Miễn học phí - một quyết sách cho tương lai
Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh là một dấu hiệu khởi sắc, cho thấy kinh tế nước nhà có bước tiến vượt bậc, xứng đáng ghi nhận vào lịch sử của ngành giáo dục và của toàn xã hội, khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu theo tinh thần Nghị quyết TW 2, khoá VIII.
Mọi công dân đều có quyền tiếp cận giáo dục
Miễn giảm học phí để mọi công dân đều có quyền tiếp cận giáo dục mà không bị rào cản về tài chính, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội và mở rộng cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đặc biệt coi trọng nguồn lực con người, tạo nguồn công dân có năng lực đóng góp cho xã hội, thể hiện một tầm nhìn nhân văn trong việc đầu tư vào tương lai của xã hội. Nhà nước chú trọng đến phúc lợi xã hội, cải thiện chất lượng sống cho người dân, giúp khuyến khích đầu tư vào giáo dục như một yếu tố nền tảng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của xã hội.

Giáo dục không còn là một đặc quyền của người giàu, mà trở thành quyền lợi của tất cả các tầng lớp trong xã hội. Học sinh tập trung vào việc học mà không phải lo ngại về các vấn đề tài chính, giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, tạo động lực để phát triển năng lực cá nhân mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh. Khi trẻ em được học hành đầy đủ, xã hội cũng có thể giảm bớt những bất công và nâng cao trình độ dân trí, tạo môi trường học tập công bằng, giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Cùng với Thông tư 29 về tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, việc miễn học phí giúp phụ huynh giảm gánh nặng tài chính rất nhiều so với trước đây, nhất là với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con. Gia đình có điều kiện thì cho con cái học những trường danh tiếng, tham gia các lớp học bổ trợ, du học ở các nước phát triển, có nền giáo dục tiên tiến. Đó chỉ là thiểu số, không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy. Thực tế những năm qua, số học sinh bỏ học với nhiều lý do khác nhau, trong đó phần lớn áp lực vì lý do tài chính. Giảm gánh nặng tài chính là bước đầu để thay đổi hoàn cảnh của các em và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Khi không còn lo lắng về học phí, phụ huynh có thể tập trung đầu tư nhiều hơn vào các nhu cầu học tập khác cho con em như sách vở, thiết bị học tập hoặc các khóa học kỹ năng. Qua đó sẽ tạo ra sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện. Học sinh đi học không tự ti khi cô giáo nhắc nhở đóng học phí, phụ huynh cũng không phải chạy vạy mỗi dịp nộp học phí cho các con.
Khi không phải lo lắng về chi phí học tập, học sinh có thể tập trung nhiều hơn vào việc học và phát triển kỹ năng, học sinh trong các gia đình khó khăn sẽ có cơ hội học tập bình đẳng như các bạn khác, từ đó giúp giảm thiểu sự phân hóa trong xã hội. Các em có năng lực nhưng thiếu điều kiện tài chính không bị bỏ lỡ cơ hội học hỏi và phát triển, bớt căng thẳng tâm lý, cải thiện tinh thần học tập, giảm bớt lo âu và tăng cường khả năng tiếp thu kiến thức. Gia đình có thể dành tiền để đầu tư vào các khóa học bổ sung, học nghề hoặc các cơ hội phát triển khác cho con em mình, tạo ra một vòng xoáy tích cực thúc đẩy tương lai. Việc miễn học phí giúp tạo ra một xã hội công bằng hơn, nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội hưởng thụ một nền giáo dục được ghi nhận tại Luật Giáo dục 2019. Điều này có thể làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, giúp những người từ gia đình nghèo có cơ hội vươn lên, giảm thiểu sự phân biệt xã hội. Khi công dân được tiếp cận giáo dục mà không bị rào cản tài chính, xã hội sẽ có một nguồn nhân lực đa dạng và chất lượng với nền dân trí cao sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc đào tạo một đội ngũ lao động có trình độ cao, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Chủ trương lớn đầy tính nhân văn, ý nghĩa và thiết thực của Đảng và Nhà nước nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp trong xã hội, Nhà trường, giáo viên và học sinh vô cùng phấn khởi, vui mừng khi chính sách này được thực hiện. Mọi trẻ em đều là người nghèo nhất, do vậy, cần được tiếp cận giáo dục miễn phí. Giáo dục được cung cấp miễn phí là nhờ công sức đóng thuế của các bậc phụ huynh, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Miễn học phí chứ không phải học miễn phí

Tuy nhiên, không nên đánh tráo khái niệm, miễn học phí chứ không phải học miễn phí. Học phí được miễn nhưng nhà trường vẫn duy trì nhiều khoản thu, cả hợp lý và vô lý. Thực tế những năm qua còn tồn tại các cơ sở giáo dục học trò phải đóng nhiều khoản tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền thiết bị dụng cụ học tập, tiền tổ chức dạy kỹ năng sống, tiền học tiếng Anh tăng cường, lễ nghi ... trăm thứ đổ lên đầu phụ huynh học sinh. Các con được miễn học phí, nhưng đủ thứ phí khác ở trường vẫn không được miễn, cần đóng nên nỗi lo vẫn còn đó. Ngoài vài triệu, vài trăm ngàn đồng được miễn, phụ huynh vẫn phải đóng thêm cả triệu, thậm chí nhiều triệu để phục vụ cho việc học của các con ở trường.
Miễn học phí, nhà trường sẽ có những khó khăn nhất định. Học phí thường là một trong những nguồn thu chính của các trường học. Nhà trường phải tìm các nguồn tài chính thay thế để duy trì hoạt động, học phí bù lương cho giáo viên, mua sắm cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giảng dạy. Nếu không có đủ ngân sách, nhà trường có thể gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng giảng dạy, chẳng hạn như thiếu giáo viên, tài liệu học tập, cơ sở vật chất hoặc các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ học sinh. Việc miễn học phí khiến nhiều đơn vị không đủ nguồn lực để đầu tư vào việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng phòng học mới hay đầu tư vào công nghệ giáo dục. Việc miễn học phí có thể tạo ra áp lực lớn đối với các nhà quản lý để đảm bảo chi tiêu hợp lý và tìm kiếm các phương án tài trợ hiệu quả từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước hoặc các tổ chức xã hội.
Đất nước đang phát triển, vị thế, uy tín ngày càng được nâng cao, là lúc nhà nước đầu tư thoả đáng hơn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập, cải thiện chất lượng giáo dục và giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại hơn. Thiết nghĩ, ngoài việc miễn học phí, cần có thêm các chính sách đầu tư mạnh mẽ vào khoa học và công nghệ trong giáo dục, đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng trường học, phát triển chương trình học bổng để các em có cơ hội học tập tốt hơn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo. Khuyến khích các gia đình khá giả, các mạnh thường quân, các nhà tài trợ tự nguyện đóng góp ... thay vì "cào bằng" cho các gia đình.
Trong niềm vui được miễn học phí, giáo dục Việt Nam được kỳ vọng hướng tới mục tiêu cao hơn, xa hơn là mọi trẻ em "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Nghĩa là các em chỉ cần mang cặp sách và bình nước là có thể đến lớp, vì quyền học tập đó đã được cả xã hội bảo trợ. Các em sẽ được học trong môi trường không phải lo lắng về chi phí học tập hay thiếu thốn điều kiện học hành. Một thế hệ trẻ không chỉ giỏi về kiến thức mà còn mạnh mẽ về tinh thần và đạo đức được hình thành, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, thịnh vượng.