Lý do không nên xoa bóp bắp tay mới tiêm vắc-xin Covid-19
Đau nhức tại chỗ tiêm là phản ứng xuất hiện khá phổ biến nhưng mọi người không nên xoa bóp khu vực đó.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là một trong những chìa khóa chính để bảo vệ mọi người trong đại dịch. Dù lựa chọn bất kỳ loại vắc-xin nào, bạn cũng cần tuân thủ các hướng dẫn để tối đa hóa khả năng sinh miễn dịch, giảm tác dụng phụ.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên quá căng thẳng trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin, tránh sử dụng nhiều thuốc giảm đau. Ngoài ra, người đã tiêm vắc-xin tránh chà xát vào vết tiêm để không gây áp lực lên khu vực này.
Nguyên nhân gây ra đau nhức tại chỗ tiêm
Sau khi chủng ngừa vắc-xin, chỗ tiêm bị đau nhức, cứng cơ là tác dụng phụ phổ biến. Tình trạng đó có thể kéo dài trong nhiều ngày, khiến tay cử động khó khăn.
Đau nhức cánh tay là phản ứng sớm cho thấy cơ thể nhận biết vắc-xin. Khi bạn tiêm vắc-xin, cơ thể sẽ coi đó là một chấn thương, giống như bị chảy máu hoặc đứt tay và gửi các tế bào miễn dịch đến cánh tay.
Các y, bác sĩ của bệnh viện tham gia tiêm phòng Covid-19 cho người dân thành phố Vinh. Ảnh: P.V |
Là một phần của quá trình trên, các tế bào miễn dịch cũng gây ra chứng viêm. Như vậy, bạn sẽ được bảo vệ khi tiếp xúc lại với mầm bệnh đó. Các chuyên gia gọi đây là khả năng gây phản ứng của vắc-xin. Một số kích ứng ở cánh tay cũng xuất phát từ việc cơ phản ứng với một lượng nhỏ chất lỏng vắc-xin được tiêm.
Ngoài đau nhức, một số người còn bị mẩn đỏ, sưng tấy gần vết tiêm.
Chà xát tại chỗ tiêm có gây kích ứng không?
Một số phản ứng cục bộ với vắc-xin như cứng hoặc sưng tại chỗ tiêm có thể khá đau. Mặc dù xoa bóp nhẹ có vẻ đem lại cảm giác dễ chịu nhưng các chuyên gia khuyên bạn không nên làm như vậy. Họ nhận định, hành động đó sẽ làm giảm tác dụng của vắc-xin.
Một trong những lý do chính là vắc-xin Covid-19 được tiêm ở bắp tay. Xoa bóp tại điểm tiêm có thể khiến cho thuốc không ngấm. Hành động như vậy cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, gây viêm nhiễm, đau mỏi.
Các bác sĩ đề nghị tránh xoa bóp chỗ tiêm trong vòng vài giờ sau khi chủng ngừa bởi khi đó vắc-xin đạt đến nồng độ cao nhất.
Lợi ích của việc xoa bóp trước khi tiêm
Nếu từng tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào, bạn sẽ thấy một số nhân viên y tế nhẹ nhàng xoa bóp da trước khi tiêm. Đây là phương pháp thực hành lâm sàng được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, làm mềm và thư giãn các cơ ở tay, giúp vắc-xin hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, có nghiên cứu phát hiện thao tác như vậy lại làm chậm quá trình hấp thu một số loại vắc-xin.