Xã hội

Lỗ hổng trong quản lý các cơ sở thẩm mỹ ở Nghệ An

Tiến Hùng - Thành Chung 19/07/2024 15:06

Trong những năm gần đây, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của con người. Tại Nghệ An, có tới 544 cơ sở thẩm mỹ, spa... Tuy nhiên, nhiều cơ sở hoạt động trái pháp luật, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Hoạt động bát nháo

Trung tuần tháng 7, theo ghi nhận của phóng viên, Viện thẩm mỹ Mayo Clinic (đường Nguyễn Phong Sắc, TP. Vinh), đã đóng cửa, ngừng hoạt động sau khi bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt và đình chỉ 4,5 tháng.

Đây không phải cơ sở thẩm mỹ duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An sử dụng nhiều dịch vụ bị cấm. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, nên hàng loạt cơ sở vẫn chưa bị xử lý, hoặc xử phạt xong, đâu lại vào đấy.

Theo thống kê, trên địa bàn TP. Vinh có 120 cơ sở thẩm mỹ, spa…, nhưng đến nay mới chỉ có 20 cơ sở tự công bố, thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ qua Phòng Y tế. Số còn lại, hoặc là không đủ điều kiện, hoặc là vẫn chưa gửi thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Theo quy định hiện hành, cơ sở hành nghề thẩm mỹ được tồn tại dưới 3 hình thức. Thứ nhất, bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ và bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Bộ Y tế cấp phép hoạt động; Thứ hai, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là cơ sở do Sở Y tế cấp phép hoạt động; Thứ ba, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là loại hình nhiều nhất, không được sử dụng dịch vụ xâm lấn; không thuộc loại hình quản lý của ngành Y tế; không cần giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu.

Toàn tỉnh hiện có đến 554 cơ sở thẩm mỹ, spa.
Toàn tỉnh hiện có đến 554 cơ sở thẩm mỹ, spa. Ảnh: T.H

Tính đến cuối năm 2023, qua rà soát của các phòng Y tế UBND cấp huyện, toàn tỉnh có 554 cơ sở thẩm mỹ, spa... Trong số đó, mới chỉ có 91 cơ sở đã thực hiện tự công bố, thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ qua phòng y tế các huyện, thành (chiếm tỷ lệ 16,4%). Trong khi vẫn còn 463 cơ sở chưa tự công bố hoặc không đủ điều kiện theo quy định để tự công bố. Nhiều cơ sở còn hoạt động trá hình, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn,… quy định theo bản đã tự công bố.

Nói về Viện thẩm mỹ Mayo Clinic, ông Trần Nguyên Truyền - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, đây là cơ sở thẩm mỹ không do Sở Y tế cấp phép, nên đơn vị không thể kiểm tra thường xuyên, mà chỉ kiểm tra sau khi có đơn tố cáo hành nghề y không phép. “Theo quy định thì những cơ sở này do chính quyền địa phương quản lý. Cụ thể là phòng y tế các huyện, thành, thị”, ông Truyền nói.

Còn bà Hồ Thị Hoa - Trưởng phòng Y tế TP. Vinh cho biết, trước đây đơn vị cũng nhận được một số đơn phản ánh về cơ sở thẩm mỹ này. Thành phố sau đó cũng đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản nhưng sau đó không xử phạt được. Đó cũng là lần duy nhất, Phòng Y tế TP. Vinh tổ chức kiểm tra ở cơ sở thẩm mỹ này. “Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND phường Hưng Dũng, giao cho phường thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của cơ sở, nếu phát hiện cơ sở hoạt động vượt quá phạm vi đăng ký thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, bà Hoa nói.

Phường không có lực lượng, cũng như chuyên môn để tự kiểm tra, giám sát những cơ sở thẩm mỹ này. “Chúng tôi chỉ tham gia phối hợp nếu thành phố có đoàn kiểm tra thôi. Còn nếu phường tự kiểm tra thì không thể.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng. TP Vinh

Do những quy định, chế tài cũng như công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ chưa đồng bộ, sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn thiếu nhịp nhàng, đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ hoạt động “chui”, hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép, quảng cáo quá chuyên môn của mình... gây ra nhiều sự cố và hệ lụy cho khách hàng.

Lực lượng chức năng trong một lần đi kiểm tra.
Lực lượng chức năng trong một lần đi kiểm tra. Ảnh: T.H

Cần tăng cường kiểm tra

Bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động. Do vậy, trước khi đi vào hoạt động và cung cấp các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ thì những bệnh viện và phòng khám này phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Trong khi đó, đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, theo quy định lại không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, mà chỉ cần văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về phòng y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Chính vì quy định về điều kiện hoạt động tương đối “dễ dãi” này là nguyên nhân khiến cho công tác quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Như đã nêu, ở thời điểm này mới chỉ có 91/554 cơ sở thực hiện thông báo. Còn 463 cơ sở dịch vụ còn lại không thể kiểm soát được có thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ hay không.

Trong khi đó, qua phản ánh của người dân, nhiều cơ sở thường quảng cáo tràn lan và có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc hoặc các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác hay xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, tiêm chất làm đầy... thậm chí kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hết hạn sử dụng. Có cơ sở còn liên kết với các bác sĩ “chạy sô, mổ dạo, mổ chui” thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn vượt quá mức cho phép.

Viện thẩm mỹ Mayo Clinic đã đóng cửa sau khi bị đình chỉ hoạt động.
Viện thẩm mỹ Mayo Clinic đã đóng cửa sau khi bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: T.H

Theo bà Hồ Thị Hoa, các cơ sở thẩm mỹ này cần phải đưa vào diện ngành Y tế quản lý và phải được cấp phép hoạt động như những cơ sở y tế. “Theo luật hiện hành thì các cơ sở thẩm mỹ này không cần phải cấp phép hoạt động. Họ chỉ cần đăng ký kinh doanh và tự thông báo hoạt động, rất là dễ nên mọc ra như nấm. Khi mở tràn lan ra rồi, công tác quản lý cũng rất khó. Chúng tôi đi kiểm tra, thông qua camera thì chưa vào tới cửa họ đã biết. Vì thế, khi vào kiểm tra, chỗ nào cũng ngăn nắp, cũng đúng quy định, không phát hiện gì bất thường cả. Chúng tôi chỉ phát hiện khi có người dân phản ánh, còn đi kiểm tra rất khó phát hiện vi phạm. Chính vì vậy, để quản lý tốt cần phải thay đổi luật, để đưa vào diện ngành Y tế quản lý và cấp phép”, Trưởng phòng Y tế TP. Vinh nói.

Công tác quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hiện còn nhiều bất cập, khó khăn. Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động. Quá trình hoạt động, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không chỉ cung cấp dịch vụ phun, xăm, thêu như đã công bố mà sử dụng các thiết bị, máy móc, thực hiện dịch vụ khác như tiêm các chất như filer, botox. Một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ năng lực yếu nhưng quảng cáo quá khả năng, thực hiện dịch vụ không đảm bảo chất lượng dẫn đến khiếu nại, tranh chấp, gây mất an ninh trật tự xã hội và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của khách hàng… cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể đối với loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải được cấp phép hoạt động giống như: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; cơ sở dịch vụ cấp cứu… để quản lý, giám sát hiệu quả.

Bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh

Mới nhất

x
Lỗ hổng trong quản lý các cơ sở thẩm mỹ ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO