Mạch nguồn Nho Lâm

(Baonghean) - Vùng đất Nho Lâm (nay là xã Diễn Thọ - Diễn Châu) có lịch sử hàng ngàn năm (thể hiện qua hiện vật được khai quật) đã hun đúc nên nét đẹp truyền thống từ bao đời. Mạch nguồn truyền thống chính là điểm tựa, là động lực giúp thế hệ con cháu hôm nay tự tin và vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống mới.
Với tôi, vùng đất Nho Lâm có một sức hút lạ kỳ, không phải bị cuốn hút bởi danh lam thắng cảnh hay sự hấp dẫn của các món ăn, mà vì nơi đây tình người sâu đậm và những câu chuyện thú vị, thấm đẫm tình đời. Mỗi lần về đây là một lần có thêm một cuộc gặp gỡ, một sự trải nghiệm để hiểu thêm về một lẽ nhân sinh, một điều thú vị giữa dòng chảy cuộc đời.
Nơi đây, những tên núi, tên đất, tên làng còn mang đậm dấu tích cổ xưa nhưng vẫn gợi lên những gì rất đỗi giản dị và gần gũi: rú Ta, rú Mụa, rú Kìm, rú Ong, rú Chạch, rú Bà, rú Lá, ngàn Đại Vạc, khe Chanh, khe Bò, khe Dọc, khe Dài, khe Nằm Ngang... Nơi đây, quê hương của Cao Lỗ - vị tướng của Thục Phán An Dương Vương, người có công giúp vua chế nỏ thần chống quân xâm lược. Nơi đây, từng nổi tiếng với nghề đúc sắt và rèn sắt, với truyền thống hiếu học và khoa bảng, với câu chuyện khai đất lập làng, với điệu hát reo đặc sắc.
Một góc Nho Lâm - Diễn Thọ (Diễn Châu) hôm nay. Ảnh: Công Kiên
Một góc Nho Lâm - Diễn Thọ (Diễn Châu) hôm nay. Ảnh: Công Kiên
Tôi đã từng được gặp những con người đặc biệt của mảnh đất Nho Lâm, dù khác nhau về hoàn cảnh và tuổi tác nhưng điểm chung của họ là bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn. Đó là ông Nguyễn Thế Phúc, một người lính từng tham gia 3 cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc). Là ông Đặng Xuân Huynh, một thương binh từng đi khắp các nghĩa trang chụp ảnh mộ liệt sỹ quê Nghệ An rồi lần theo địa chỉ gửi về cho các thân nhân. Là ông Nguyễn Thế Chu, một “lão nông” đam mê nhạc cụ dân tộc, sử dụng nhuần nhuyễn đàn nhị, đàn nguyệt và sáo. Là Cao Cự Hùng, người đàn ông tật nguyền, phải di chuyển bằng tay, sống bằng nghề sửa xe máy và được tôn vinh là “kiện tướng”... 
Về Nho Lâm lần này, tôi ghé thăm ông Đặng Quang Liễn (82 tuổi) - giáo viên nghỉ hưu, là người luôn có niềm say mê với việc sưu tầm, nghiên cứu về truyền thống của quê hương. Gặp ông, được nghe ông chuyện trò, tôi lại có thêm một cơ hội để nắm bắt mạch nguồn của một vùng đất cổ, được đắm mình trong dòng chảy từ muôn xưa. Đến nay vẫn chưa đủ cứ liệu để xác định thời điểm ra đời của tên gọi Nho Lâm, vấn đề này vẫn đang là một ẩn số. Chỉ biết rằng qua mấy lần khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ thuộc hậu kỳ đá mới như lưỡi cày, lưỡi rìu, đạn đá, khuyên đá, vòng đá và chày đá...
Những hiện vật khảo cổ tìm thấy ở Nho Lâm đã khẳng định trên dưới 5.000 năm trước nơi đây đã có cư dân người Việt sinh sống. Người chiêu dân, lập ấp và khai cơ nên làng Nho Lâm được cho là một người có tên hiệu Thiện Trí Giải Sỹ, gia phả dòng họ Cao nơi đây gọi là “Hoàng sơ thủy tổ”. Đối chiếu với các cứ liệu lịch sử và những vùng đất lân cận, có thể xác định Nho Lâm được khai phá vào những năm cuối thế kỷ 14 - thời kỳ người xứ Bắc di dân vào vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh mở đất, lập làng, xây dựng “lá chắn” nơi “phên dậu” phía Nam của quốc gia Đại Việt. Nghĩa là làng quê này đã được hình thành từ hơn 600 năm trước, một quãng thời gian không hề ngắn trong dòng chảy lịch sử với bao thăng trầm, hưng phế. 
Bia văn hội, sỹ hội và Bia Giếng hội trong khuôn viên UBND xã Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: Công Kiên
Bia văn hội, sỹ hội và Bia Giếng hội trong khuôn viên UBND xã Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: Công Kiên
“Đến Nho Lâm, anh có thấy những bức tường rào xây có màu đen trông rất đặc biệt ko? Đó là do những viên gạch táp lô được làm xử xỉ sắt, xỉ sắt ở đây nhiều vô kể, là kết quả của nghề đúc sắt có từ hàng trăm năm trước. Nói vậy để thấy rằng, nghề đúc sắt và rèn sắt đã từng phát triển rực rỡ ở vùng quê này” - ông Đặng Quang Liễn rất đỗi hào hứng khi nói đến truyền thống quê hương.
Nghề đúc sắt còn lưu lại dấu vết cả trong những câu ca được bao thế hệ lưu truyền: “Nho Lâm than quánh nặng nề/Em có đang được thì về Nho Lâm”. Quặng sắt được lấy về từ mỏ quặng thuộc xã Quả Trình (nay là Nghi Công - Nghi Lộc), về cho vào lò hông thành chai sắt. Nơi đây từng có hàng trăm lò hông và lò rèn, người làng kể rằng lò hông quá nhiều nên không đủ nơi thải lượng xỉ sắt quá lớn, đường sá, ruộng vườn, lòng đất đều tràn ngập xỉ sắt. Không còn nơi đổ, đêm đến người Nho Lâm phải gánh sang các làng khác đổ trộm, nên những làng này dù không có lò hông nhưng xỉ sắt vẫn nhiều. Ngày nay, bà con vẫn thường lấy xỉ sắt dưới lòng đất để đóng gạch xây tường rào và công trình phụ, chất lượng của loại gạch này rất bền và tốt. 
Đền thờ Cao Lỗ - vị tướng của Thục Phán An Dương Vương, người con của đất Nho Lâm - Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: Công Kiên
Đền thờ Cao Lỗ - vị tướng của Thục Phán An Dương Vương, người con của đất Nho Lâm - Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: Công Kiên
Chai sắt hông xong được bán cho các lò rèn trong làng để sản xuất các loại nông cụ như lưỡi cày, cuốc, xuổng, dao... Sản phẩm nghề rèn của Nho Lâm có chất lượng cao, được bán khắp các khu chợ trong vùng, ra tận địa bàn Yên Thành, Quỳnh Lưu, ngược lên Đô Lương, phủ Quỳ. Tương truyền, khi Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, lúc dừng chân ở Nghệ An được người dân Nho Lâm tiếp tế thêm binh khí. Rồi sau này, trong cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu lãnh đạo; và phong trào Cần Vương dưới sự chỉ huy của Nguyễn Xuân Ôn, người dân Nho Lâm hưởng ứng bằng cách rèn binh khí cho nghĩa quân đánh giặc. 
Ở Diễn Thọ vẫn còn lưu giữ được có hai tấm bia đá khắc chữ Hán là Bia Văn hội, sỹ hội và Bia Giếng hội. Bia Văn hội, sỹ hội trước đây được đặt tại nhà Văn chỉ, về sau nhà Văn chỉ bị xuống cấp nên được chuyển về đặt trong khuôn viên UBND xã Diễn Thọ. Tương tự, Bia Giếng hội trước đặt bên bờ giếng làng, nay cũng được chuyển về khuôn viên ủy ban. Bia Văn hội, sỹ hội khắc tên 318 người con làng Nho Lâm thi đỗ tại các khoa thi thời phong kiến, trong đó có 01 Tiến sỹ (cụ Đặng Văn Thụy, đỗ Tiến sỹ khoa Giáp Thìn (1904), đời vua Thành Thái); 04 Xuân thí tam trường và Phó bảng; 19 Hương cống và Cử nhân; 294 Hiệu sinh, Sinh đồ và Tú tài. Tấm bia ấy đã nói lên truyền thống hiếu học và khoa bảng của đất Nho Lâm, chưa thể so với Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) hay Hành Thiện (Xuân Trường - Nam Định) nhưng cũng không mấy nơi có thể sánh bằng. Ở Nho Lâm còn lưu truyền bao câu chuyện về khổ học thành tài, trở thành tấm gương cho muôn đời con cháu. Các dòng họ: Cao, Hoàng, Nguyễn, Đặng luôn tự hào vì đời nào cũng có người thành danh trên con đường học hành, khoa cử. 
Những bức tường rào xây bằng gạch táp lô làm từ xỉ sắt ở Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: Công Kiên
Những bức tường rào xây bằng gạch táp lô làm từ xỉ sắt ở Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: Công Kiên
Ngày nay, nghề đúc sắt không còn, nghề rèn cũng đã mai một, nhưng bù lại, thế hệ con cháu ở Nho Lâm đã phát huy được sự thông minh, năng động và cần cù, chịu khó của người xưa. Truyền thống hiếu học vẫn được tiếp nối, nhiều người con của vùng quê này tiếp tục được ghi danh bảng vàng, các dòng họ đều xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Riêng dòng họ Nguyễn dành một góc của từ đường để đặt Tủ sách khuyến học, hiện tủ sách đã có hơn 1.000 cuốn sách khoa giáo, tài liệu tham khảo và các loại sách về khoa học - kỹ thuật.
Hàng năm, Diễn Thọ có trên dưới 100 em thi đậu vào các trường đại học, hầu hết đạt số điểm khá cao. Đặc biệt, năm 2014 có em Cao Ngọc Thái đoạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế. Con em Nho Lâm - Diễn Thọ lập nghiệp phương xa có nhiều người thành đạt và luôn hướng về quê cha đất tổ. Ông Đặng Quang Liễn cho biết thêm, hiện con cháu Nho Lâm ở Hà Nội đang có kế hoạch vận động đóng góp kinh phí phục dựng nhà Văn hội và một số công trình kiến trúc - văn hóa đã bị mất mát do tác động của thời gian và những biến động của lịch sử, để mạch nguồn văn hóa quê hương mãi trường tồn. 
Cùng với việc duy trì và phát triển nghề nông, người dân Diễn Thọ còn tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, cơ khí và nghề mộc. Nhờ đó, nguồn thu nhập được nâng lên, bộ mặt kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà cao tầng khang trang nằm dọc hai bên con đường thẳng tắp, việc kinh doanh, buôn bán ngày một sầm uất. Diễn Thọ luôn khẳng định được vị trí trung tâm của khu vực phía Nam huyện Diễn Châu và đang được quy hoạch thành thị tứ.  Một ngày ở đất Nho Lâm, tôi đã gom nhặt được bao điều thú vị, hình dung được phần nào mạch nguồn của một vùng quê văn hiến của xứ Nghệ. Và chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi này... 

tin mới

Điểm tựa của những người phụ nữ vùng biển

Điểm tựa của những người phụ nữ vùng biển

(Baonghean.vn) - Thấu hiểu nỗi đau của những người vợ mất chồng, của con mất cha nơi biển lớn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tại vùng biển Quỳnh Lưu đã tích cực đồng hành với những người phụ nữ yếu thế, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Làng khoa bảng ở Nghệ An làm du lịch

Làng khoa bảng ở Nghệ An làm du lịch

(Baonghean.vn) - Hiếm có một vùng quê nào lại có nhiều người đỗ đạt thành danh và có nhiều di tích được xếp hạng như xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Nắm bắt lợi thế đó, gần đây địa phương này đã tiên phong phát triển du lịch, với những tour du lịch mang nhiều ý nghĩa.

Cùng Mường Chiêng Ngam vui hội Hang Bua

Cùng Mường Chiêng Ngam vui hội Hang Bua

(Baonghean.vn) - Lễ hội Hang Bua ở huyện Quỳ Châu là một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Thái phía Tây Bắc Nghệ An. Sinh hoạt văn hóa này cũng là không gian lưu giữ những nét truyền thống của cư dân bản địa vừa góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân địa phương

Trai làng biển vác 'kiệu bay' trong màn chạy ói, chen nhau 'cướp' lộc tại Lễ hội Đền Cờn

Trai làng biển vác 'kiệu bay' trong màn chạy ói, chen nhau 'cướp' lộc tại Lễ hội Đền Cờn

(Baonghean.vn) - Lễ hội Đền Cờn năm 2024 có nhiều hoạt động, trò chơi dân gian, nhưng đặc sắc nhất là tục chạy ói với màn rước kiệu, tung kiệu bay trên biển. Tục chạy ói thường được tổ chức vào sáng ngày 21 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, là nghi lễ quan trọng với ngư dân vùng biển.

Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào: Tưởng nhớ công lao của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và quân binh thời Trần

Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào: Tưởng nhớ công lao của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và quân binh thời Trần

(Baonghean.vn) - Nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ để hình thành nên dòng sông Cả kỳ vĩ bồi đắp cho vùng hạ du, đền Vạn - Cửa Rào được xem là ngôi đền linh thiêng nhất miền Tây xứ Nghệ. Sáng 1/3 (20 tháng Giêng), người dân muôn phương đã nô nức dự Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào.

Sẵn sàng cho Lễ hội Hang Bua

Sẵn sàng cho Lễ hội Hang Bua

(Baonghean.vn) - Hang Bua là thắng cảnh tự nhiên nằm trong dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách thành phố Vinh 170km về phía Tây Bắc. Lễ hội Hang Bua là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào các dân tộc của huyện nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung.

Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới

Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới

(Baonghean.vn) - Gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là việc được các cấp ngành cùng đồng bào vùng Tây Bắc Nghệ An chú trọng. Ở làng Mo Mới, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp), bà con dân tộc Thổ tích cực sưu tầm, trao truyền những làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ.

Người 'giữ lửa' nghề rèn truyền thống của người Mông

Người 'giữ lửa' nghề rèn truyền thống của người Mông

(Baonghean.vn) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình người Mông gắn bó với nghề rèn truyền thống, ông Và Tông Dê (Tương Dương) ngày ngày thổi lửa làm ra không biết bao nhiêu dụng cụ lao động cho bà con. Lò rèn không chỉ nuôi sống gia đình ông mà còn là nơi lưu giữ nghề truyền thống của đồng bào Mông.

Sắc Xuân trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông

Sắc Xuân trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông

(Baonghean.vn) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lên các bản làng vùng cao, đặc biệt là đến các bản có đồng bào Mông sinh sống, nhiều khách du lịch rất ấn tượng bởi sắc màu trên những bộ trang phục của người phụ nữ, dường như thấy được sắc Xuân trong đó...

Về miền Tây xứ Nghệ khám phá trang phục người Thái cổ

Về miền Tây xứ Nghệ khám phá trang phục người Thái cổ

(Baonghean.vn) - Tại bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu), người dân nơi đây vẫn lưu giữ một bộ trang phục của người Thái cổ. Với những họa tiết, hoa văn được thêu một cách tỉ mỉ, kỳ công, bộ trang phục sau hơn 100 năm vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị vốn có.

Chuyện 'giữ' cá mát ở Nặm Cướm

Chuyện 'giữ' cá mát ở Nặm Cướm

(Baonghean.vn) - Qua một thời gian dài khai thác tận diệt, nguồn cá mát dần cạn kiệt. Trước thực trạng đó, năm 2023, chính quyền xã Diên Lãm (Quỳ Châu) đã ban hành đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá mát Nặm Cướm”…

Ngõ phố thắm tình dân

Ngõ phố thắm tình dân

(Baonghean.vn) - Các ngõ phố được trang hoàng sạch, đẹp để đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Rất nhiều công trình, phần việc in dấu tình đoàn kết của các hộ dân. Điều đó càng tô thắm thêm tình dân trên mỗi ngõ phố ở thành Vinh. 

'Tôi tự hào là một người Nghệ'

'Tôi tự hào là một người Nghệ'

(Baonghean.vn) - Mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Vân (SN 1986), quê Nghi Lộc, được biết đến là một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới xã hội, nhất là trong cộng đồng người khuyết tật. Trò chuyện với phóng viên Báo Nghệ An, chị tự hào nhận mình có những “cá tính” đặc trưng rất Nghệ.

Hoa 'tớ dày' xao xuyến miền rẻo cao Kỳ Sơn

Hoa 'tớ dày' xao xuyến miền rẻo cao Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - "Tớ dày" là cách gọi của đồng bào Mông về loài hoa anh đào. Những ngày này các bản làng ở xã Mường Típ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn rực sắc "tớ dày". Bất cứ ai cũng trở nên bồi hồi xao xuyến trước loài hoa tuyệt đẹp này.

Tỉ mẩn nghề đan lưới lồng ở Nghi Long

Tỉ mẩn nghề đan lưới lồng ở Nghi Long

(Baonghean.vn) - Gắn bó với nghề đan lưới lồng bè, những người làm nghề ở Trung Sơn (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) luôn trăn trở nâng cao tay nghề. Mỗi đường đan, nút thắt là cả sự tỉ mẩn gửi vào đó sự bền chắc của sản phẩm, giúp người nuôi trồng thuỷ sản thêm bội thu…

Thăm phòng trưng bày 'Pỉ Noọng' của bà mế người Thái

Thăm phòng trưng bày 'Pỉ Noọng' của bà mế người Thái

(Baonghean.vn) - Tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu có một phòng trưng bày rất đặc biệt mang tên Pỉ Noọng. Đây là không gian trưng bày vật dụng truyền thống của các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Dao, Tày… do bà Sầm Thị Bích dày công sưu tầm từ những năm 1990 cho đến nay.