Linh hoạt trong dạy, học giáo dục địa phương, khắc phục tình trạng 'dạy chay, học chay'

Mỹ Hà 18/10/2023 10:22

(Baonghean.vn) - Giáo dục địa phương là một nội dung giáo dục quan trọng nhằm giúp học sinh hiểu, yêu, tự hào và có ý thức trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội… của quê hương.

Đây cũng là chương trình bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và đang được các trường học ở Nghệ An triển khai linh hoạt, dù điều kiện còn nhiều khó khăn.

Những bài học thực tiễn

Tiết học giáo dục địa phương với chủ đề “Tín ngưỡng, tôn giáo ở Nghệ An”, dành cho học sinh lớp 8 được thầy giáo Trần Đức Phương - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Lâm Sơn (Nghĩa Đàn) tổ chức khá linh hoạt với nhiều hình thức thể hiện. Ở phần đầu của tiết giảng, bằng nhiều hình ảnh trực quan sinh động được trình chiếu trên màn hình, các học sinh đã được giới thiệu về xuất xứ, đặc điểm các tôn giáo ở Nghệ An và một số công trình tín ngưỡng tôn giáo nổi tiếng.

Tiết học giáo dục địa phương của học sinh Trường THCS Sơn Lâm - Nghĩa Đàn.JPG
Tiết học giáo dục địa phương của học sinh Trường THCS Lâm Sơn (Nghĩa Đàn). Ảnh: Mỹ Hà

Sau khi giúp học sinh hiểu cơ bản về nội dung bài học, thời gian còn lại, các học sinh sẽ được thảo luận theo từng nhóm nhỏ. Trong đó, nhóm 1, 2, 3 giới thiệu về nguồn gốc của tín ngưỡng, tôn giáo, nhóm 4, 5, 6 nêu khái niệm của bài học. Trong quá trình thảo luận, thầy giáo khuyến khích học sinh liên hệ thực tế ở địa phương, ngay nơi các em sinh sống để các em hiểu và nắm bắt kỹ hơn bài giảng.

Trước khi vào bài học, thầy giáo yêu cầu học sinh tìm hiểu thực tế nơi các em đang sinh sống. Từ những dữ liệu được chuẩn bị trước này, khi vào bài học thầy giáo sẽ sắp xếp lại để học sinh hiểu kỹ và sâu sắc hơn.

Đến thời điểm này, việc biên soạn sách giáo khoa cho môn giáo dục địa phương lớp 8 vẫn chưa hoàn thành. Dù đã có hướng dẫn về chủ đề của các bài học nhưng việc triển khai đối với giáo viên vẫn có những khó khăn riêng.

Những buổi thảo luận nhóm sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn các bài học về giáo dục địa phương.JPG
Những buổi thảo luận nhóm sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn các bài học về giáo dục địa phương. Ảnh: Mỹ Hà

Chia sẻ về điều này, thầy giáo Trần Đức Phương cho biết: Tổng thời lượng của Chương trình Giáo dục địa phương chỉ 35 tiết và được lồng ghép trong nhiều môn học khác nhau, tôi thấy học sinh khá hào hứng với môn học này, bởi nó gắn với thực tế nơi các em đang sinh sống, học tập và các em được tiếp xúc hàng ngày. Với chương trình lớp 8 tôi được phân công dạy 2 chủ đề về tín ngưỡng tôn giáo, về Dân ca xứ Nghệ và tôi cũng đã đi tìm hiểu nhiều thông tin để thiết kế các bài giảng điện tử. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có sách giáo khoa hướng dẫn, nên thầy trò phải tự mày mò, nghiên cứu và chú trọng để các em được thể hiện năng lực bản thân...

Tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (TX. Cửa Lò), những buổi học giáo dục địa phương thường gắn với những buổi trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, các làng nghề. Gần đây nhất, buổi học về địa lý, tìm hiểu về thủy sản, hải sản, cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh đã đưa học sinh đi tham quan mô hình sản xuất nước mắm trong thùng gỗ để các em hiểu hơn về nghề chế biến hải sản nổi tiếng của ngư dân.

Chương trình Giáo dục địa phương ở bậc tiểu học được lồng ghép tại nhiều môn học và giáo viên có thể áp dụng được nhiều kiến thức thực tế vào trong giảng dạy. Như với tiết học này, các em có thể nắm bắt được quy trình sản xuất nước mắm, những ưu thế của ngành nghề này trong kinh tế biển và thấy cả được những vất vả, khó khăn của người dân khi làm nghề, các em sẽ trân quý hơn giá trị của lao động.

Cô giáo Trần Quỳnh Anh - Trường Tiểu học Nghi Hòa (TX. Cửa Lò)

Cẩn trọng trong biên soạn tài liệu

Đến nay, qua 3 năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục địa phương với bậc THCS và THPT, chương trình giáo dục địa phương được xem là một môn học khá lý thú, bởi qua các bài học đã trang bị cho học sinh nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội nơi các em sinh sống. Qua đó, cũng đã góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học vào trong cuộc sống.

Buổi học thực tế tìm hiểu về ngành nghề truyền thống của học sinh Trường Tiểu học Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò.jpg
Buổi học thực tế tìm hiểu về ngành nghề truyền thống của học sinh Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò). Ảnh: N.T

Vấn đề vướng mắc đang gặp phải ở đây, đó là dù đã bước vào năm thứ 3 tổ chức dạy và học nhưng việc chuẩn bị sách giáo khoa vẫn khó khăn trong khâu biên tập, thẩm định và phê duyệt chương trình.

Ở năm học trước, học sinh lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã phải học chậm 1 học kỳ vì chưa có sách giáo khoa. Năm nay, học sinh lớp 8, lớp 11 và ngay cả học sinh lớp 10 cũng đang phải học chay, chưa triển khai hoặc các trường đang phải sử dụng giải pháp tình thế như sử dụng tài liệu PDF, giáo viên phải tự soạn giáo án. Hơn thế, việc tổ chức dạy học ở các nhà trường đang có những bất cập, một môn học nhưng có nhiều giáo viên tham gia (tùy theo phân môn, chủ đề)…

Một tiết dạy thực nghiệp môn giáo dục địa phương tại Trường THPT Hà Huy tập.jpg
Một tiết dạy thực nghiệm môn giáo dục địa phương tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

“Đây là một môn học mới nên trong quá trình biên soạn tài liệu chúng tôi cân nhắc và thẩm định một cách đầy đủ. Qua thực tế triển khai, các trường thực hiện nghiêm túc, nhiều giáo viên hết sức cố gắng, linh hoạt trong tổ chức bài dạy và hầu hết các giáo viên đã tự tìm kiếm tư liệu liên quan để bổ trợ cho bài dạy được hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành dạy học thực nghiệm bộ sách giáo khoa mới lớp 8 và lớp 10 tại nhiều trường học ở thành phố Vinh, huyện Anh Sơn và huyện Diễn Châu, với mỗi tài liệu thực hiện 50% chủ đề.

Qua tiết dạy thử nghiệm với bộ môn Lịch sử, cô giáo Đặng Thị Quỳnh Hoa – giáo viên Trường THPT Anh Sơn 1 cho biết: “Tôi thực nghiệm dạy bài di tích, thắng cảnh trong chương trình lớp 11 với việc giới thiệu 2 di tích hang Bua và rừng Pù Mát. Qua thực tế giảng dạy, tôi thấy sách giáo khoa đã giới thiệu được phần kiến thức trọng tâm. Tuy nhiên, các phần về giá trị kinh tế, giá trị du lịch, giá trị lịch sử phần hình ảnh chưa có hoặc đang sơ sài. Trong khi bài học yêu cầu học sinh phải nêu bật được các giá trị này”.

Tiết thực nghiệm về giáo dục địa phương lớp 11.jpg
Những tiết dạy thực nghiệm sẽ giúp cho việc biên soạn sách giáo khoa đạt hiệu quả và đúng với mục tiêu đề ra. Ảnh: Mỹ Hà

Cô Quỳnh Hoa cũng trao đổi thêm, đây là môn học hay nhưng khó. Vì vậy, nếu việc biên soạn sách giáo khoa chưa đầy đủ sẽ dẫn đến những khó khăn cho cả người dạy và người học. Như với chương trình lớp 10, hai chủ đề mà cô tham gia giảng dạy về nội dung các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hoặc về giáo dục Nghệ An, phần tư liệu trong sách chưa đáp ứng đủ cho một bài giảng và các giáo viên đang phải tự tìm kiếm tài liệu bên ngoài khá nhiều.

Với tinh thần cầu thị và xây dựng, qua quá trình tham gia thực nghiệm các bài giảng, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: “Chúng tôi tổ chức đến 50% các tiết thực nghiệm ở 3 địa phương, đại diện cho 3 vùng, miền, mục đích là để lắng nghe ý kiến từ các giáo viên trực tiếp đứng lớp, phát hiện những điều chưa phù hợp để điều chỉnh. Về phía ngành và các đơn vị liên quan sẽ cố gắng biên soạn bộ sách giáo khoa địa phương chất lượng, đáp ứng 3 mạch kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và chính trị, xã hội của Nghệ An. Qua đó, cố gắng đưa những nét tiêu biểu, nổi bật đặc trưng của Nghệ An đến với học sinh, giúp các em hiểu hơn những vấn đề kinh tế, xã hội tỉnh nhà và góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước”./.

Mới nhất
x
Linh hoạt trong dạy, học giáo dục địa phương, khắc phục tình trạng 'dạy chay, học chay'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO