Máy bay phải diệt muỗi trước khi đến Tân Sơn Nhất
Để tránh ca bệnh Zika xâm nhập vào Việt Nam, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động phun hóa chất diệt muỗi trên máy bay trước khi đến Tân Sơn Nhất.
Trong thông báo khẩn vừa phát đi, Sở yêu cầu Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế xây dựng kế hoạch phòng, chống virus Zika.
Kêu gọi toàn dân diệt muỗi
Theo lãnh đạo của Sở Y tế TP HCM, các hãng bay phải phun thuốc diệt muỗi đối với các chuyến xuất phát từ vùng có dịch Zika hoặc trên máy bay có hành khách đến từ vùng dịch trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Khi phát hiện hành khách đến từ vùng dịch nghi nhiễm bệnh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với trung tâm cấp cứu 115, Trung tâm Y tế dự phòng TP, Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe đưa hành khách về Bệnh viện Nhiệt đới để khám và điều trị.
Ngoài ra, ngành y tế còn giám sát việc thực hiện vệ sinh khử khuẩn trên máy bay và trong khu vực Tân Sơn Nhất nhằm hạn chế lây nhiễm. Truyền thông cho hành khách về cách nhận biết và phòng chống lây nhiễm dịch do virus Zika gây ra.
Phun thuốc diệt muỗi ở TP HCM. |
Sau khi Bộ Y tế công bố 2 ca dương tính virus Zika, Trung tâm y tế dự phòng TP HCM đã cho phun thuốc diệt muỗi quanh khu vực có bệnh nhân trong vòng bán kính 200 m.
Theo đó, trung tâm này đã đưa nhân viên cùng thiết bị phun thuốc diệt muỗi đến tòa nhà PetroVietnam (đường Lê Duẩn, quận 1), nơi bệnh nhân nữ dương tính với virus Zika đang làm việc. Nhân viên y tế phun thuốc ở tầng hầm, khuôn viên tòa nhà và tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).
Trung tâm Y tế Dự phòng quận 2 cũng phun thuốc diệt muỗi trong bán kính 200 m quanh nhà nữ bệnh nhân ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2.
Trước nguy cơ virus Zika lưu hành tại TP HCM là rất lớn, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM kêu gọi các cấp chính quyền, công sở, doanh nghiệp và nhân dân tham gia quyết liệt công tác diệt muỗi, loăng quăng. "Cần tăng cường giám sát, không để dịch virus lây lan ra cộng đồng", ông Bỉnh nhấn mạnh.
Đà Nẵng lên phương án ứng phó Zika
Sáng 6/4, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là cửa ngõ của khu vực khi cảng biển, sân bay quốc tế nên mỗi ngày đón hàng nghìn du khách quốc tế. Cùng với đó là tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn đang xuất hiện nên ngành y tế Đà Nẵng đã nâng cảnh báo đối với dịch bệnh lên cấp độ 2.
Các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực,… để tiếp nhận, điều trị nếu phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm virus Zika.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, Ban chỉ huy ứng phó, tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Zika đã được thành lập, gồm giám đốc, các phó giám đốc của bệnh viện và 2 tổ phòng dịch cũng sẵn sàng được điều động.
Tầng 1 Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng được bố trí làm nơi tiếp nhận bệnh nhân với công suất 30 giường bệnh. "Trong trường hợp số bệnh nhân tăng, toàn bộ khoa này sẽ được sử dụng để chăm sóc và điều trị", đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng thông tin.
Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP tăng cường giám sát, kiểm tra thân nhiệt đối với các hành khách du lịch trong và ngoài nước tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Tiên Sa.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, hiện nay lượng khách du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng tại địa phương rất lớn. Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn cũng đang ở mức cao, với trung bình 40-50 bệnh nhân/tuần.
"Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên của đơn vị tăng cường giám sát dịch tại khu du lịch, các điểm khách nước ngoài thường xuyên lưu trú, các khu dân cư, nhất là đối với các bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết", bác sĩ Thạnh nói.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, Bộ Y tế đã đồng ý để ngành y tế Đà Nẵng chủ động xét nghiệm ban đầu chẩn đoán virus Zika thay vì gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm như trước đây. "Công việc này sẽ giúp phát hiện sớm bệnh nhân mắc virus Zika để có phương án phòng, chống kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng", ông Thạnh thông tin.
Những ngày qua, ngành y tế Đà Nẵng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy; tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ y tế cơ sở phát hiện sớm những triệu chứng sốt do virus Zika; lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nghi nhiễm bệnh để tầm soát, phát hiện dịch sớm để khoanh vùng dịch.
Sáng 5/4, Bộ Y tế công bố hai ca bệnh đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam là phụ nữ 64 tuổi ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) và thai phụ 33 tuổi ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 TP HCM. Nữ bệnh nhân tại Khánh Hòa chưa từng đến vùng có dịch và không tiếp xúc với khách nước ngoài. Còn bệnh nhân thứ hai mang thai 8 tuần có chồng làm việc ở Maylaysia về Việt Nam được 14 ngày nhưng anh này không có biểu hiện nhiễm bệnh. |
Theo Zing