Mái chùa lan tỏa yêu thương

Huy Thư 05/10/2018 16:46

(Baonghean.vn) - Những năm qua, cùng với quá trình xây dựng, khôi phục lại các cơ sở thờ tự, hướng dẫn tu tập, tăng ni phật tử trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiện nguyện hướng đến người nghèo, góp phần tích cực trong phong trào an sinh xã hội.​

Những ngày này, các tăng ni, phật tử chùa Phổ Môn ở xã Nghi Liên, Thành phố Vinh (Nghệ An) đang tích cực vận động mọi người “bớt đi một bữa ăn sáng, một cốc trà sữa, một lần đổ xăng”, kẻ ít người nhiều chung tay quyên góp giúp đỡ bà con các dân tộc xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương - nơi những tháng vừa qua đã xảy ra mấy đợt lũ quét, đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chùa, nhiều vật chất như: gạo, mỳ tôm, quần áo, sách giáo khoa, dụng cụ học tập… từ khắp mọi nơi trong nước đang được chuyển đến chùa để đồng hành cùng chương trình “Trái tim yêu thương” lần thứ 2 về với miền Tây vào trung tuần tháng 10/2018, nhằm giúp đỡ bà con nơi đây sớm ổn định cuộc sống.

Trước đó vào ngày 12/8, chùa Phổ Môn đã phối hợp với xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn tổ chức chương trình “Trái tim yêu thương” lần 1, khám, phát thuốc miễn phí cho 650 người và trao 250 suất quà cho những gia đình hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tổng giá trị quà tặng và thuốc chữa bệnh trị giá 126 triệu đồng.

Người dân xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn nhận quà từ thiện của chùa Phổ Môn. Ảnh: Huy Thư
Người dân xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn nhận quà từ thiện của chùa Phổ Môn. Ảnh: Huy Thư

Được biết, trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động (chính điện - nơi thờ Đức Phật, cùng nhà tăng, lễ nghi… đều đang lợp mái tôn), nhưng chùa Phổ Môn đã liên tục có nhiều chương trình thiện nguyện hướng về người nghèo trong và ngoài tỉnh.

Mỗi năm chùa tổ chức trên dưới 10 chuyến thiện nguyện về với vùng sâu, vùng xa các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương… thậm chí sang cả Hương Sơn (Hà Tĩnh) để trao tặng quà, thăm khám, phát thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Ngoài ra, trước năm học mới, trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là khi người dân các địa phương gặp thiên tai lũ lụt, chùa đã phát tâm kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ kịp thời các hoàn cảnh khó khăn.

Tại chùa Chí Linh (chùa Gám) ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, hoạt động thiện nguyện cũng được các tăng ni, phật tử quan tâm, chăm lo chu đáo. Với mong muốn chia sẻ khó khăn với người nghèo, bệnh nhân nghèo, năm 2013, chùa đã thành lập câu lạc bộ “Hương lúa tình quê” quy tụ các giáo chức hưu trí ở địa phương làm việc thiện, mỗi tháng đều đặn hai lần phát cháo miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành.

Trao hàng trăm suất quà cho người dân xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Huy Thư
Trao hàng trăm suất quà cho người dân xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Huy Thư

Chùa còn thành lập “Quỹ giúp đỡ phật tử nghèo” có tiền vốn hơn 100 triệu đồng, đã giúp hàng chục gia đình nghèo vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế. Hàng năm vào những ngày lễ lớn, chùa thường tổ chức các chương trình thiện nguyện “Tết vì người nghèo”, “Uống nước nhớ nguồn” thăm hỏi, trao tặng hàng nghìn suất quà là tiền mặt, nhu yếu phẩm cho các gia đình chính sách, gia đình hoàn cảnh, các học sinh nghèo vượt khó.

Hiện chùa đang cưu mang, nuôi dạy nhiều em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 người khuyết tật. 5 năm qua, chùa đã cùng các nhà tài trợ xây dựng được một số cây cầu dân sinh, hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhiều trường học ở các huyện Yên Thành, Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu…

Có thể nói, cùng với quá trình phục hưng Phật giáo trên địa bàn tỉnh, đó là việc kiện toàn tổ chức giáo hội, nhiều ngôi chùa được khôi phục, xây dựng lại, nhiều cơ sở thờ tự được tôn tạo to đẹp, khang trang hơn, thì các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao do các nhà chùa tổ chức thời gian qua, trong đó có hoạt động từ thiện đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, nhất là với những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Khám, phát thuốc miễn phí cho người dân xã Bảo Nam. Ảnh: Huy Thư
Khám, phát thuốc miễn phí cho người dân xã Bảo Nam. Ảnh: Huy Thư

Với tinh thần “nhập thế cứu khổ cứu nạn” của Phật giáo, các chùa coi thiện nguyện như là một phần của phật sự, để đem yêu thương đến với muôn người. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng chùa mà các tăng ni, phật tử phát tâm kêu gọi vào những thời điểm thích hợp và tổ chức các chương trình thiện nguyện có quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

Đại đức Thích Tuệ Minh - trụ trì chùa Chí Linh (Yên Thành) cho biết: “Thiện nguyện theo quan niệm nhà Phật đó là tâm từ bi (Từ là ban vui, bi là cứu khổ). Ngoài việc chia sẻ vật chất với người nghèo, thiện nguyện còn động viên khích lệ mọi người cùng vượt qua cuộc sống khó khăn trước mắt để an vui, hy vọng. Tuy nhiên, thiện nguyện phải đúng nơi đúng chỗ, sự cống hiến phải trọn phần công đức, gắn liền với lương tâm, trách nhiệm và lòng từ bi mới thực sự là cái cầu nối để khích lệ lòng tin và tinh thần cao quý của mọi người”.

Gian nan những chuyến thiện nguyện về xã Môn Sơn, huyện Con Cuông của chùa Chí Linh. Ảnh: Huy Thư
Gian nan những chuyến thiện nguyện về xã Môn Sơn, huyện Con Cuông của chùa Chí Linh. Ảnh: Huy Thư

Trong hoạt động thiện nguyện do các chùa khởi xướng, bên cạnh một số khó khăn mang tính khách quan thì thuận lợi là cơ bản. Trước hết, đó là sự hưởng ứng nhiệt tâm của các tăng ni phật tử, của thiện nam tín nữ gần xa, sự phối hợp của chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp, sự đồng hành của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, trong đó có các doanh nghiệp, các doanh nhân có cảm tình đặc biệt với Phật giáo.

Do đó, trong các chương trình thiện nguyện, ngay khi nhà chùa đăng đàn kêu gọi, mọi người đã nhất loạt ủng hộ và trong quá trình thực hiện đều có sự chung tay của nhiều tấm lòng thơm thảo. Những chuyến thiện nguyện về miền Tây của chùa Phổ Môn (TP Vinh) vượt hàng trăm km, phải qua nhiều đèo dốc, những con đường lầy lội, nhiều đoạn đường phải “xắn quần đẩy xe” ở huyện Kỳ Sơn, trong đoàn lại có nhiều người già (70, 80 tuổi), nhiều y , bác sỹ, lương y từ miền Nam ra chưa quen phong thổ, nhưng họ vẫn không nản, vẫn “đi đến nơi, về đến chốn”.

Trao quà cho người dân xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Huy Thư
Trao quà cho người dân xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Huy Thư

Chị Trần Thị Thu (48 tuổi) - Trưởng ban thiện nguyện chùa Phổ Môn chia sẻ: “Mỗi chuyến thiện nguyện về vùng khó khăn, đã để lại cho mỗi người những cảm xúc riêng, chính sự chia sẻ, đồng cảm với những cảnh đời nghèo khó đã khiến cho những phật tử ấm lòng hơn và thôi thúc họ nhiệt huyết hơn trên hành trình thiện nguyện”.

Chương trình thiện nguyện của các chùa, cùng với hoạt động nhân đạo của các ban ngành, đoàn thể, của học sinh, sinh viên, các câu lạc bộ từ thiện… đã tạo nên một phong trào thiện nguyện rộng khắp, đem lại ý nghĩa thiết thực, nhân văn trong xã hội.

Đại đức Thích Quảng Bảo - Trưởng ban Văn hóa, giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An chia sẻ: Từ những mái chùa làng, hoạt động thiện nguyện đã mang tình yêu thương lan tỏa đi khắp nơi. Thiện nguyện cũng là một cách để gắn kết giữa đạo với đời, để hồi hướng công đức với tiền nhân, với Đức Phật. Làm thiện nguyện để phước đức tăng trưởng, góp phần cho cuộc sống yên vui. Thông qua thiện nguyện, chúng ta còn thấy mình sống có ý nghĩa hơn, để phấn đấu cho một cuộc sống tốt đời đẹp đạo./.

Mới nhất
x
Mái chùa lan tỏa yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO