Hôm nay, khi tan học về nhà, gương mặt cậu bé Nguyễn Đình Hậu (SN 2015), ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) như rạng rỡ hơn khi thấy mẹ đỡ đầu Hồ Thị Thu đang đợi mình nơi bậc thềm quen thuộc. Em có một tuổi thơ chẳng mấy êm đềm khi lên 6 tuổi đã vĩnh viễn mất đi người bố sau khi bố em trải qua một cơn đột quỵ. Sau khi bố mất, căn bệnh ung thư phổi của mẹ ngày một nặng thêm, rồi mẹ em cũng ra đi vào tháng 9 năm 2023.
Chỉ trong một thời gian ngắn, em mất đi cả bố và mẹ. Không chấp nhận được nỗi đau đó, em vẫn thường hỏi bà ngoại trong vô vọng: “Bao giờ thì bố mẹ trở về bên con?” Nghe câu hỏi đó, bà ngoại chỉ biết nhìn về mẹ đỡ đầu của cháu là chị Hồ Thị Thu (SN 1967) – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Kim Diên (xã Nghi Long) bởi chỉ có chị mới khỏa lấp được những mất mát trong lòng cháu.
Bà ngoại kể, mẹ Hậu là công nhân may, còn bố Hậu lúc còn sống làm bảo vệ cho một cơ sở kinh doanh. Những đồng lương ít ỏi chỉ đủ để trang trải chi phí thuốc men và việc ăn học của Hậu và anh trai sinh năm 2006. Bước vào khoảng thời gian toàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngừng hoạt động và cắt giảm nhân công đã khiến cho bố mẹ Hậu đều mất việc. Gia cảnh khốn khó lại càng éo le khi bố mẹ Hậu lần lượt ra đi. Ngay cả chỗ ăn, ngủ của các cháu cũng thiếu thốn khi nhà chẳng có nổi một chiếc giường, hai anh em phải trải một chiếc chiếu mỏng nằm ở nền nhà.
Thấu hiểu những khó khăn đó, chị Thu đã về nhà lấy chính chiếc giường của gia đình mình cho 2 cháu. Đồng thời, quan tâm, chăm sóc các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ. Chị vận động Chi hội Phụ nữ xóm nhận Hậu làm con nuôi, hỗ trợ cho cháu 300.000-500.000 đồng mỗi tháng và đồ dùng học tập cần thiết. Cùng với Hậu, 8 em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của xóm cũng đã được Chi hội Phụ nữ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ.…
Chị Ngô Thị Thanh Xuân – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nghi Lộc chia sẻ, đến nay, các cấp hội của địa phương đã kết nối hỗ trợ được 111 cháu, với mức hỗ trợ từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng /tháng/cháu. Bên cạnh đó, các cấp Hội duy trì chương trình hỗ trợ trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trước thềm năm học mới, tổ chức Chương trình “Tiếp bước cho con đến trường”, Chương trình “Quyển sách cũ – niềm hy vọng mới” để tiếp sức cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Còn tại thị xã Hoàng Mai, những năm qua, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cũng đã được các cấp Hội đồng lòng triển khai sôi nổi. Để có giải pháp hỗ trợ và giúp đỡ hiệu quả, hội chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp Liên đoàn Lao động và Phòng LĐ-TB&XH thị xã triển khai chương trình; thành lập các đoàn trực tiếp đến cơ sở thẩm định, nắm bắt hoàn cảnh cụ thể của các cháu để có kế hoạch kết nối nhận đỡ đầu. Đến nay, có 122 trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được kết nối đến các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cá nhân nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trong giai đoạn 5 năm liên tục (từ năm 2022-2027), với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng (chưa tính tiền quà tặng và nhiều hiện vật khác). Chương trình đã lan tỏa tới 63 cơ quan, đơn vị, 4 doanh nghiệp và 2 hội nhóm nữ doanh nghiệp, 9 cá nhân đăng ký nhận hỗ trợ, đỡ đầu.
“Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Chương trình đã đem đến cho các con không chỉ có thêm một người mẹ, mà có thêm nhiều người thân, thêm một mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho các con về vật chất và tinh thần, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các con”, chị Trần Thị Bích – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Hoàng Mai nói.
Ngoài các địa phương như huyện Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai, Hội Liên hiệp phụ nữ nhiều địa phương khác cũng triển khai sâu rộng chương trình này. Có thể kể đến như tại huyện Thanh Chương, các cấp Hội đã kết nối đỡ đầu hơn 100 trẻ mồ côi, huyện Đô Lương là 93 cháu, huyện Anh Sơn là 114 cháu và huyện Quỳnh Lưu là 207 cháu…. Ngoài ra, Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng rất tích cực phát động cán bộ trong lực lượng để nhận đỡ đầu hàng trăm trẻ mồ côi. Các đơn vị đã triển khai hoạt động gây quỹ cho chương trình bằng nhiều hình thức sáng tạo như: quyên góp, vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, xây dựng các mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ”, “Rửa xe gây quỹ”, “Bán hoa gây quỹ”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi lợn tiết kiệm”, “Nhận cấy ruộng hoang gây quỹ”… Từ đó, tạo thêm được nguồn kinh phí đáng kể để chăm lo cho các cháu.
Với mục tiêu “Trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được đỡ đầu, chăm sóc, không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau”, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tại Nghệ An đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ và đón nhận sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, trong tỉnh đồng hành cùng Hội LHPN tỉnh sau gần 2 năm thực hiện. Nhờ vậy, đến cuối năm 2022 các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã kết nối nhận đỡ đầu cho 1.115 trẻ mồ côi, với tổng số tiền cam kết hỗ trợ trên 13,830 tỷ đồng (trong đó, tiền mặt 12,57 tỷ đồng và giá trị quà quy đổi bằng tiền 1,26 tỷ đồng). Bên cạnh đó, thời gian đỡ đầu cho đa số trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh được các đơn vị, tổ chức, cá nhân cam kết đỡ đầu ít nhất là 3 năm, 5 năm và thời gian cam kết nhận đỡ đầu dài nhất là cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi, dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ nếu các con đậu đại học hay đi học trường nghề.
Tiếp nối thành quả đó, 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội đã có thêm 445 trẻ mồ côi được các cấp hội nhận đỡ đầu và kết nối nhận đỡ đầu, nâng tổng số trẻ đã được đỡ đầu là 1.560 trẻ. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người “Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.
Ở giai đoạn tiếp theo, để Chương trình “Mẹ đỡ đầu” ngày càng đi vào thực chất, đạt được hiệu quả bền vững, chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An mong muốn, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cần chú trọng hơn nữa trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực của “Mẹ đỡ đầu”, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn; kết nối tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng cần làm tốt vai trò vận động, kết nối hỗ trợ cho trẻ em mồ côi; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình và người đại diện quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm…
Đồng thời, cần lan tỏa rộng rãi tính nhân văn của chương trình và tăng cường kết nối, huy động nguồn lực, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và các ngành để có được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi khó khăn. Giám sát việc quản lý, điều phối và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo tính công bằng, kịp thời và hiệu quả cũng như tham mưu, kiến nghị, đề xuất chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp để phát triển toàn diện cũng là những vấn đề cần được triển khai hiệu quả.
Với những nỗ lực đó, kỳ vọng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” sẽ ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả bền vững. Để rồi trong tương lai, các mẹ đỡ đầu sẽ trở thành điểm tựa vững chắc giúp các em nhỏ mồ côi mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn và được phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.