Lộ khối tiền triệu đô của đại gia Việt giấu ở nước ngoài

12/05/2016 20:29

Hồ sơ Panama đã cảnh báo nguy cơ lách thuế, trốn thuế của các tổ chức, cá nhân liên quan ở Việt Nam thông qua các giao dịch xuyên quốc gia. Đây không phải là lần đầu tiên các đại gia Việt lộ khối tiền triệu đô, các giao dịch mua bán tài sản lớn ở nước ngoài. Nhưng rồi, các vụ việc nếu không dang dở thì cũng rơi vào quên lãng.

Lộ dấu vết

Hồ sơ Panama công bố hôm 10/5/2016 cho thấy, Việt Nam, có 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian trong danh sách này.

Một số cá nhân đã lên tiếng cho rằng, việc có tên trong danh sách là điều bình thường, hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ. Nhưng đó chỉ là số rất ít, đa số tài sản, giao dịch của các cá nhân, tổ chức, sự di chuyển của dòng tiền vẫn là một bí ẩn.

Đây không phải là lần đầu tiên đại gia Việt lộ khối tiền, các tài sản, giao dịch lớn liên quan ở nước ngoài.

hồ sơ Panama, thiên đường thuế, trốn thuế, 189 tổ chức cá nhân Việt Nam, Nguyễn Duy Hưng, chứng khoán, tài chính, ông trùm, Đầu tư, Panama, Nguyễn Thanh Hùng, nguyễn phương thảo, Nguyễn Cảnh Sơn, rửa tiền, đại gia Việt, tỷ phú, trốn thuế, thiên đường thuế
Ảnh Internet

Đầu 2015, tài liệu của tổ chức phóng viên điều tra (ICJC) đã công thông tin hơn 100.000 khách hàng, thuộc hơn 200 quốc gia mở tài khoản tại ngân hàng HSBC, chi nhánh Thụy Sĩ trong giai đoạn 1988 đến 2007.

Có 26 khách hàng liên quan đến Việt Nam trong danh sách này, với tổng tài sản 37,5 triệu USD và người có tài sản lớn nhất là 12,2 triệu USD. Nhiều chuyên gia cho biết, các quy định hiện không cho phép người Việt gửi tiền ở ngân hàng nước ngoài. Thậm chí, thời điểm đó các quy định còn khắt khe và giao thương quốc tế còn khó hơn bây giờ nhiều. Nhưng sự việc này cũng trôi qua nhanh chóng.

Gần đây, vụ việc Giang Kim Đạt - Nguyên Trưởng phòng kế toán Vinashin tham ô gần 19 triệu USD trong đại án Vinashin và bỏ trốn ra nước ngoài. 5 năm lẩn trốn ở Singapore, ngoài việc tiêu xài hoang phí, Đạt đã mua một căn hộ trị giá 3,6 triệu USD đứng tên mình. Trước đó, Đạt cũng đã mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore và bán lại.

Câu hỏi bằng cách nào Đạt đã chuyển một lượng tiền lớn ra nước ngoài và mua bán tài sản lớn dưới tên mình vẫn đang được điều tra làm rõ.

Trong một vụ án khác, đại gia thủy sản Phương Nam – Lâm Ngọc Khuân khi vỡ nợ đã bỏ trốn ra nước ngoài. Trong khi để lại khối nợ chục ngàn tỷ trong nước thì đại gia này được xác định đã bằng một cách nào đó đã chuyển được tiền và mua nhà ở Mỹ.

Cách đây vài năm, một DN bất động sản Anh Quốc đến Hà Nội chào bán nhà ở Luân Đôn cho người Việt. Quanh việc này, quan chức từ cơ quan quản lý cho biết, việc này không khả thi vì các quy định cho người Việt Nam mua tài sản và thanh toán tiền ra nước ngoài rất hạn chế.

Tuy nhiên, một báo cáo sau đó không lâu của Coldwell Banker Singapore, tỷ lệ người Việt mua nhà ở Singapore chiếm đến 3,2% các giao dịch BĐS của đảo quốc này.

Không chính thức, gần đây ở TP. Hồ Chí Minh có những chương trình tiếp thị chào mua nhà ở Mỹ cho các nhà giàu Việt Nam. Ví dụ, một hãng tư vấn BĐS Mỹ mở đại diện ở TP Hồ Chí Minh đã gửi các thông tin chào mời mua nhà trị giá 500.000 USD. Cũng theo các nhân viên tư vấn hãng này thì đã có rất nhiều người mua nhà ở Mỹ với số tiền lên tới cả trăm ngàn USD.

Trong khi đó, một công ty chuyên về đầu tư định cư tại Mỹ, Canada, EU đã tổ chức một tọa đàm về chương trình đầu tư định cư Mỹ EB-5 với lời mời hấp dẫn: Chỉ cần đầu tư 500.000USD vào Mỹ sẽ được cấp “thẻ xanh”.

Siêu giàu và minh bạch tài sản

Số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam đang tăng lên nhưng tất cả đều rất mờ ảo với người Việt. Rất ít thông tin về tài sản, các giao dịch được công bố và giải trình đầy đủ

Cuối 2014, một ngân hàng Thụy Sĩ có báo cáo về người siêu giàu trên thế giới với tài sản tối thiểu mỗi người là 30 triệu USD (khoảng 640 tỷ đồng). Việt Nam có 210 đại diện với tổng tài sản trị giá 20 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cả về số lượng và giá trị so với 2011.

Tuy nhiên, cho tới giờ, ngoài khoảng 25 người có tài sản là cổ phiếu niêm yết công khai trên TTCK trị giá trên 640 tỷ đồng thì đa số những cái tên trong danh sách vẫn điều bí ẩn.

Một báo cáo trước đó vài tháng cũng khẳng định Việt Nam có 2 tỷ phú USD với tài sản khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong báo cáo này không tiết lộ tên tuổi của hai tỷ phú người Việt.

hồ sơ Panama, thiên đường thuế, trốn thuế, 189 tổ chức cá nhân Việt Nam, Nguyễn Duy Hưng, chứng khoán, tài chính, ông trùm, Đầu tư, Panama, Nguyễn Thanh Hùng, nguyễn phương thảo, Nguyễn Cảnh Sơn, rửa tiền, đại gia Việt, tỷ phú, trốn thuế, thiên đường thuế

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như của Ngân hàng ANZ cũng thừa nhận số lượng người siêu giàu và người trung lưu Việt tăng vọt gấp nhiều lần trong một thập kỷ qua. Báo cáo của Knight Frank, dự đoán trong 10 năm tới, số người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng nhanh nhất thế giới, tăng hơn gấp đôi lên con số 300.

Tuy nhiên, trong tất cả các báo cáo không có bất kỳ một cái tên nào được công bố. Thậm chí, ở trong nước danh xưng đại gia, tỷ phú thường chỉ là những đồn đoán chưa xác thực.

Thông tin về số lượng người giàu Việt tăng mạnh là điều tốt lành. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch đang khiến người giàu và khối tài sản của họ luôn là một thông tin được tìm kiếm nhưng dường như tất cả đang là tấm màn mờ bao phủ.

Nhưng thông tin bất ngờ lộ diện trên đây và mới nhất là Hồ sơ Panama lại một lần nữa dấy lên nghi ngờ về sự không minh bạch về tài sản, giao dịch và thuế má của không ít cá nhân và tổ chức ở Việt Nam.

Hồ sơ Panama chưa đưa ra được một bằng chứng nào về trốn thuế, lách thuế của các cá nhân, tổ chức trong danh sách nhưng đó là một hồi chuông cảnh báo về khả năng thất thu thuế, câu chuyện quản lý thuế và sự công bằng thuế ở Việt Nam.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện ActionAid Vietnam cho biết, rất khó để đánh giá thực trạng thất thu thuế ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ActionAid thách thức lớn đối với Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển là các hành vi trốn, lách thuế hoặc chuyển giá của các DN đa quốc gia hoặc có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hàng năm, các quốc gia đang phát triển bị mất khoảng 213 tỷ USD do tình trang trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Tại Việt Nam, điều tra toàn quốc của Tổng cục Thuế năm 2013 về tình trạng trốn thuế cho biết 83% DN nước ngoài đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau để giảm thiểu số tiền thuế phải nộp.

Trong hồ sơ Panama, có rất nhiều các công ty “vỏ bọc” (shell companies), công ty offshore, tài khoản NH ở nước ngoài (offshore account) của doanh nhân, DN Việt mở ở các thiên đường thuế. Đây có lẽ là những kẽ hở mà các nhà quản lý thuế chưa bịt lấp được.

Chính vì thế, ngay sau khi có thông tin từ Hồ sơ Panama, Tổng cục Thuế cũng đã thành lập một tiểu ban khẩn để tiến hành đối chiếu dữ liệu để kiểm tra nghĩa vụ thuế của những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ.

Còn đại diện NHNN cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan khi cần thiết để làm rõ các trường hợp trong Hồ sơ Panama. NHNN sẽ tiến hành rà soát các thông tin được công bố với chính dữ liệu về phòng chống rửa tiền sẵn có.

Theo vietnamnet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Lộ khối tiền triệu đô của đại gia Việt giấu ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO