Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Trần Văn Sơn – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An thừa nhận, tình trạng người dân tự ý ồ ạt khai thác rừng rồi lại tự trồng mới trên đất rừng phòng hộ. Ngoài ra, trong rừng phòng hộ cũng có nhiều công trình trái phép tồn tại. Tuy nhiên, theo ông Sơn để xảy ra những việc này đều do sai lầm của lịch sử để lại.
Cụ thể, khi thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ năm 2007, cơ quan có thẩm quyền đã không đền bù để thu hồi đất đã bàn giao cho người dân trước đó. Bởi trong số 4.800 ha quy hoạch rừng phòng hộ thì có tới khoảng 2.000 ha trước đây đã được Nhà nước lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất theo Nghị định 163, giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02, giao đất theo Quyết định 184 cho người dân. Trong khi đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An dù đã được thành lập 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được đóng mốc ranh giới rừng phòng hộ ngoài thực địa nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
“Khoảng 2.000 ha đất rừng giao cho người dân đến nay vẫn chưa thu hồi được. Trong khi đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An là đơn vị được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về mặt quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng diện tích rừng này. Vì thế mà có sự chồng chéo, cũng có thể hiểu là một rừng nhưng có 2 chủ”, ông Trần Văn Sơn nói.
Đó là chưa kể những diện tích rừng người dân tự trồng sau khi đã khai thác tận thu rừng trồng của các dự án Nhà nước trước đây như 372, 661, KFW4… Khi đến kỳ khai thác, hầu hết các hộ dân nhận khoán tự ý khai thác trắng mà không xây dựng phương án khai thác tận thu, hồ sơ thiết kế theo quy định. Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đã lập biên bản đình chỉ, đồng thời báo cáo, lập hồ sơ gửi Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chức năng của huyện Quỳnh Lưu yêu cầu xử lý nghiêm để làm gương, tuy nhiên đến nay công tác xử lý vẫn chưa được thực hiện triệt để. Có trường hợp, thậm chí Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đã phải gửi đi hơn 20 công văn đề nghị xử lý, nhưng sau đó vẫn không có kết quả.
Chính vì không xử lý được, nên tình trạng phá rừng phòng hộ trái pháp luật cứ thế diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trao đổi về việc này, ông Lê Ngọc Hữu – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoàng Mai – Quỳnh Lưu cho biết, đơn vị cũng nhận được nhiều biên bản do Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An gửi qua đề nghị xử phạt. “Nếu như theo quy định cũ có thể xử phạt được. Nhưng quy định đó đã hết hiệu lực, hiện nay không có chế tài nào để xử phạt cả”, ông Hữu nói.
Ngoài ra, theo Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, tại xã Tân Thắng còn có một vấn đề khác cũng của lịch sử để lại. Đó là phần lớn rừng phòng hộ ở xã này đã được Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu khoán khế ước bảo vệ rừng tự nhiên, thảm thực vật trái thẩm quyền từ hơn 20 năm trước. Trong nội dung khế ước đã ghi rõ, được quyền thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, được đền bù thành quả lao động khi thu hồi…, và thời hạn sử dụng là 50 năm. Do vậy, đã xảy ra tình trạng các hộ nhận khoán tự ý phá rừng, mua bán, chuyển nhượng rừng phòng hộ, tự ý khai thác rồi tự ý trồng rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An thừa nhận lực lượng chức năng đang rất bế tắc, bất lực trước tình trạng rừng phòng hộ ở Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai bị người dân tự ý khai thác. Ông Tuấn cũng cho rằng, do sai sót lịch sử để lại nên hiện nay không thể xử lý được hành vi phá rừng phòng hộ của người dân.
“Đây là hậu quả của quá trình quy hoạch nửa vời. Đất đã giao cho người dân rồi lại còn quy hoạch cho rừng phòng hộ. Ở đó có hồ Vực Mấu, nên quy hoạch rừng phòng hộ để bảo vệ nguồn nước là hợp lý. Nhưng khi làm quy hoạch thì phải đền bù cho người dân để thu hồi đất. Đến bây giờ, gây ra hệ lụy, Ban quản lý rừng phòng hộ được thành lập nhưng lại bất lực, không làm được gì khi chứng kiến người dân tự ý khai thác rừng”, ông Tuấn nói và cho hay, trước thực trạng này, ngành Lâm nghiệp cũng đã có rất nhiều đoàn ra làm việc suốt nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo ông Tuấn, hiện nay có 2 giải pháp để xử lý thực trạng này. Thứ nhất là thu hồi đất rừng trước đó Nhà nước đã giao cho người dân. Hoặc điều chỉnh quy hoạch, đưa diện tích đất này ra khỏi rừng phòng hộ, để không bị chồng lấn.
Tương tự quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho rằng, công tác quy hoạch rừng phòng hộ trước đây được tiến hành không phù hợp, vì đất rừng trước đó đã giao cho người dân rồi. “Nhiều năm nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An chỉ quản lý trên danh nghĩa. Việc Ban quản lý rừng phòng hộ nói người dân phá rừng phòng hộ và đề nghị xử phạt cũng không đúng. Vì đất rừng này giao cho người dân, người dân quản lý từ lâu rồi. Tài sản của người ta, người ta thu hoạch thì sao lại nói phá được. Về mặt pháp lý, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An chỉ mới tiếp nhận trên danh nghĩa”, ông Dinh nói.
Về giải pháp, ông Dinh cũng đồng tình với quan điểm của Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. “Theo tôi cần phải khẩn trương rà soát, xem xét lại những diện tích nào cần thiết cho phòng hộ thì đền bù cho người dân để thu hồi đất. Còn những diện tích nào không cần thiết thì đưa ra khỏi quy hoạch phòng hộ”, ông Dinh nói.
Về phía Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, đơn vị này đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bổ sung kinh phí đóng mốc 3 loại rừng cho đơn vị. Ngoài ra, đối với các hộ dân nhận khoán đã được Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu (cũ), giao khoán không đúng tại xã Tân Thắng, UBND huyện Quỳnh Lưu và các cơ quan liên quan cần lập hồ sơ hủy bỏ khế ước.
Đối với các hộ đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 163, giao đất theo Nghị định 02, Quyết định 164 và khế ước giao đất có rừng, được Nhà nước cho thuê đất, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án xử lý. Lập hồ sơ bàn giao cho địa phương quản lý hoặc thu hồi, đền bù cho các hộ dân và giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lâm luật, như tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng loại cây nông nghiệp, khai thác rừng trái pháp luật, xây dựng nhà ở, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép trong rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, các giải pháp được các ngành, địa phương đưa ra đều có những bất cập. Cụ thể, về việc thu hồi đất của người dân hiện nay chi phí đền bù sẽ rất lớn. “Nếu như trước đây, khi thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ mà thu hồi đất rừng thì chi phí rất nhỏ. Vì lúc đó chỉ cần đền bù thành quả trên đất, chỉ cần chờ người dân khai thác xong, rồi thu hồi thì sẽ hạn chế rất nhiều chi phí. Còn bây giờ muốn thu hồi thì phải đền bù cả đất lẫn tài sản trên đất. Con số có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Việc này khó khả thi”, ông Lê Ngọc Hữu – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai nói.
Về việc điều chỉnh quy hoạch, đưa diện tích đất này ra khỏi rừng phòng hộ là giải pháp khả thi hơn. Tuy nhiên, lúc đó Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An gần như chắc chắn sẽ phải giải thể. Bởi theo quy định, Ban quản lý rừng phòng hộ chỉ được phép thành lập khi có đủ diện tích từ 5.000 ha trở lên. Còn Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An hiện chỉ có 4.800 ha đã thuộc trường hợp đặc biệt, vì không đủ tiêu chí. Nếu điều chỉnh quy hoạch, đưa ra khỏi rừng phòng hộ khoảng 2.000 ha trước đó đã bàn giao cho người dân, thì số diện tích còn lại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An là quá nhỏ. Và việc giải thể Ban này là điều khó tránh khỏi.
“Cứ như huyện Diễn Châu, diện tích rừng phòng hộ không đủ để thành lập Ban quản lý thì giao cho huyện quản lý. Có sao đâu”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nêu quan điểm.