Lợi dụng giấy giới thiệu của các tổ chức hội để bán thực phẩm chức năng cho người già

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, có một nhóm người được hội người cao tuổi các huyện viết giấy giới thiệu về các xã để “tuyên truyền văn hóa đọc”, nhưng trên thực tế lại lôi kéo các cụ già mua thực phẩm chức năng.

Bán thực phẩm chức năng dưới mác “tuyên truyền văn hóa đọc”

Nhiều ngày nay, ông Nguyễn Văn Ngh. (76 tuổi) ở xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên), buồn đến “mất ăn, mất ngủ” vì tiếc khoản tiền lớn đã trót bỏ ra để mua thực phẩm chức năng. “Thực phẩm chức năng thì vẫn đang để đó, không dám dùng vì không biết chất lượng thế nào. Con cháu thì phàn nàn, vì kiểu bán hàng này đã cảnh báo nhiều rồi mà tôi vẫn mắc phải”, ông Ngh. ngậm ngùi nói.

Ông Ngh. kể, ngày cuối tháng 3/2024, cũng như các bậc cao niên khác, ông nhận được thông báo của Hội Người cao tuổi xã đến tập trung ở hội trường xóm để tham dự cuộc “tuyên truyền văn hóa đọc”. Tại đây, nhóm khoảng 5 người đưa ra giấy giới thiệu của Hội Người cao tuổi huyện Hưng Nguyên khiến các cụ già tin tưởng.

Giấy giới thiệu với nội dung gửi chủ tịch hội người cao tuổi các xã, thị trấn nêu, thực hiện theo công văn của Hội Người cao tuổi tỉnh Nghệ An về việc phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Hội Người cao tuổi huyện Hưng Nguyên thống nhất phối hợp với Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam để xây dựng mô hình “Câu lạc bộ đọc người cao tuổi”.

Theo đó, trung tâm này sẽ hỗ trợ tư vấn thành lập Câu lạc bộ đọc người cao tuổi ở các chi hội (tài trợ cho mỗi câu lạc bộ 10 cuốn đặc san sức khỏe người cao tuổi và 300.000 đồng tiền mặt). “Trong thời gian thực hiện tài trợ xây dựng Câu lạc bộ đọc người cao tuổi tại cơ sở, trung tâm chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa đọc, ngoài ra, không bán hoặc kinh doanh thêm sản phẩm gì khác”, giấy giới thiệu nêu rõ.

Cho rằng đây là một chủ trương của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, có lợi cho các hội viên, Hội Người cao tuổi huyện Hưng Nguyên còn đề nghị các chi hội thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức quán triệt đến cán bộ, hội viên người cao tuổi, vận động mỗi chi hội thành lập 1 câu lạc bộ đọc, theo đó, áp dụng các kiến thức bổ ích được truyền tải trong đặc san sức khỏe người cao tuổi để phục vụ nhu cầu đời sống…

“Trong giấy giới thiệu có nói hỗ trợ mỗi chi hội 300.000 đồng nhưng không có, họ nói khoản tiền đó dành cho chi phí tổ chức rồi. Họ có tặng mấy cuốn đặc san sức khỏe, nhưng tất cả đều phát hành từ năm ngoái”, ông Ngh. kể thêm.

bna_ban4.jpg
Giấy giới thiệu của Hội Người cao tuổi huyện Hưng Nguyên. Ảnh: T.H

Sau khi đã đông đủ những người già, nhóm người này bắt đầu hỏi thăm, “tư vấn sức khỏe” cho các cụ. “Họ nói khéo lắm, nghe như rót mật vào tai. Nắm được tâm lý người già thì ai cũng lo về sức khỏe. Được một lúc thì họ bắt đầu giới thiệu về thực phẩm chức năng, có công dụng rất tốt. Ai muốn mua thì đăng ký, ngày mai sẽ có người gửi đến tận nhà”, ông Ngh. kể và cho hay, sau đó hầu hết những người tham dự đều đăng ký mua thực phẩm chức năng, người ít thì 3 hộp, nhiều thì 5 hộp.

Cũng như nhiều người khác, ông Ngh. đăng ký mua 5 hộp thực phẩm chức năng, với giá 1,9 triệu đồng. “Nếu không có tờ giấy giới thiệu của Hội Người cao tuổi huyện thì không ai mua đâu. Vì sản phẩm kiểu này chúng tôi bị lừa nhiều rồi. Trước đây, từng nhóm người cứ liên tục về các xóm, làng, nhưng không có ai giới thiệu về cả. Họ tìm đến một nhà dân nào đó mượn địa điểm, rồi bảo cứ mời được 1 người cao tuổi nào đó đến nghe giới thiệu sản phẩm, sẽ được nhận quà. Sau đó, họ sẽ bán thực phẩm chức năng. Nhiều người tin theo, mua về dùng không có hiệu quả gì, chất lượng rất tệ”, ông Ngh. kể.

Mánh khóe cũ

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ trong những ngày cuối tháng 3, nhóm người này đã bán được rất nhiều sản phẩm nhờ những cuộc “tuyên truyền văn hóa đọc”. Chỉ riêng tại xã Hưng Phúc, nhóm người này chia thành 5 nhóm, về 5 hội trường của các xóm để tổ chức cùng lúc. Sau khi đã bán được hàng trăm hộp thực phẩm chức năng thì nhanh chóng rời đi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Đăng Vĩnh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Nghệ An cho biết, hội chưa nhận được phản ánh nào từ dưới cơ sở. “Chúng tôi có gửi công văn giới thiệu xuống các hội của huyện. Nhưng trong công văn cũng đã nói rõ, không được lợi dụng để bán hàng. Nếu phát hiện việc này xảy ra, cứ báo cơ quan công an để làm việc”, ông Vĩnh nói.

bna_ban3.jpg
Một bà cụ ở huyện Nghi Lộc mua rất nhiều thực phẩm chức năng sau khi dự buổi "tặng quà hội người cao tuổi" ở hội trường xóm. Ảnh: T.H

Còn ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Hưng Nguyên cho biết, đây là bài học kinh nghiệm của hội. “Chúng tôi cũng đã lường trước rồi, trong công văn gửi xuống của xã, thị trấn cũng đã nói là không bán hàng, kinh doanh gì hết. Ngoài ra, tôi còn điện thoại dặn dò lãnh đạo từng chi hội, bảo là họ có bán gì cũng không mua. Nhưng cuối cùng vẫn xảy ra. Chúng tôi lại bị lợi dụng”, ông Thắng nói và cho biết, vụ việc này sẽ không lặp lại.

Không chỉ có hội người cao tuổi, nhiều tổ chức hội khác cũng thường xuyên bị lợi dụng tương tự. Tại huyện Tương Dương, cách đây không lâu, nhiều cựu chiến binh bức xúc vì cho rằng bị lừa chụp ảnh với giá cao. Theo đó, họ nhận được thông báo từ Hội Cựu chiến binh về việc có một đơn vị hỗ trợ chụp ảnh, không nói rõ chi phí khiến nhiều người tưởng không mất tiền. “Sau khi chụp xong, thì họ gửi ảnh đến tận nhà và yêu cầu đóng hơn 1 triệu đồng. Trong khi bức ảnh ghép rất xấu, nếu chụp dịch vụ ở ngoài cũng chỉ mất vài trăm nghìn đồng. Lúc đầu thì họ không nói rõ, ai cũng tưởng là miễn phí”, một cựu binh ở thị trấn Thạch Giám nói.

bna_ban2.jpg
Một người đàn ông giới thiệu thực phẩm chức năng tại hội trường xóm. Ảnh: T.H

Trong khi đó, hội cựu giáo chức ở nhiều huyện thì lại bị lợi dụng dưới cái mác “học trò cũ thành đạt về tri ân thầy cô”, mà Báo Nghệ An cũng đã nhiều lần phản ánh. Theo đó, nhóm người thường xuyên liên hệ với lãnh đạo các hội cựu giáo chức tại các huyện, tự xưng là con em trên địa bàn nay đã thành đạt. Thông qua các hội cựu giáo chức mời các hội viên đến đông đủ để “tặng quà tri ân”. Tuy nhiên, sau khi tặng những món quà giá trị thấp xong, nhóm này liền giới thiệu và bán nhiều mặt hàng giá cao cho các giáo viên già.

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã. UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng giám sát các hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng tại các hội nghị, hội thảo trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Công an tỉnh được giao chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bán hàng không phép, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xử lý nghiêm các trường hợp trên có dấu hiệu lừa đảo, gây mất an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền cấp xã thông báo cho khối, xóm, bản tuyệt đối không cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê, mượn hội trường UBND phường, xã, thị trấn; nhà văn hóa khối, xóm, bản; các sân vận động để tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, tổ chức hội thảo kết hợp bán hàng, việc tổ chức bán hàng của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh phải thực hiện tại các địa điểm kinh doanh theo quy định...

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.