Giáo dục

Nghệ An: Nhiều giải pháp linh hoạt khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên

Mỹ Hà 24/09/2024 12:12

Việc thiếu giáo viên đã khiến nhiều trường học gặp khó khăn khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, với quan điểm "có học sinh thì phải có giáo viên", các địa phương đang tìm nhiều giải pháp để lấp vào khoảng trống này.

Trường thiếu ít hỗ trợ trường thiếu nhiều

Dù chuyên môn chính là giáo viên dạy Ngữ văn, nhưng ngoài các tiết dạy đúng chuyên môn, thầy giáo Nguyễn Diên Tuấn - giáo viên Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc) có thêm một số tiết dạy về Lịch sử hoặc dạy các tiết học Giáo dục địa phương. Dù việc dạy thêm môn là điều khó khăn, vất vả vì giáo viên phải tìm tòi, soạn thêm giáo án, bổ sung kiến thức... nhưng thầy Tuấn vẫn cho biết, bản thân khá may mắn vì chỉ phải dạy 19 tiết/1 tuần, đúng với số tiết đã quy định. Trong khi đó, nhiều giáo viên Thể dục, tiếng Anh phải dạy đến 24, 25 tiết/1 tuần.

Trước ngày khai giảng, Trường THCS Nghi Kiều - ngôi trường ở vùng khó và nằm xa nhất của huyện Nghi Lộc đứng trước bài toán nan giải khi trường đang thiếu đến 15 giáo viên. Việc sắp xếp giáo viên đứng lớp cũng không dễ dàng, bởi không chỉ thiếu giáo viên theo tỷ lệ quy định, nhà trường còn thiếu nhiều giáo viên đặc thù như tiếng Anh, Vật lý, Mỹ thuật, Âm nhạc...

Ảnh - Mỹ (3)
Nhiều giáo viên ở Trường THCS Nghi Kiều phải đảm nhiệm từ 2 - 3 môn. Ảnh: Mỹ Hà

Trường hợp cô giáo Lê Thị Minh Nguyệt - giáo viên tiếng Anh duy nhất của trường, năm học này cô dạy kín lịch từ thứ Hai đến thứ Bảy và không có ngày nghỉ chuyên môn như quy định. Dù luôn rơi vào tình trạng quá tải nhưng cô giáo Minh Nguyệt cho biết: Trường chúng tôi ở xa trung tâm nên việc điều chuyển giáo viên về rất khó khăn. Vì thế, vì học sinh, vì nhiệm vụ được giao, chúng tôi tự nguyện tăng tiết để không ảnh hưởng đến công tác dạy và học của nhà trường.

Không những năm học này mà các năm học trước việc thiếu giáo viên diễn ra trầm trọng và thiếu đều ở tất cả các môn. Nguyên nhân chính là do trong mấy năm gần đây, số lượng học sinh trên địa bàn tăng quá nhanh và 2 năm gần đây, mỗi năm trường chúng tôi đều tăng hơn 100 học sinh nên phải tăng lớp, tăng giáo viên. Ngoài ra, do đặc thù trước đây, Trường THCS Nghi Kiều, giáo viên người địa phương rất ít và chủ yếu là giáo viên ở vùng xa nên sau nhiều năm công tác số giáo viên xin chuyển về nhiều, tạo nên “lỗ hổng” lớn cho nhà trường. Hơn nữa, mấy năm gần đây, chưa có cơ chế để tuyển biên chế bổ sung nên việc thiếu giáo viên càng diễn ra trầm trọng.

Thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Kiều - Nghi Lộc

Để khắc phục tình trạng này, năm học này, trường đã hợp đồng 14 giáo viên, trong đó, ưu tiên tuyển những giáo viên ở trong xã hoặc vùng kế cận để giáo viên có thể yên tâm công tác, bớt chi phí đi lại, sinh hoạt.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà
Năm học này, Trường THCS Nghi Kiều phải tuyển dụng nhiều giáo viên hợp đồng. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục đề xuất bổ sung biên chế và động viên các giáo viên gắn thêm trách nhiệm để giáo viên dạy tăng tiết hoặc dạy kiêm nhiệm (với những giáo viên được đào tạo song bằng).

Trong trường hợp thiếu giáo viên (như với giáo viên tiếng Anh), nhà trường dự kiến hợp đồng thêm giáo viên ở trường tiểu học sang tăng cường. Trước đó, trường cũng được tăng cường 3 giáo viên từ các trường khác trên địa bàn chuyển đến.

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Nghi Lộc và thiếu đồng thời ở 3 cấp với 266 giáo viên. Do đó, dù đã thực hiện việc tăng cường giáo viên nhưng năm nay toàn huyện cũng chỉ điều chuyển được 8 người (3 giáo viên tiểu học và 5 giáo viên ở bậc THCS) từ trường “thiếu ít” sang trường “thiếu nhiều”.

Sau khi rà soát, huyện đã phân bổ kinh phí để các trường được hợp đồng với 86 giáo viên. Số còn lại đang thiếu, huyện sẽ chi trả ngân sách để các trường trả tăng tiết cho những giáo viên vượt tiết theo quy định. Bên cạnh đó, dự kiến đến cuối tháng 9, huyện sẽ tuyển dụng và tiếp nhận thêm 186 biên chế vào bậc mầm non và tiểu học để bổ sung cho các nhà trường.

Ông Nguyễn Đình Trung – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc

Những giáo viên dạy liên trường

Bước vào năm học mới, cung đường đi dạy quen thuộc của thầy giáo Phan Chí Hiếu - đó là từ Trường THCS Bạch Liêu sang Trường THCS Phan Đăng Lưu (Yên Thành). Việc cùng một lúc phải đảm nhận công việc ở 2 trường dù có những khó khăn riêng, là giáo viên đảm nhiệm bộ môn Tin học, một trong những môn đang thiếu nhiều nhất ở huyện Yên Thành nên thầy Hiếu xem đây là việc bình thường.

Trước đó, Trường THCS Phan Đăng Lưu có 25 lớp, nhưng năm học này trường chỉ có 1 giáo viên dạy Tin. Do đó, nhà trường đã đề xuất với với Phòng Giáo dục và Đào tạo và trao đổi với các trường trong cụm chuyên môn mong muốn được hỗ trợ. Ngoài môn Tin học, hiện trường có 1 giáo viên dạy Hóa học tại Trường THCS Viên Thành về để hỗ trợ thêm cho nhà trường 1 tuần 10 tiết.

Ảnh - Mỹ (5)
Các giáo viên ở huyện Yên Thành đang thực hiện dạy liên trường. Trong ảnh: Giờ học Tin học của học sinh Trường THCS Phan Đăng Lưu. Ảnh: Mỹ Hà

Song song với việc được hỗ trợ giáo viên dạy liên trường, năm nay, Trường THCS Phan Đăng Lưu tiếp tục có thêm một số giáo viên được tăng cường về dạy thêm các môn Thể dục và Toán... Ngay trong trường, nhiều giáo viên đã đảm nhiệm cùng lúc từ 2 - 3 môn nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Trong bối cảnh thiếu giáo viên, việc hỗ trợ theo hình thức “trường giúp trường” là rất thiết thực. Đây cũng là cơ hội để các giáo viên được học tập, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ.

Thầy giáo Trần Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đăng Lưu (Yên Thành)

Ảnh - Mỹ (4)
Giờ học của học sinh Trường THCS Phan Đăng Lưu. Ảnh: Mỹ Hà

Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn huyện Yên Thành. Vì thế, việc thuyên chuyển, biệt phái giáo viên hoặc tổ chức cho giáo viên dạy liên trường đã trở thành việc thường xuyên phải thực hiện vào dịp đầu năm học.

Việc điều chỉnh, cân đối và bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường trên địa bàn xuất phát từ nhu cầu thực tế, đảm bảo tính hợp lý về số lượng, đồng bộ về cơ cấu vị trí việc làm nhằm ổn định đội ngũ và cân đối giáo viên giữa các nhà trường. Riêng năm nay, chúng tôi đã điều chuyển gần 60 giáo viên ở cả bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề nhạy cảm, nên trong quá trình thực hiện chúng tôi cố gắng giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của giáo viên, nhân viên trong việc xin chuyển đến nơi công tác thuận lợi, tạo điều kiện để giáo viên, nhân viên yên tâm công tác lâu dài. Bên cạnh đó, thực hiện đúng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, đảm bảo cho mọi viên chức đều có quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng trong công tác, thuyên chuyển, biệt phái.

Ông Lê Đình Cẩn - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành

Cũng với giải pháp tương tự, năm nay, huyện Tân Kỳ cũng đã thực hiện biệt phái 21 giáo viên ở cả 3 cấp học. Ngoài ra, có gần 30 giáo viên thực hiện dạy liên trường để cân đối đội ngũ giữa các trường.

Ông Hoàng Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Do địa bàn Tân Kỳ có một số xã khá xa trung tâm nên khi thực hiện biệt phái hoặc dạy liên trường chúng tôi phải tính toán, cân đối để tạo thuận lợi cho giáo viên.

Bên cạnh đó, huyện chỉ thực hiện biệt phái có thời hạn (từ 1 đến 3 năm) để các giáo viên yên tâm khi điều chuyển công tác. Ngoài ra, phòng Giáo dục cũng đã tham mưu để mỗi năm huyện cấp ngân sách gần 1 tỷ đồng để trả thêm tiền tăng tiết cho các giáo viên nếu giáo viên phải làm thêm giờ.

Ảnh - Mỹ (6)
Năm học này huyện Yên Thành thực hiện biệt phái gần 60 giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà

Bằng những cách làm tương tự, việc thiếu giáo viên ở các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang từng bước được khắc phục để vẫn đảm bảo việc dạy và học ở các nhà trường. Một tín hiệu tích cực đó là dù thiếu giáo viên nhưng các trường tiểu học ở Nghệ An vẫn duy trì dạy học 2 buổi/1 ngày, nhiều huyện đã hỗ trợ kinh phí để các trường hợp đồng thêm giáo viên hoặc chi trả tiền vượt tiết. Trong khó khăn, mô hình “trường giúp trường”, “cụm chuyên môn giúp cụm chuyên môn” đang được phát huy ngay trong từng huyện, từng cụm.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã lên phương án “huyện giúp huyện” nếu các trường ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn vì thiếu giáo viên các môn đặc thù, nhất là môn tiếng Anh thông qua các giờ học trực tuyến, lớp học trực tuyến...

Mới nhất
x
x
Nghệ An: Nhiều giải pháp linh hoạt khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO