Lửng lơ 'bom nước' mùa mưa bão
(Baonghean) - Nghệ An có trên 650 hồ đập, trong đó có nhiều hồ đập xây dựng từ lâu đã xuống cấp, do nguồn kinh phí hạn chế nên việc sửa chữa hàng năm chỉ là tạm thời. Khó khăn gối nhau hàng năm như thế, cho đến mùa mưa bão năm nay, vấn đề an toàn hồ đập tiếp tục là nỗi lo lắng lớn của các cấp chính quyền và người dân ở một số địa phương.
Hồ Đồn Húng (xã Hùng Thành, Yên Thành). |
Nhiều hồ đập “tuổi cao, sức yếu”
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân xã Hùng Thành (Yên Thành) luôn cảm thấy bất an về độ an toàn của đập Đồn Húng mỗi khi mùa bão đến. Ông Phan Quang ở xóm 6 gần với khu vực thân đập lo lắng nói: “Cứ vào mùa mưa lũ, nước đập dâng cao là người dân chúng tôi phải chủ động di chuyển đồ đạc sang xóm khác để đề phòng...”.
Qua quan sát chúng tôi thấy thân đập này khá mỏng, tường chắn sóng nứt nẻ, nhiều đoạn đã bị tổ mối. Ông Trần Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Hùng Thành cho biết: Vào mùa mưa lũ, nếu sự cố xảy ra với đập Đồn Húng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp an toàn của 6 xóm, với trên 700 hộ dân, đặc biệt các xóm 5,6,7,8 nằm giữa khu vực đập. Mùa lũ năm 2014, nước lũ dâng cao, công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc phải dùng biện pháp phá thêm tràn để bảo vệ bờ đập khỏi bị vỡ. Hàng năm, công ty cũng khắc phục sự cố; mở thêm tràn xả lũ, hàn gắn sạt lở, áp trúc mái đê, tôn cao thân đập... Tuy nhiên, vẫn khó có thể an tâm.
Hồ Đồn Húng, xã Hùng Thành (Yên Thành) được xây dựng từ những năm 1973 có dung tích trên 5,4 triệu m3 nước, tưới cho 380 ha và cấp nước sinh hoạt, phòng lũ cho nhân dân 4 xã: Hùng Thành, Hậu Thành, Lăng Thành và Tiến Thành. Đến thời điểm này, hồ đã xuống cấp trầm trọng, thân đập đã bị lún sụt nhiều vị trí, kéo theo nứt tường chắn sóng, mái đá hạ lưu.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc đứng chân trên địa bàn huyện quản lý 17 hồ đập lớn, nhỏ thuộc 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, hiện nay mới nâng cấp được 10 hồ chứa, số hồ đập còn lại là chưa được nâng cấp, nguy cơ vỡ đập khi mùa lũ đến rất cao.
Tại huyện Yên Thành còn có khá nhiều hồ đập do địa phương quản lý trong tình trạng xuống cấp. Hồ chứa nước Thị Long ở xóm Quang Nhân, xã Quang Thành (Yên Thành) có dung tích khoảng 700.000 m3 nhưng chủ yếu là bờ đất. Đập này đã từng bị vỡ, gây ập úng cho nhiều hộ dân ở xóm Quang Nhân, nguy hiểm hơn là đổ nước xuống lòng hồ Vệ Vừng, đe dọa cả đập lớn hồ Vệ Vừng.
Ở huyện Quỳnh Lưu, hồ Khe Gang với sức chứa 1 triệu m3 nước ở xã Ngọc Sơn, được xây dựng từ những năm 1970 hiện xuống cấp nghiêm trọng. Ông Văn Bài ở xóm 4A, xã Ngọc Sơn chia sẻ: Vào mùa mưa lũ hầu như dân làng thức trắng đêm, cứ nước lên mấp mé gần thân đập là phải di tản sang xóm khác lánh nạn. Ông Hồ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết thêm: Năm 2005, hồ chứa Khe Gang bị nước lũ lên làm sạt lở bờ đập, năm 2006 xã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để “vá” lại hạ lưu và bờ thượng lưu. Tuy nhiên, thân đập yếu và cứ mỏng dần.
Đập Hồ Thành có dung tích 10 triệu m3, tại xã Nam Kim (Nam Đàn) được xây dựng năm 1961, phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa cũng đã từng rò rỉ nhiều lần. Đập Khe Đá ở xã Nam Lộc (Nam Đàn), năm 2013, mưa lớn kéo dài, lưu lượng nước tràn qua của đập Khe Đá đã gây ngập lụt cho vùng hạ lưu, ảnh hưởng đến gần 250 hộ dân và trường học của xã Nam Lộc.
Cán bộ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc kiểm tra thân đập hồ Đồn Húng. |
Chủ động xử lý sự cố công trình
Thực tế cho thấy, khi xảy ra vỡ hồ chứa ở các địa phương quản lý thì một số địa phương rất lúng túng trong khâu ứng phó. Điển hình như hồ chứa Tây Nguyên (xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) có dung tích 1,2 triệu m3, tưới cho trên 200 ha được xây dựng từ năm 1966, đến năm 2009 được tu sửa, nâng cấp. Công trình được giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thắng quản lý. Đơn vị này lại giao cho tư nhân bảo vệ và vận hành đóng, mở cửa cống mà chưa được qua một lớp đào tạo, tập huấn nào về sử dụng, vận hành hồ chứa, dẫn đến việc vỡ hồ chứa vào tháng 9/2012.
Việc khôi phục những cánh rừng đầu nguồn để vừa giữ được nguồn nước, mùa mưa lũ cần giảm lưu lượng nước tràn vào hồ chứa ồ ạt tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ thân đập, khi xây dựng và nâng cấp hồ chứa, cần thi công đắp đúng mặt cắt, thiết kế, nâng cấp tràn đủ lưu lượng, xử lý các chỗ thẩm lậu, rò rỉ, tổ mối để giảm thiểu nguy cơ vỡ đập... là những công việc cần hiểu biết kỹ thuật và các pháp nhân đủ điều kiện đảm nhận.
Toàn tỉnh hiện có 625 hồ, đập lớn nhỏ. Trong đó, các công ty thủy lợi chỉ quản lý 60 hồ, đập dung tích trên 1 triệu m3 còn lại là các địa phương quản lý. 48 hồ, đập dung tích lớn trong tổng số 60 hồ đập đã được đầu tư nâng cấp cơ bản đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Riêng trong năm 2015, nguồn ngân sách Trung ương đã đầu tư trên 500 tỷ đồng để tỉnh xây dựng, tu bổ các công trình thuỷ lợi như xây dựng kênh mương, cầu tràn, đê sông, hồ đập. Và mới đây nhất, dự án ODA tiếp tục hỗ trên 100 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp 5 hồ đập ách yếu. Các công trình này sẽ được triển khai trong tháng tới.
Hồ Quán Hài xã Phúc Thành (Yên Thành) đang được nâng cấp. |
Ông Phạm Hữu Văn - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Nghệ An cho biết: Giải pháp đặt ra hiện nay là chỉ đạo cho địa phương chủ động biện pháp xử lý sự cố công trình; chứ để chờ vốn thì còn rất lâu mà công trình có thể xảy ra sự cố nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: Yên Thành có trên 200 hồ đập nhỏ, tưới cho trên 3.000 ha lúa tập trung ở các xã Minh Thành, Quang Thành, Thịnh Thành… Từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, huyện mới nâng cấp, sửa chữa mới được 14 hồ đập nhỏ, còn lại là do các địa phương tự duy tu sửa chữa thô sơ nên hầu hết bị xuống cấp, nguy cơ vỡ đập rất cao.
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN