Mẫu pháo điện từ trên tàu chiến bị nghi là “đòn gió” của Trung Quốc
Pháo điện từ Trung Quốc đang phát triển cho tàu chiến bị nghi ngờ về tính khả thi trong công nghệ và khả năng tác chiến thực tế.
Hình ảnh pháo điện từ trên mũi tàu đổ bộ Type-072II xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Cổng thông tin điện tử 81.cn của quân đội Trung Quốc hôm 14/3 xác nhận nước này đã đạt được đột phá mới để vận hành ổn định pháo điện từ lắp đặt trên tàu chiến. Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt nhiều nghi vấn về tính năng thực tế của loại "siêu vũ khí" do Trung Quốc tự phát triển này, theo National Interest.
Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh của pháo điện từ sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này.
Zhang Xiao, chuyên gia thuộc Đại học Kỹ thuật Hải quân của quân đội Trung Quốc, cho biết họ đã chế tạo thành công hệ thống điện một chiều xung lặp để nạp điện cho pháo điện từ, sau hàng trăm lần thất bại và hơn 50.000 thử nghiệm khác nhau.
Nếu những tuyên bố của Trung Quốc là có cơ sở, nước này đã hoàn thiện loại vũ khí mà Mỹ chưa thể làm chủ sau 10 năm phát triển. Dù đầu tư tới 500 triệu USD, Washington vẫn chưa thể triển khai thử nghiệm pháo điện từ trên tàu chiến, trong khi tổ hợp vũ khí của Bắc Kinh đã được lắp trên mũi tàu đổ bộ lớp Type-072II.
Tuy nhiên, có ba dấu hiệu cho thấy tính khả thi của pháo điện từ Trung Quốc vẫn còn rất xa thực tế, khó lòng được hoàn thiện và biên chế trong vài năm tới.
Pháo điện từ thay thế vị trí ụ pháo 37 mm trên tàu đổ bộ Type-072II. Ảnh: SCMP. |
Đầu tiên, Bắc Kinh công bố ảnh pháo điện từ gắn trên tàu chiến khi chưa trưng ra bằng chứng nào cho thấy việc triển khai vũ khí này trên bộ, vốn được coi là ít thách thức hơn nhiều. Chương trình pháo điện từ của nước này cũng mới ở giai đoạn sơ khai, ngoài những tuyên bố từ giới chức quân đội, chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã có tiến bộ lớn về công nghệ.
Bên cạnh đó, bức ảnh bệ pháo gắn trên tàu chiến không thể coi là tín hiệu cho thấy dự án vũ khí này đã gần hoàn thiện. Nó có thể là mô hình không có khả năng chiến đấu, được cố tình tung ra để gây chú ý, cũng như răn đe đối thủ tiềm tàng là Mỹ.
Melodie Ha, thực tập sinh tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng việc công bố thông tin về pháo điện từ trên tàu chiến của Trung Quốc nhiều khả năng là "đòn gió" nhằm thể hiện họ đang sở hữu vũ khí công nghệ cao, đủ sức thách thức hải quân Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Đây có thể coi là một màn phô trương sức mạnh trước những đối thủ tiềm tàng của Bắc Kinh, hơn là thể hiện bước tiến thực tế trong dự án vũ khí điện từ, Ha nhận định.