 100%”,...

Mọi hoạt động trên các địa chỉ này diễn ra rất sôi nổi với những câu hỏi, trả lời và lời rao bán được cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Các đối tượng bán tiền giả không hề ngần ngại việc quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, ngay cả khi có người vào bình luận, hỏi han cách mua hàng, họ cũng đều trả lời một cách thản nhiên mà không hề mảy may sợ hãi vì những điều mình đang làm là vi phạm pháp luật.

Trên facebook Kieu Nguyen (địa chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh) liên tục rao bán tiền giả với những “status” rất “thật lòng”: “Bữa giờ bán ngầm, hôm nay thấy chị đồng nghiệp bán trên mạng nên chị bảo bán với chị... Tiền giả 5 triệu chỉ bằng tiền thật 1 triệu, tiền gồm 4 mệnh giá 50, 100, 200, 500, giống như tiền thật 98 - 99%...”.. Đáng nói là facebook Kieu Nguyen có tới gần 5.000 bạn bè và gần 2.000 người theo dõi.

Còn trên facebook Trang Mai thì lại rao bán với tỷ giá hấp dẫn hơn “1 triệu tiền thật bằng 15 triệu tiền giả” và không quên khẳng định “tôn chỉ kinh doanh” của mình là “uy tín trách nhiệm”. Nhằm trấn an tâm lý cho khách hàng, các đối tượng này cam đoan “chỉ có máy soi mới phát hiện được chứ mắt thường không thể thấy được”, hoặc nếu có vị khách nào nghi ngờ thì sẵn sàng thỏa thuận theo kiểu tiền trao cháo múc “khách có thể mở hàng ra xem, thấy hài lòng thì thanh toán tiền, không hài lòng thì trả lại mình”.

Những người này còn “tư vấn” rất nhiệt tình cho các khách hàng rằng “mua mỗi lần một ít thôi, tốt nhất nên dùng ở vùng quê, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đừng cầm một lúc nhiều tiền giả trong người và đừng tiêu ở các siêu thị, trung tâm thương mại”. Hoặc làm an lòng khách bằng chia sẻ từ trải nghiệm như “đổ xăng, đi chợ mua hàng tạp hoá đều ok hết, chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số seri mới bị phát hiện thôi”.

Trước những lời rao bán “có cánh” và đầy thuyết phục đó, không ít người hám tiền đã đồng ý giao dịch. Tại các trang mua bán tiền giả, có tới hàng nghìn người theo dõi, và bên dưới hình ảnh những xấp tiền giả được đăng tải là rất nhiều bình luận để lại số điện thoại với lời nhắn “nếu có thật, giao cho mình 50 triệu”, “mình muốn mua 1,5 triệu”, “sẽ mua thử, nếu uy tín sẽ mua tiếp lần sau”.

Thủ đoạn lừa đảo

Theo phản ánh của một số người dùng mạng xã hội, thực ra việc mua bán tiền giả trên facebook là không có thực, đó chỉ là chiêu trò lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền thật của những người nhẹ dạ cả tin. Thủ đoạn của chúng là thực hiện giao dịch bằng cách yêu cầu người mua gửi mã thẻ cào điện thoại hoặc chuyển khoản trước, sau đó tiền giả sẽ được gửi đến người mua thông qua người giao hàng hoặc xe khách. Tuy nhiên, khi người mua gửi tiền hoặc thẻ cào xong thì các đối tượng này ngay lập tức cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Còn đối với những người được coi là nạn nhân của vụ mua bán giả này thì lại không dám báo cáo sự việc lên các cơ quan chức năng. Trên trang “Mua bán tiền giả”, facebook Thinh Nguyen đưa ra lời cảnh báo: “Tôi đã từng bị lừa. Nhưng chả nhẽ lại báo với công an là tôi bị lừa khi mua tiền giả”. Dạo quanh các trang, nhóm mua bán tiền giả có thể thấy những lời chia sẻ của các nạn nhân cũng không ít.

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn, hàng loạt người vẫn bị sập bẫy chiêu trò của các đối tượng lừa đảo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lòng tham, sự hám lợi của chính các nạn nhân, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, mời chào từ những người lạ trên mạng ảo.

Đối với các giao dịch mua bán tiền giả diễn ra trên thực tế sẽ bị nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật. Hồi tháng 5/2016, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, lực lượng công an đã bắt giữ một đối tượng lưu hành tiền giả ở huyện Tương Dương. Đối tượng Thò Bá Chia sinh năm 1981, quê quán bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong bị bắt quả tang khi đang có hành vi tàng trữ, lưu hành 1 triệu đồng tiền VNĐ loại polymer nghi là tiền giả, có mệnh giá 200.000 đồng. Mở rộng điều tra, khám nhà đối tượng này, lực lượng chức năng đã thu giữ thêm 14,4 triệu đồng cùng loại. Đối tượng này ngay sau đó đã bị bắt và xử lý theo quy định của pháp luật.

 Thò Bá Xa trú tại xã Tri Lễ ( Quế Phong) bị phạt 42 tháng tù giam về tội lưu hành tiền giả.
Thò Bá Xa trú tại xã Tri Lễ ( Quế Phong) bị phạt 42 tháng tù giam về tội lưu hành tiền giả.

Mặc dù đã không ít các đối tượng phải chịu hậu quả do mua bán, lưu thông tiền giả nhưng những đồng tiền trên mạng ảo này vẫn được rao bán một cách thản nhiên, người mua vẫn cứ mua, người bị lừa vẫn cứ bị lừa mà chưa hề có dấu hiệu giảm đi. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn vấn nạn này một cách triệt để, tạo bình ổn thị trường tiền tệ, nhất là tại thời điểm cuối năm.

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự: Điều 180, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: 1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm; 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm; 3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Lên mạng xã hội bán tiền giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO