Giáo dục

Giáo viên ở Nghệ An thay đổi để tiếp cận với đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới

Mỹ Hà 16/09/2024 17:01

Năm học 2024 - 2025, các kỳ thi thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã nhận được sự quan tâm của giáo viên, học sinh và các nhà trường.

Báo Nghệ An đã ghi lại một số ý kiến của các thầy, cô giáo về công tác chuẩn bị để giúp học sinh sẵn sàng cho những kỳ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo Lê Thị Hiền – giáo viên dạy Ngữ văn lớp 9 - Trường THCS Lê Xuân Đào (Hưng Nguyên):

Việc tiếp nhận văn bản mới sẽ khó khăn cho học sinh

Dù Sở Giáo dục và Đào tạo chưa công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 nhưng chúng tôi cũng đã tham khảo ở một số tỉnh, thành khác và thấy có nhiều sự khác biệt, nhất là ở câu hỏi nghị luận văn học.

Theo đó, đề thi sẽ ra một văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa. Điều này, có những cái hay riêng, bởi học sinh hoàn toàn không được chuẩn bị, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Nhưng khó khăn là việc tiếp cận văn bản. Lâu nay cả ở chương trình cũ, có những văn bản chúng tôi dạy đi, dạy lại nhiều lần nhưng học sinh vẫn còn lúng túng khi làm bài, nói chi là một văn bản hoàn toàn mới. Về phía giáo viên, việc không ra văn bản trong sách giáo khoa có khi lại khiến giáo viên chủ quan, hời hợt khi phân tích, đánh giá tác phẩm.

Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trường THCS Lê Xuân Đào (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà

Từ thực tế này, để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025, chắc chắn phải tìm rất nhiều văn bản mới để học sinh có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn dữ liệu. Bên cạnh đó, thay vì chỉ chú trọng vào các văn bản, phải dạy kiến thức cơ bản để các em hiểu, nắm vững bản chất các vấn đề.

Ngoài ra, phải rèn kỹ năng cho các em. Đây là yếu tố cơ bản để các em áp dụng tốt vào bài làm, dù với bất cứ văn bản nào. Chúng tôi xác định, các em phải sử dụng kiến thức của bản thân chứ không thể học thuộc, học tủ như trước đây.

Cô giáo Lê Thị Minh Nguyệt - giáo viên tiếng Anh - Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc):

Tăng cường kỹ năng đọc hiểu cho học sinh

Tiếng Anh không phải là lợi thế của học sinh vùng nông thôn, nên để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tôi xác định đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Hiện tại, lượng tài liệu cho học sinh ôn thi theo kỳ thi mới không nhiều nên chúng tôi đang cố gắng tìm tòi, học hỏi tài liệu và tìm các nguồn tài liệu trên mạng để ôn thi cho các em.

Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà

Tại Nghệ An, nhiều năm nay, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thường được đánh giá là khó và điểm thi tiếng Anh thường thấp hơn so với các môn khác. Với sự thay đổi này, tôi nghĩ rằng, kỳ thi mới sẽ khó khăn hơn với học sinh ở trường chúng tôi và chúng tôi phải thay đổi cách dạy, tạo nhiều ngữ cảnh để học sinh có thể phát huy các kỹ năng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong Sở Giáo dục và Đào tạo sớm công bố cấu trúc đề thi minh họa để chúng tôi có thể dạy học và kiểm tra sát với chương trình. Là giáo viên, tôi mong đề thi cũng không quá khó để học sinh, giáo viên có thể nhìn thấy thành quả của mình, là động lực để cố gắng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương - chủ nhiệm lớp 9A - Trường THCS Nghi Kim (thành phố Vinh):

Dạy học sát với chương trình và cấu trúc đề thi

Năm học này là năm học cuối cấp nên cô và trò trường chúng tôi rất lo lắng, nhất là với đặc thù ở một địa bàn như thành phố Vinh. Là giáo viên chúng tôi mong Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có cấu trúc đề thi để căn cứ vào đó chúng tôi sẽ có kế hoạch dạy học sát với chương trình.

dscf9090(1).jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Hương và các học sinh ở Trường THCS Nghi Kim - thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Cá nhân tôi thấy chương trình phổ thông 2018 có nhiều nét mới, trong cách dạy, cách học và cách ra đề. Vì thế, để học sinh sẵn sàng với các kỳ thi, chúng tôi xác định phải giúp học sinh nắm được yêu cầu cần đạt của mỗi bài học và giúp các em nắm vững kỹ năng cơ bản để làm bài. Giáo viên cũng phải dành nhiều thời gian, nghiên cứu tìm hiểu để nắm bắt được chương trình và có phương pháp dạy học phù hợp.

dscf9664(1).jpg
Đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 của Trường THPT Nghi Lộc 2 đang ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024 - 2025. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Cao Thị Nguyệt - Tổ trưởng môn Ngữ văn - Trường THPT Phan Đăng Lưu (Yên Thành):

Đổi mới cách dạy, cách kiểm tra để trang bị nhiều kỹ năng cho học sinh

Trong chương trình đổi mới các môn học thì môn Ngữ văn là môn có sự đổi mới lớn về đề thi, chương trình học và định hướng tiếp cận. Trước sự đổi mới này, giáo viên và học sinh phải thay đổi cách thức tiếp cận, ví dụ như trong sự đối sánh chương trình cũ và chương trình mới. Ở chương trình cũ tập trung khai thác kiến thức học sinh. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thiên về đánh giá năng lực.

dscf9745(1).jpg
Cô giáo Cao Thị Nguyệt và các học sinh ở Trường THPT Phan Đăng Lưu (Yên Thành). Ảnh: Mỹ Hà

Điều này cũng ảnh hưởng đến cấu trúc đề thi. Nếu như chương trình cũ học sinh có chỗ dựa khá vững chắc là các tác phẩm truyền thống, trong sách giáo khoa và các em nếu chăm chỉ sẽ có một mức điểm khá an toàn. Nhưng với chương trình mới, việc ra các tác phẩm mới, ngoài kỹ năng cần thiết, giáo viên phải dạy các em cách tiếp cận một tác phẩm mới, cách thức tăng tính ứng dụng cho học sinh để xử lý tác phẩm… Chưa kể, ngoài kỳ thi tốt nghiệp, còn có những kỳ thi riêng, đề thi còn đánh giá năng lực học sinh về mặt ngôn ngữ, đánh giá tư duy và nhiều nội dung mở khác.

Trong bối cảnh trên, giáo viên phải giúp học sinh tăng cường các kỹ năng đọc tác phẩm, tăng cường kỹ năng chủ động, tích cực chứ không chỉ đơn thuần là khả năng ghi nhớ kiến thức. Hiện nay, trong từng tiết học chúng tôi sẽ mở rộng các tác phẩm ngoài sách giáo khoa, tăng khả năng xử lý đề nhanh… để học sinh rèn luyện tâm lý thi cử, rèn luyện khả năng tự học, rèn luyện hài hòa kỹ năng nghe, nói, đọc, viết…

Cô giáo Phạm Thị Quỳnh Trang - giáo viên dạy môn Toán lớp 12 - Trường THPT Nghi Lộc 2 (Nghi Lộc):

Phân hóa để dạy học đúng đối tượng

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ đề minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo và chắc chắn trong năm học này chúng tôi sẽ thay đổi phương pháp dạy bằng cách phát triển năng lực học sinh. Đề mới có cấu trúc khác hoàn toàn với đề cũ, giáo viên phải phân loại học sinh theo từng nhóm đối tượng khác nhau để dạy phù hợp. Với những học sinh học để thi tốt nghiệp, chúng tôi sẽ dạy các em ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Đối với học sinh có nhu cầu dự thi đại học, ngoài những kiến thức cơ bản, phải có những bài tập khó hơn, ở mức độ vận dụng.

Giờ học Toán của học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học Toán của học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, giáo viên sẽ thường xuyên đưa vào trong tiết học các bài tập theo dạng đề mới như câu hỏi đúng sai, bài tập trả lời ngắn. Ngoài ra, học sinh có thể trải nghiệm các tiết học STEM. Học sinh muốn đạt điểm cao phải cố gắng học tập, biết cách vận dụng thực tế để đưa vào bài giảng.

Việc triển khai kỳ thi mới với những dạng bài tập mới sẽ khó khăn cho cả học sinh và giáo viên. Vì thế giáo viên phải thường xuyên nghiên cứu thêm sách vở và các tài liệu để tiếp cận với chương trình.

Thầy giáo Trần Quốc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (Yên Thành):

Xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh tiếp cận với phương pháp thi mới

Hiện nay, chúng tôi đã khảo sát nguyện vọng của học sinh về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Trên cơ sở đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó, nhấn mạnh đến định hướng và việc ôn thi.

dscf9727(1).jpg
Giờ học của học sinh lớp 12 - Trường THPT Phan Đăng Lưu - Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà

Qua thực tế triển khai cho thấy, dù đây là năm đầu tiên triển khai thi theo chương trình mới, nhưng trước đó, việc định hướng đã được thực hiện ngay từ lớp 10 nên khi đăng ký thi tốt nghiệp các em không có nhiều thay đổi và nhà trường cũng thuận lợi trong tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, với các tổ chuyên môn, nhà trường yêu cầu xây dựng kế hoạch dạy học, trong đó, chú trọng về kỳ thi tốt nghiệp và các kỳ thi đánh giá năng lực.

Chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên đổi mới dạy học, đổi mới cách kiểm tra đánh giá để phát huy phẩm chất năng lực học sinh, giúp các em có một kiến thức nền tảng vững chắc. Nhà trường cũng xây dựng ngân hàng đề theo định hướng phương pháp thi mới./.

Mới nhất
x
x
Giáo viên ở Nghệ An thay đổi để tiếp cận với đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO