Mạng xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của giới trẻ như thế nào?
Trong thời đại số, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ. Nhưng liệu việc dành hàng giờ mỗi ngày trên các nền tảng này có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của giới trẻ hay không?
Một cuộc chiến pháp lý chưa từng có đang diễn ra tại Canada khi các hội đồng trường học đồng loạt kiện các "ông lớn" công nghệ. Các trường học cáo buộc các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và quá trình học tập của học sinh bằng cách thiết kế các thuật toán gây nghiện và hiển thị nội dung độc hại.
Việc lạm dụng mạng xã hội đã dẫn đến tình trạng gia tăng các vấn đề như trầm cảm, lo âu, bạo lực học đường và tự tử ở giới trẻ. Với yêu cầu bồi thường gần 3 tỷ USD, các trường học hy vọng rằng vụ kiện này sẽ đánh thức sự quan tâm của xã hội về vấn đề an toàn trực tuyến cho trẻ em và buộc các công ty công nghệ phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ người dùng.
Tác động của mạng xã hội lên sức khỏe tâm thần của giới trẻ vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Các nghiên cứu hiện tại đưa ra những kết quả không nhất quán, khiến chúng ta khó đưa ra một kết luận chung. Theo một bài báo trên tạp chí khoa học chuyên ngành tâm lý học Current Opinion in Psychology được tờ The New York Times trích dẫn, hầu hết các đánh giá về vấn đề này đều chưa có đủ bằng chứng để khẳng định mối liên hệ trực tiếp giữa việc sử dụng mạng xã hội và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần và thể chất của thanh thiếu niên. Theo Viện Hàn lâm tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ, 90% thanh thiếu niên Mỹ trong độ tuổi từ 13 đến 17 đều sử dụng mạng xã hội, trung bình 9 giờ mỗi ngày. Thời gian "nghiện" mạng xã hội quá mức này có liên quan đến các vấn đề như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
Việc thanh thiếu niên Mỹ nói riêng và ở nhiều quốc gia khác nói chung dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội đang đặt ra thách thức lớn cho các bậc phụ huynh và nhà giáo dục. Trong giai đoạn não bộ đang hình thành và phát triển, việc tiếp xúc quá mức với môi trường số có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc tạo ra một môi trường lành mạnh và cân bằng để các em phát triển là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường.
Thời kỳ thanh thiếu niên là giai đoạn não bộ trải qua những thay đổi căn bản. Các kết nối thần kinh liên tục được hình thành và củng cố, đặc biệt là ở những vùng điều khiển cảm xúc và hành vi. Chính vì sự phát triển chưa hoàn thiện này mà não bộ của tuổi thanh thiếu niên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, bao gồm cả mạng xã hội.
Theo người đứng đầu về các vấn đề sức khỏe công cộng của Mỹ, Tiến sỹ Vivek Murthy viết trong báo cáo về tác động của mạng xã hội lên sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong cấu trúc và chức năng của não bộ.
Cụ thể, hạch hạnh nhân, khu vực liên quan đến cảm xúc và động lực có thể trở nên nhạy cảm hơn với các tín hiệu xã hội, khiến thanh thiếu niên dễ bị ảnh hưởng bởi sự đánh giá và tương tác trên mạng. Đồng thời, vỏ não trước trán, khu vực chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định, kiểm soát hành vi và cảm xúc cũng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc tiêu cực như lo lắng, trầm cảm và cô đơn.
Các nền tảng mạng xã hội thường sử dụng một hệ thống phức tạp của lượt thích, bình luận và thông báo để thu hút người dùng. Những tương tác này không chỉ đơn thuần là các con số, mà còn là phần cốt lõi của thuật toán, điều khiển những gì chúng ta nhìn thấy trên mạng xã hội.
Cơ chế này vô tình tạo ra một vòng lặp khiến người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên, luôn cảm thấy cần phải tìm kiếm sự công nhận và xác nhận từ bạn bè. Việc liên tục kiểm tra thông báo và so sánh bản thân với những hình ảnh được dàn dựng kỹ lưỡng trên mạng xã hội có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.
Một nghiên cứu của các chuyên gia y tế Vương quốc Anh năm 2019 đã đưa ra những bằng chứng đáng lo ngại về mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội quá mức và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên.
Báo cáo được công bố trên Tạp chí Y học lâm sàng điện tử cho thấy việc lướt mạng xã hội quá nhiều có thể dẫn đến một loạt các vấn đề, từ bị quấy rối trực tuyến, rối loạn giấc ngủ đến các vấn đề về hình ảnh cơ thể và trầm cảm. Những kết quả này cho thấy tác động tiêu cực của mạng xã hội không chỉ dừng lại ở khía cạnh tâm lý mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và sự phát triển toàn diện của giới trẻ.
Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học hoàn toàn xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng mạng xã hội và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, nhưng những quan sát thực tế và các nghiên cứu ban đầu đã cho thấy một mối liên hệ đáng lo ngại.
Việc thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian trên các nền tảng mạng xã hội đã trở thành một vấn đề xã hội cấp bách. Chúng ta cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về cơ chế tác động của mạng xã hội lên não bộ và sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Điều này sẽ giúp các chuyên gia y tế, phụ huynh và nhà giáo dục có những biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.
Phải công nhận rằng, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của thanh thiếu niên hiện đại. Chúng cung cấp một nền tảng tuyệt vời để các bạn trẻ thể hiện bản thân, kết nối với bạn bè và khám phá thế giới. Việc tương tác trên mạng xã hội có thể giúp xây dựng các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa, thúc đẩy sự tự tin và sáng tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, việc sử dụng mạng xã hội quá mức và không lành mạnh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc thường xuyên với các nội dung tiêu cực, so sánh bản thân với người khác trên mạng xã hội có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển não bộ, việc sử dụng mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến cách thức não bộ xử lý thông tin, hình thành các thói quen không lành mạnh và gây ra những hậu quả lâu dài.
Việc thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian mỗi ngày để trực tuyến đồng nghĩa với việc họ dành ít thời gian hơn cho các hoạt động ngoại khóa và tương tác trực tiếp với bạn bè, gia đình. Không có nền tảng kỹ thuật số nào có thể thay thế hoàn toàn những trải nghiệm xã hội thực tế.
Qua việc giao tiếp trực tiếp, thanh thiếu niên học cách đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể, phát triển các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, rèn luyện khả năng đồng cảm và xây dựng các mối quan hệ sâu sắc. Đây là những kỹ năng sống thiết yếu mà không thể học được chỉ thông qua màn hình điện thoại.
Vì vậy, thanh thiếu niên nên chủ động sắp xếp thời gian sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý. Thay vì dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo, giới trẻ có thể tạm dừng sử dụng mạng xã hội trong những khoảng thời gian nhất định để tập trung vào các hoạt động khác như đọc sách, chơi thể thao, hoặc tham gia các câu lạc bộ.
Việc cân bằng cuộc sống giữa thế giới ảo và thế giới thực sẽ giúp thanh thiếu niên phát triển toàn diện hơn, xây dựng những mối quan hệ bền vững và có những trải nghiệm đáng nhớ trong thời kỳ tuổi trẻ.