Lên núi, dựng lán 'hứng sóng' để học trực tuyến

Mỹ Hà 21/09/2021 10:38

(Baonghean.vn) - Để học trực tuyến, có những học sinh phải đi lên núi, cách nhà hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ. Ấy nhưng, việc học cũng chẳng dễ dàng bởi xung quanh các em là núi rừng hoang vắng, rất nhiều các loại côn trùng và thời tiết thì nắng, mưa… thất thường.

Góc học tập "đặc biệt" giữa rừng

Với hơn 20 điểm, Vừ Y Hoa là học sinh duy nhất của bản Huồi Xái, xã Tri Lễ đậu vào lớp 10 Trường THPT Quế Phong trong năm học này. Sau ngày khai giảng, trong khi các bạn đã làm thủ tục nhận lớp, bắt đầu vào làm quen và học online thì Vừ Y Hoa vẫn chưa biết kết nối như thế nào. 3 ngày sau khi khai giảng, Hoa mới có thể liên lạc được với thầy cô và bước vào buổi học online đầu tiên.

Góc học tập của Hoa trong gần 2 tuần nay là một ngọn đồi nhỏ, cách nhà gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ. Ở đó, Hoa ngồi tạm trên đống củi khô. Bàn học là mấy cành cây được chằng lại với nhau vừa đủ để Hoa đặt chiếc điện thoại. Nếu thời tiết thuận lợi, sóng ổn định mỗi buổi học Hoa sẽ chỉ rớt mạng hai đến ba lần. Nhưng đợt này, Quế Phong bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết thất thường, nhiều hôm Hoa đi bộ từ nhà đến nơi có sóng thì trời âm u, mưa bất chợt đổ xuống và tìm mỏi mắt cũng không nơi nào có tín hiệu. Buổi học online vì thế cũng bị gián đoạn…

Giờ học trực tuyến của học sinh Trường THPT Quế Phong. Ảnh: PV
Giờ học trực tuyến của một học sinh Trường THPT Quế Phong. Ảnh: PV

Nhẩm tính về những tiết học của mình, Hoa cũng cho biết, em không học được nhiều bởi bữa học được, bữa không. Cô bé cũng đang lo ngại, sau khi vào học trực tiếp mình sẽ phải mất một thời gian mới theo kịp các bạn. Dù hoàn cảnh rất khó khăn và chưa biết “việc học của mình sẽ đạt được mục đích gì” nhưng Hoa chưa bao giờ muốn bỏ học. Ước mơ lớn nhất bây giờ của Hoa đó là xã Tri Lễ sớm được gỡ phong tỏa, cuộc sống trở lại bình thường và em được gặp thầy cô, bạn bè chứ không phải chỉ nhìn nhau qua sóng điện thoại.

Xồng Bá Mùa - nhà ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũng vừa bước vào một năm học thật đặc biệt. Trong số hơn 600 học sinh lớp 10 của Trường THPT Quế Phong trong năm học này thì Mùa là học sinh nhập học muộn nhất, sau khai giảng 1 tuần và sau khi nhà trường “chốt” danh sách gần 1 tháng.

Học sinh Xồng Bá Mùa học trực tuyến giữa rừng. Ảnh: PV
Học sinh Xồng Bá Mùa học trực tuyến giữa rừng. Ảnh: PV

Cũng như nhiều học sinh ở những vùng khó khăn của huyện Quế Phong, nhà Mùa ở trên đồi núi cao, chưa có điện và sóng chập chờn. Chính vì vậy, trong khi các bạn đã có thông tin tuyển sinh, nhập học từ sớm thì Mùa vẫn “lơ mơ” chưa biết rõ thông tin.

Quá sốt ruột cho Mùa, anh trai của em đã gọi lên xã, kết nối với nhà trường và tìm được số điện thoại của cô giáo chủ nhiệm khi năm học mới đã bắt đầu được 1 tuần. Tuy lúc đó biết rằng việc nhập học của Mùa là quá muộn nhưng vì thương em và biết khát khao được đi học của Mùa, anh đã xin cô giáo cho Mùa một trường hợp đặc cách.

Là giáo viên chủ nhiệm của Mùa ở lớp 10A10, cô giáo Nguyễn Thị Xoan đã phải trực tiếp xin ý kiến của ban giám hiệu nhà trường về trường hợp hy hữu này vì dường như chưa có trong tiền lệ…Đây có lẽ cũng là kỷ niệm đặc biệt của cô giáo Xoan trong năm đầu tiên được làm giáo viên chủ nhiệm. Những tình huống bất ngờ xảy ra giữa mùa dịch khiến cô giáo viên trẻ mới lên công tác vùng cao đôi khi không tránh khỏi lúng túng. Nhưng, vượt lên mọi khó khăn, cô vui bởi cuối cùng lớp học với sĩ số 49 đã có mặt đầy đủ.

Những lớp học ở giữa rừng mùa dịch. Ảnh: PV
Những lớp học ở giữa rừng mùa dịch. Ảnh: PV

Khi biết thông tin được nhập học và được “vào lớp” cùng các bạn, gia đình đã nhường chiếc điện thoại duy nhất cho Mùa học trực tuyến. Gần 1 tuần qua, Mùa đã làm quen được với thầy cô và các bạn. Để có được một nơi học trực tuyến thuận lợi, anh trai của Mùa và bà con trong bản đã dựng tạm một cái lán, cách nhà gần 1 tiếng đi bộ. Hằng ngày, cứ đến giờ đi học Mùa và một số học sinh khác trong bản lại đến đây “hứng sóng” để vào lớp. Dù đã rất nỗ lực nhưng vì đường truyền không ổn định nên các tiết học của Mùa thường xuyên bị gián đoạn. Thương cậu học trò hiếu học, cô Xoan đã cắt cử một bạn viết chữ đẹp nhất trong lớp hàng ngày chép bài đầy đủ. Cuối buổi học bạn học này sẽ gửi lại bài viết vào trong nhóm lớp để Mùa và những bạn không theo kịp bài sẽ ghi lại bài giảng…

Việc tương tác cũng chỉ được thực hiện khi Mùa vào học online. Thời gian còn lại dù rất muốn liên lạc trực tiếp để giảng bài thêm cho Mùa nhưng các thầy, cô giáo cũng đành bất lực, vì nơi Mùa ở không có sóng điện thoại.

Gian nan việc học mùa dịch

Cho đến thời điểm này, huyện Quế Phong vẫn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh trên, việc dạy học trực tuyến có thể sẽ có phải kéo dài với địa phương này. Tuy nhiên, nếu như học trực tuyến ở những vùng đồng bằng, trung tâm khó một, khó hai thì nơi đây phải khó đến gấp năm, gấp mười lần, đặc biệt là ở những xã đặc biệt khó khăn như Tri Lễ, Nậm Nhón, Quang Phong, Cắm Muộn, Thông Thụ, Đồng Văn vẫn rất vất vả khi học bằng hình thức online.

Giáo viên huyện Quế Phong đến từng nhà giao bài cho học sinh. Ảnh: Chiến Thắng.
Giáo viên huyện Quế Phong đến từng nhà giao bài cho học sinh. Ảnh: Chiến Thắng.

Những ngày qua, giáo viên của trường cũng đã chia sẻ rất nhiều những hình ảnh của các em học sinh khi đang học online khi xung quanh chỉ có đồi núi, những chiếc bàn tre và những chiếc lán được dựng tạm bợ. Do buổi học khác nhau nên thường một buổi học chỉ có từ một đến hai học sinh trong lán, trời nắng các em lấy áo che đầu, trời mưa thì co rúm trong manh áo mỏng manh. Cậu học trò Xồng Bá Lỳ - lớp 12A7 dù đã che chắn khá cẩn thận nhưng thỉnh thoảng vẫn phải than với thầy cô “muỗi cắn chân con quá”, “mạng kém quá, con không nghe được thầy cô giảng và không ghi được gì”. Phụ huynh của em Mùa thì chụp lại cảnh Mùa ngồi một mình trên tảng đá to, chân vừa kê vở, vừa kê điện thoại để học và mong thầy cô “giúp đỡ thêm em Mùa vì học khổ quá”...

Qua 2 tuần học online dù tỷ lệ các tiết học đạt trên 98% nhưng vẫn có khá nhiều học sinh ở Trường THPT Quế Phong chưa thể học ổn định. Để khắc phục hạn chế này, nhà trường cũng đã có những giải pháp riêng, như cho giáo viên chủ động chọn đường truyền ổn định, tăng cường dung lượng bộ nhớ để giáo viên tải được nhiều bài giảng lên mạng hoặc kết hợp dạy học trực tuyến và giao bài qua gmail nhưng đây vẫn là giải pháp tình thế. Hiện, nếu huyện Quế Phong chuyển sang trạng thái bình thường, học sinh có thể trở lại trường thì nhà trường lại đối diện với nỗi lo mất an toàn ở các khu nhà trọ. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Hồng Tư - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường chúng tôi có gần 1.800 học sinh nhưng có khoảng 1.200 học sinh ở xa và đang phải ở trọ xung quanh trường trong điều kiện sinh hoạt xuống cấp và tồi tàn. Nếu xuống học tập trung, việc phòng chống dịch không được đảm bảo thì nguy cơ mất an toàn sẽ rất cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh”.

Đoàn thanh niên của huyện Kỳ Sơn đến từng nhà để giao bài cho học sinh. Ảnh: PV
Đoàn Thanh niên của huyện Kỳ Sơn đến từng nhà để giao bài cho học sinh. Ảnh: PV

Ở Trường THPT Kỳ Sơn, từ đầu tuần này, nhà trường đã chính thức cho học sinh tựu trường, chuyển sang dạy học bằng hình thức trực tiếp. Đây cũng là thời điểm, các giáo viên trong toàn trường phải "tăng tốc", bổ trợ lại kiến thức cho học sinh, nhất là những học sinh ở những vùng khó khăn, chưa có điều kiện học trực tuyến trong thời gian qua.

Trước đó, qua khảo sát, trong số hơn 1.400 học sinh của nhà trường, chỉ có 50% học sinh có đủ phương tiện dạy học. Toàn huyện cũng đang có 78 bản có học sinh của trường nhưng không có điện lưới. Trong tình cảnh trên, trường đã phải ký kết với 41 đoàn cơ sở để hàng tuần gửi bài cho học sinh. Những nơi có sóng, có điện thì cũng chỉ nghe "tiếng soàn soạt", chủ yếu chỉ có tiếng chứ không có hình, chất lượng khó có thể đảm bảo theo yêu cầu đã đặt ra. Thầy giáo Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Với địa bàn như huyện Kỳ Sơn để học trực tuyến thì thực sự khó khăn bởi các em không có phương tiện, không có đường truyền ổn định. Nếu việc học kéo dài sẽ rất thiệt thòi cho học sinh.

Trên toàn tỉnh, việc học đã bắt đầu được nhiều địa phương tổ chức trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, toàn ngành Giáo dục vẫn luôn sẵn sàng tâm thế để chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Và tại Nghệ An, khi mà toàn tỉnh vẫn đang có 69.727 học sinh các cấp đang thiếu phương tiện, thiết bị (hơn 42.000 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn) và có 23.919 (tỷ lệ 3,77%) học sinh có nơi ở không kết nối được Internet thì việc học trực tuyến vẫn đang là vấn đề nan giải./.

Mới nhất

x
Lên núi, dựng lán 'hứng sóng' để học trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO