Pháp luật

Lừa đảo sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, khó nhận diện

Gia Huy 04/02/2025 09:28

Hiện nay, hoạt động của tội phạm công nghệ cao không còn giới hạn trong một phạm vi địa lý nhất định mà có tính lưu động, liên tỉnh, xuyên quốc gia; với thủ đoạn tinh vi, đa dạng, khó nhận diện, tác động lớn đến tình hình an ninh trật tự.

uploaded-dangcuongbna-2024_03_05-_bna-2-anh-pv-2930-1-.jpg

Lừa đảo liên tỉnh, xuyên quốc gia

Tại Nghệ An, nhận thấy diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, lực lượng công an đã tập trung đấu tranh, triệt xóa, xử lý nghiêm các ổ nhóm, đường dây tội phạm không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn mở rộng tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, thậm chí là nước ngoài để răn đe, phòng ngừa chung.

cac-doi-tuong-trong-chuyen-an-lua-dao-50-ty-bi-trieu-tap-bat-giu.jpg
Các đối tượng trong chuyên án lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt 50 tỷ đồng bị triệu tập, bắt giữ. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Điển hình ngay trong ngày đầu ra quân thực hiện Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, Công an các tỉnh Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang... phá thành công chuyên án, triệt xóa ổ nhóm đối tượng phạm tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền” xảy ra tại tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bước đầu, cơ quan công an triệu tập, bắt giữ 41 đối tượng.

images1988914_1.jpg
Các đối tượng cầm đầu ổ nhóm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và Rửa tiền” tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước bị Công an Nghệ An bắt giữ. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Đây là ổ nhóm phạm tội với tính chất, thủ đoạn hoàn toàn mới, có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên, do các đối tượng Vũ Trung Kiên, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; Phạm Hoàng Hiệp trú tại thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An; Vũ Hoàng Nhã và Hoàng Xuân Trường cùng trú tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cầm đầu.

Để phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các đối tượng đã tiếp cận với nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau trong xã hội, đặc biệt là người cao tuổi, người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc học sinh, sinh viên… nhằm thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá dao động từ 500.000 - 4.000.000 đồng/ tài khoản.

images1988915_2.jpg
Cơ quan chức năng lấy lời khai với đối tượng Vũ Trung Kiên, cầm đầu đường dây lừa đảo tại nhiều tỉnh, thành. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Sau khi thuê mở thành công tài khoản ngân hàng, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin tài khoản, sim điện thoại, email, quay lại video khuôn mặt của mình và làm theo các yêu cầu khác của các đối tượng.

Thông tin cá nhân, video của chủ tài khoản sẽ được các đối tượng sử dụng phục vụ cho việc hack sinh trắc học tài khoản ngân hàng rồi chuyển lại cho các đối tượng tại Campuchia, nhằm nhận tiền lừa đảo và rửa tiền do các hoạt động phạm tội mà có.

images1988917_4.jpg
Tang vật chuyên án được cơ quan Công an thu giữ. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Việc thu mua tài khoản ngân hàng để cung cấp cho các đối tượng bên kia biên giới được Kiên, Hiệp, Nhã, Trường giao cho các đối tượng làm đại lý cấp 1 và tạo dựng hệ thống đại lý cấp dưới tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Cơ quan Công an làm rõ, chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng phạm tội đã thuê, mua hơn 500 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau (bao gồm cả tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp) nhằm mục đích hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Bước đầu, lực lượng chức năng làm rõ ổ nhóm đối tượng trên đã rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước. Riêng ở Nghệ An, có bị hại đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 700 triệu đồng.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Ảnh Cao Loan
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia do các đối tượng người nước ngoài tại đặc khu kinh tế “Tam giác vàng” thuộc tỉnh Bokeo (Lào) chủ mưu. Ảnh: Cao Loan

Tương tự, vào tháng 10/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh và Công an huyện Con Cuông đồng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia do các đối tượng người nước ngoài chủ mưu dưới hình thức lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo.

Cơ quan công an xác định, tại đặc khu kinh tế “Tam giác vàng” thuộc tỉnh Bokeo (Lào) có nhóm tội phạm do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, thành lập hoạt động dưới dạng công ty, chuyên lôi kéo, tuyển mộ những đối tượng người Lào và người Việt Nam (trong đó có một số đối tượng trú tại các huyện Con Cuông, Tương Dương) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam trong nước.

Theo đó, các đối tượng trong ổ nhóm này được đào tạo, huấn luyện sử dụng “kịch bản lừa đảo” với các nạn nhân người Việt. Quá trình đấu tranh, cơ quan chức năng làm rõ Vi Văn Linh, Kha Văn Úc, Vi Thị Lệ cùng trú tại huyện Con Cuông; Lộc Văn Tào, Lương Văn Hiền cùng trú tại huyện Tương Dương là các đối tượng tham gia vào đường dây lừa đảo nói trên.

Đấu tranh chuyên án bắt 50 đối tượng sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Ảnh tư liệu Hồ Hưng
Đấu tranh chuyên án bắt 50 đối tượng sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Ảnh tư liệu Hồ Hưng

Trước đó, phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cũng đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bắt đối tượng là người Việt Nam cư trú tại nước ngoài sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước, với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Đó là 2 đối tượng Phan Văn Phương (SN 1991), trú tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành và Tăng Quảng Vinh (SN 1989), trú tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, làm việc tại Campuchia cầm đầu.

images1983391_h766 (1)
Nguồn: congannghean.gov.vn

Lực lượng chức năng “điểm mặt, chỉ tên” 10 hình thức phổ biến mà tội phạm lừa đảo công nghệ cao hay sử dụng, gồm: Nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng; Tự xưng cơ quan chức năng (cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án...) gọi điện thông báo điều tra; hack Facebook, Zalo… nhắn tin mượn tiền; Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị; Gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng; Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo; Hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa; Xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực...

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn

Trong bối cảnh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tinh vi, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này.

Cùng với sự ra đời của Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 19/5/2021; Văn bản số 7120/UBND-NC ngày 24/8/2023 của UBND tỉnh Nghệ An… về tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; triển khai chiến dịch “hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến”, ngày 31/10/2024, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành Văn bản số 9621/UBND-NC về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

bna_2180-20e3acb7a37ce39e031b16cdfc023a65.jpeg
Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh và các ngành nhằm thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong đó, UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý các đối tượng hình sự hoạt động lưu động, các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư... nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản (mở tài khoản ngân hàng thu gom bán lại cho đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc xuất cảnh ra nước ngoài hoạt động trong các đường dây tội phạm lừa đảo trong các đặc khu tại Campuchia, Lào...). Quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động thu thập, sử dụng, tán phát, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh... quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An chỉ đạo khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động cho vay, thanh toán chuyển tiền, nhận tiền, không để tồn tại các tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch. Đẩy mạnh kiểm soát các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái quy định của pháp luật.

Ngày 26/12/2024, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành Văn bản hỏa tốc số 11614/UBND-NC ngày 26/12/2024 yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 139/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

bna_1648-c6793978549a9f5d87966ff82a95d687.jpeg
Đoàn công tác HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề về “Công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tìm hiểu thực tế tại Công an xã Hiến Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong năm 2024, HĐND tỉnh cũng đã triển khai chương trình giám sát chuyên đề “Công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Qua đó, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác về hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cho cán bộ, Nhân dân; đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng đề nghị các ngành xem xét, có kiến nghị cần thiết để hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Công an kiểm tra tang vật chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Ảnh tư liệu Cao Loan
Cơ quan Công an kiểm tra tang vật chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Ảnh tư liệu Cao Loan

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay một số người dân vẫn còn tư tưởng hám lợi, kỹ năng bảo mật thông tin yếu, trong khi thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi nên vẫn có nhiều người “sập bẫy".

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hạn chế chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng để tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân, hình ảnh CCCD... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nhận thức rõ, các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... không làm việc qua điện thoại hay các ứng dụng mạng xã hội. Khi nhận các liên lạc có dấu hiệu trên, người dân cần bình tĩnh liên hệ với người thân, bạn bè để được trao đổi, tư vấn và liên hệ với cơ quan chức năng để xác minh.

Lừa đảo sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, khó nhận diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO