Kỳ cuối: Quyết tâm vượt khó vì học sinh!
Thiếu giáo viên và không đủ giáo viên đứng lớp là thực trạng chung về dạy học Tiếng Anh ở các huyện miền núi cao Nghệ An.
.png)

Mỹ Hà - Tiến Hùng • 12/04/2025
Thiếu giáo viên và không đủ giáo viên đứng lớp là thực trạng chung về dạy học Tiếng Anh ở các huyện miền núi cao Nghệ An. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục đang có nhiều giải pháp để cải thiện việc học Tiếng Anh ở các nhà trường, đảm bảo tất cả học sinh đều được đi học theo đúng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là những bước đi đầu tiên để các trường học ở Nghệ An nói chung và các huyện miền núi nói riêng thực hiện khát vọng đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.

Cung đường đi làm quen thuộc của cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương kéo dài từ Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Kiệm sang Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Phá Đánh với khoảng cách gần 20 km. Ở độ tuổi gần 50, việc đi lại và di chuyển liên tục tại 2 điểm trường khác nhau với chị thật không dễ dàng.
Tuy nhiên, đây là giải pháp tối ưu nhất được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn thực hiện trong bối cảnh toàn huyện thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng.
Cô Phương cũng cho biết, ngoài dạy 2 trường, lịch dạy của chị đang quá tải, bởi hiện nay, số lớp thực tế mà chị phải đảm nhận là gần 20 lớp ở cả 3 khối 3, 4 và 5, với số tiết thực dạy hàng tuần là 34 tiết (vượt 11 tiết so với quy định).

Chứng kiến một tiết dạy của cô giáo Mai Phương cũng thấm được sự vất vả, nhọc nhằn của cô và trò, vì hiện nay, tất cả các lớp cô Phương đang dạy đều là lớp ghép theo từng khối. Trường tiểu học ở các huyện miền núi đều là những trường đã xây dựng nhiều năm, phòng học nhỏ, không có các phòng chức năng. Trước mỗi tiết học, học sinh của các lớp lại thay nhau chuyển bàn, ghế sang phòng học chung, ngồi chen chúc trong những phòng học từ 50 – 55 học sinh (vượt 20 học sinh theo quy định của trường tiểu học).
Với môn Tiếng Anh, nếu các em được học trong quy mô lớp nhỏ, ít học sinh thì sẽ được tương tác, trao đổi nhiều hơn. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, đây là điều không thể thực hiện được”.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương

Nói về việc triển khai môn Tiếng Anh ở Trường PT DTNT Tiểu học Phà Đánh, thầy giáo Phạm Xuân Hồng - Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, trước mắt, với các tiết học chính khóa, trường đang có giáo viên ở các trường khác về tăng cường. Về lâu dài, trường mong được bổ sung giáo viên hoặc có cơ chế để hợp đồng giáo viên Tiếng Anh về dạy để ổn định việc học của cô và trò.
Tình trạng không có hoặc thiếu giáo viên Tiếng Anh cũng đang diễn ra tại 13 trường tiểu học khác trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Tại Trường Tiểu học Na Ngoi 2, từ sau khi cô giáo Tiếng Anh cũ chuyển trường, đã 3 năm nay trường chưa được bổ sung biên chế.
Thầy Nguyễn Thế Hanh - Hiệu trưởng nhà trường cũng bày tỏ sự lo lắng khi tình trạng này có thể kéo dài vì việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn đang điều cô giáo Nguyễn Thị Thi Thư (giáo viên Trường PT DTBT Tiểu học Nậm Càn) sang đứng lớp với hình thức “lớp ghép”. Các lớp học này sẽ được tổ chức tại nhà ăn bán trú của trường để đảm bảo có đủ chỗ ngồi cho học sinh, tránh việc các em phải di dời bàn ghế sau mỗi lớp học.
.jpg)
Tại huyện Quỳ Châu, đến thời điểm này, toàn huyện chỉ có 1 trường Tiểu học bán trú là Trường PT DTBT Tiểu học Châu Nga. Các trường còn lại, vì chưa thực hiện bán trú nên việc sáp nhập học sinh từ lớp 3 trở lên ở các điểm trường lẻ về các điểm trường chính gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện trên địa bàn huyện, việc thiếu giáo viên cũng đang thiếu ở cả 2 bậc học là tiểu học và THCS. Vì thế, huyện đang linh động để điều chuyển, biệt phái, tăng cường giáo viên dạy học theo hình thức liên trường hoặc liên cụm.
Khó khăn hiện nay đang vướng ở các điểm trường lẻ, vì số giáo viên hiện có không đủ phủ kín tất cả các điểm trường. Bà Nguyễn Thị Bình – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Không chỉ giáo viên “di động” mà học sinh ở huyện chúng tôi cũng đi học Tiếng Anh “di động”. Nghĩa là mỗi khi có tiết Tiếng Anh, học sinh ở các điểm trường lẻ sẽ di chuyển về điểm trường chính để học.


Từ năm học 2022 – 2023, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh từ lớp 3 trở lên. Điều đó cũng đồng nghĩa, Tiếng Anh và Tin học sẽ được phổ cập trên cả nước. Việc triển khai môn học phù hợp, hiệu quả, sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể về năng lực giao tiếp, giúp thế hệ tương lai có hành trang vững vàng cho những chặng đường phát triển tiếp theo.
Ở Nghệ An, khi Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc, bắt đầu từ tiểu học cũng đã đem đến những cơ hội và thách thức. Hiệu quả là điều đã thấy rõ, nhưng khó khăn, bất cập cũng đang nảy sinh, nhất là khi hiện nay điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nhất là việc thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra phổ biến.

Với mong muốn trao cơ hội cho học trò, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có những chỉ đạo “dài hơi” để việc dạy Tiếng Anh được thực hiện thường xuyên và bền vững.
Cụ thể, từ khi toàn ngành bắt đầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Nghệ An đã có chủ trương gom học sinh từ lớp 3 – lớp 5 ở tất cả các điểm trường lẻ về điểm trường chính, xây dựng mô hình trường bán trú để các em được học Tiếng Anh, Tin học, là 2 môn học bắt buộc theo chương trình mới.
Qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, nếu như năm học 2021, toàn tỉnh chỉ có 44 trường phổ thông dân tộc bán trú thì sau 4 năm đã tăng lên 83 trường, trong đó, có 41 trường tiểu học, 8 trường tiểu học và THCS, tổng số điểm trường lẻ sau 4 năm giảm từ 417 điểm xuống còn 322 điểm trường.
Tỷ lệ học sinh trên toàn tỉnh từ lớp 3 – lớp 5 được học Tiếng Anh là 208.942/209.360 em, tăng hơn 31.000 em so với 4 năm trước, trong đó, số học sinh tăng tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chung các huyện miền núi đang thiếu gần 100 giáo viên Tiếng Anh, Sở đã chỉ đạo các huyện miền xuôi, thành thị thực hiện Chương trình “Phòng giúp phòng – trường giúp trường – chuyên môn giúp chuyên môn”, trong đó có nội dung hỗ trợ dạy học trực tuyến cho học sinh vùng cao.
Đến nay, đã có Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Diễn Châu, Đô Lương và gần đây nhất là thành phố Vinh đã “đỡ đầu” cho các trường học ở 3 huyện vùng cao.
Hiện trên cả nước, mô hình này chỉ mới thực hiện được tại một số trường với quy mô nhỏ và không thực hiện liên tục. Ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc phát động Chương trình “Phòng giúp phòng - trường giúp trường – chuyên môn giúp chuyên môn” và sau này được nhiều địa phương khác học tập.
Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết: Trước đây, việc thực hiện “phòng giúp phòng - trường giúp trường” chủ yếu chỉ dừng lại ở hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều mà các trường thiếu nhất và cần nhất, chính là giáo viên Tiếng Anh. Vì thế, việc cùng chung tay tiếp sức đã thực sự gỡ khó cho các trường vùng cao, giúp học sinh được học Tiếng Anh đầy đủ ngay từ bậc tiểu học.

Một tin vui đến với các huyện vùng cao khi từ năm học này, tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND. Theo đó, 83 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở và trường THPT của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu sẽ được hỗ trợ kinh phí để dạy học tăng cường, trong đó có môn ngoại ngữ.
Đây cũng được xem là chính sách quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các huyện miền núi, trao cơ hội để học sinh được phát triển toàn diện. Đón nhận chương trình, dù rất khó khăn trong việc bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, nhưng các huyện miền núi cao đang rất quyết tâm “vượt khó” để học sinh có thêm nhiều cơ hội học tập.
Ông Phạm Viết Phúc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, địa phương hiện chỉ có 17/33 trường tiểu học có giáo viên Tiếng Anh và nếu tính cả 2 bậc học tiểu học và THCS thì đang thiếu 64 giáo viên.
Việc tuyển dụng đang rất khó khăn, dù thừa chỉ tiêu biên chế. Vì thế, ngoài sự hỗ trợ giáo viên từ các huyện miền xuôi, chúng tôi đang động viên các nhà trường thỉnh giảng thêm giáo viên từ bậc THCS, THPT, tổ chức dạy học thêm ngoài giờ học chính khóa, dạy học trực tuyến...”.
Ông Phạm Viết Phúc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn

Để gỡ khó cho các huyện miền núi cao, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức hội nghị và làm việc với tất cả các hiệu trưởng, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện miền núi cao để lắng nghe thực trạng, mổ xẻ những khó khăn và tìm hướng khắc phục.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Giáo dục Nghệ An. Vì thế, ngành đã và đang tiếp tục tham mưu để tỉnh có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ triển khai các chương trình và thu hút giáo viên về công tác tại các huyện miền núi lâu dài.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh việc thiếu giáo viên Tiếng Anh chưa thể giải quyết “một sớm, một chiều” thì việc tăng cường, hỗ trợ, giúp đỡ của các huyện miền xuôi theo chương trình “phòng giúp phòng, trường giúp trường, chuyên môn giúp chuyên môn” là hiệu quả và thiết thực”.
